15/01/2017 00:58 GMT+7

Chuyện cuối tuần: Loa phường ơi, chào mi

PHẠM XUÂN NGUYÊN
PHẠM XUÂN NGUYÊN

TTO - Cái tin ông chủ tịch Hà Nội đề nghị xem xét tính hiệu quả của hệ thống loa phát thanh phường để có thể xóa bỏ nó đã được truyền đi nhanh chóng, không phải qua các loa phường!

3 chiếc loa lắp liền nhau nhưng theo phản ảnh của người dân thì thường xuyên bị rè và âm nhỏ khiến người nghe rất khó tiếp cận thông tin - Ảnh QUANG THẾ
Loa phường ở Hà Nội - Ảnh QUANG THẾ

Và trong dư luận phản hồi tin này của người đứng đầu thành phố thủ đô tôi nghe rất rõ một tiếng thở phào nhẹ nhõm của rất nhiều người, nhất là cư dân thành thị. Ơn Giời, đúng quá rồi! Và một sự háo hức: loa ơi, chào mi!

Nghĩ cũng tội cho cái loa phường. Không, đúng ra phải nói là cái loa công cộng. Vào cái thời các phương tiện thông tin liên lạc còn ít ỏi và hạn chế, thì hệ thống loa công cộng được mắc ở cột điện, cành cây khắp các làng xã, khu phố là một cách thức hữu hiệu để truyền tin cho mọi người.

Trong nhà mọi người khi đó hầu như không có âm thanh gì phát ra từ một công cụ máy móc nào. Ngoài làng ngoài phố khi đó cũng không có một công cụ máy móc nào phát ra âm thanh, tiếng động cơ xe cộ cũng rất ít ỏi, vì phương tiện đi lại chủ yếu là đôi chân và sau này là xe đạp.

Trong không gian và không khí đó, tiếng loa phát thanh bật to âm lượng, khuếch đại công suất, nhất là lại được phát ra theo chiều gió, khiến cho luồng âm thanh duy nhất này được nghe rõ mồn một, đập vào tai mọi người buộc phải nghe, phải chú ý từng lời.

Cái loa công cộng chỉ có mỗi chức năng là thông báo tình hình thời sự và công việc của cơ quan chính quyền đến người dân. Và trong hoàn cảnh của một xã hội vô thanh trước đây thì một công cụ hữu thanh như vậy là hữu ích và có tác dụng.

Nhưng khi hoàn cảnh xã hội đã thay đổi, khi giờ đây không gian sống của mọi người, nhất là ở các đô thị lớn, bị quá tải âm thanh đủ loại, và khi mà các phương tiện thông tin khác nhanh nhạy, tiện ích hơn đã thâm nhập sâu rộng vào cuộc sống của mỗi cá nhân, thì sự tồn tại của cái loa công cộng đã trở nên thừa thãi, vô dụng, chưa nói là còn tăng thêm áp lực gây ức chế cho con người.

Nó trở thành nỗi ám ảnh và sợ hãi trong từng ngày sống của các thành viên trong cộng đồng. Ở thành phố nó tạo nên sự quá tải âm thanh, gây căng thẳng đầu óc và tinh thần cho mọi người ngay khi chưa bước chân ra đường.

Ở nông thôn nó gây uy hiếp cho người dân khi chức năng của nó bị biến tướng như một công cụ đốc thúc các khoản đóng góp còn nợ thiếu. Thế là từ một vật có ích, cái loa công cộng bị trở thành một vật vô ích, từ một cái người ta mong đợi nghe nó bị trở thành một cái bị ghét nghe. Bản thân cái loa không có lỗi.

Lỗi là ở những người duy trì nó quá lâu. “Khuyết điểm của chúng ta là ở chỗ ưu điểm kéo quá dài”, câu này ông Lenin không nói cho cái loa công cộng, nhưng bây giờ ta có thể nói qua cái loa công cộng câu đó trước khi giã từ nó.

Sẽ cũng nhớ chứ, hình ảnh những cái loa đơn, loa chùm gắn trên cột điện, mắc trên cành cây, biểu tượng của một thời. Sẽ cũng nhớ chứ, tiếng loa ồn ào mỗi sáng chiều như một sự đánh thức bắt buộc.

Cái gì quen quá đến mức phát chán phát ghét thì khi giã từ, chấm dứt cũng ít nhiều khiến bâng khuâng. Tâm trạng con người là thế mà.

Nhưng mà rồi những cái loa công cộng ở phường ở xã sẽ lùi vào quá khứ như chứng tích của một thời, như nhiều cái giống nó đã hết phận sự của mình. Tôi chờ mong quyết định của ông chủ tịch Hà Nội sẽ chóng thành hiện thực và không chỉ ở thủ đô.

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp