30/07/2017 11:28 GMT+7

Chuyện cuối tuần: Hồi ức trắng đen, chuyện cũ còn mới

MAI VINH
MAI VINH

TTO - Mưa, lạnh kèm theo gió lớn khiến những mảng sương lúc dày, lúc mỏng, biến căn biệt thự cổ số 17 Lê Hồng Phong (TP Đà Lạt - nơi triển lãm Phố bên đồi lần 2 - Hồi ức trắng đen) trở nên mờ ảo tựa ký ức.

Họa sĩ Nguyễn Thế Thông và bức tranh Mai - Ảnh: M.VINH
Họa sĩ Nguyễn Thế Thông và bức tranh Mai - Ảnh: M.VINH

Họa sĩ Nguyễn Thế Thông đã vẽ bằng nhiều chất liệu khác nhau gồm than, sáp, acrylic... về Đà Lạt.

Thông không vẽ về ký ức của anh mà vẽ ký ức của những người Đà Lạt đang đến bên kia con dốc cuộc đời.

Giải thích về việc chọn màu đen trắng để phác họa ký ức, Thông chia sẻ: “Giấc mơ, hồi ức của chúng ta thường chỉ có đường nét và câu chuyện.

Bước ra khỏi hồi tưởng khó ai tránh khỏi bần thần, đôi khi vì tiếc nuối và đôi khi là cảm giác khác khó gọi tên nhưng nhuốm buồn hoặc hơn cả buồn”.

Anh kể năm 2012 anh đến Đà Lạt rồi đi, sau đó quay lại sống, rồi lại đi. Sau quãng mưu sinh, anh quay lại Đà Lạt.

“Quay lại vì nhớ, vì ký ức của người xưa cứ chạy khắp trí não” - họa sĩ Thế Thông tâm sự.

Để có 17 bức họa trắng đen, Thế Thông đến những nơi đã và đang thành phế tích để cảm nhận không gian, nghe những người sống cạnh hoặc gắn bó nơi ấy kể chuyện.

Ấy là câu chuyện của người Đà Lạt sống trọn đời ở Đà Lạt hoặc vì một lý do bất khả kháng phải rời đi.

Hồi ức trắng đen vẽ căn biệt thự cổ hoang sơ ở một buổi chiều cõi xưa; dốc đá nhỏ nối phố cũ và mới; Đà Lạt với những căn nhà trật tự cũ xưa và hỗn độn hiện tại... 17 bức họa chứa những mẩu ký ức không nguyên vẹn.

Thông kể trong lần tìm câu chuyện để vẽ, anh gặp một phụ nữ chỉ về cây mai trơ gốc mục. Bà yêu căn nhà và gốc mai. Nhưng bà phải bán căn nhà.

Cội mai quá đẹp, nhiều người hỏi mua. Bà không nỡ bán nên chính tay bà chặt ngã cây mai.

“Bà ấy kể và nhìn xa xăm, day dứt về cội mai ấy. Bà bảo cây mai ấy mang ký ức của bà, bà không muốn nó mang thêm ký ức của ai khác”.

Và những căn nhà cổ cuối đường Hùng Vương, Thông vẽ sau khi nghe một cụ già kể nơi đó từng có ai ở, họ sống qua biến động ra sao và rời đi để lại sau lưng những đổ nát thế nào...

Dự triển lãm, ca sĩ Thu Minh xúc động: “Nếu 10 năm trước xem tranh, tôi có thể biết họa sĩ vẽ nơi nào ở Đà Lạt nhưng giờ tôi chỉ nói chung chung là “ở đó”, kiểu người đi xa lâu ngày, nhớ chốn xưa và nói với bạn rằng tôi từng ở đó”.

Với người Đà Lạt, hoặc ai yêu quý Đà Lạt, ký ức là chuyện cũ nhưng tiếc nuối sẽ mới mỗi ngày. Ở đây, dấu xưa có quá nhiều và sẽ dần mất đi theo nhịp phát triển như lẽ dĩ nhiên.

Họa sĩ Nguyễn Thế Thông sinh năm 1989, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM. Anh sống và lui tới Đà Lạt nhiều trong quãng thời gian 5 năm trở lại đây.

Có thời gian sống gắn bó với Đà Lạt trong 2 năm liên tục từ năm 2013-2015 khi thực hiện dự án “Hội họa ước mơ” dạy vẽ cho trẻ em khiếm thính.

Triển lãm Hồi ức trắng đen (kéo dài đến ngày 27-8) là triển lãm cá nhân đầu tiên của anh trong chuỗi triển lãm thường niên Phố bên đồi, thực hiện dưới bảo trợ của A7 Studio.

Các tác phẩm của họa sĩ Thế Thông cũng như A7 Studio nhấn mạnh đến các thông điệp về môi trường, đô thị hóa.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp