18/01/2015 13:05 GMT+7

Chuyện của tôi: Không được khai sinh cho con

HOÀNG ĐIỆP (ghi theo lời kể của chị NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN)
HOÀNG ĐIỆP (ghi theo lời kể của chị NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN)

TT - Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Thị Thanh Huyền (30 tuổi, ngụ tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa).

 

Chị Huyền có bạn trai người nước ngoài, đến khi có bầu thì hai bên bất đồng quan điểm chia tay. Khi chị sinh con thì bạn trai đến bệnh viện lấy giấy chứng sinh của em bé mang đi khai sinh tại lãnh sự quán, khiến chị không thể khai sinh cho con ở Việt Nam.

Đơn phương khai sinh cho con

Tôi và anh P. (quốc tịch Pháp) có quan hệ tình cảm với nhau từ tháng 4-2013 đến tháng 5-2014 thì chia tay. Lúc đó tôi có bầu được sáu tháng. Dù chia tay nhưng chúng tôi vẫn liên lạc thăm hỏi nhau.

Đến ngày 14-8-2014, tôi sinh em bé ở Bệnh viện Hạnh Phúc (tỉnh Bình Dương), tôi có thông báo cho anh P. biết việc này, bởi anh là cha ruột của con tôi.

Anh P. đến bệnh viện thăm tôi và con, trong khi tôi còn đang yếu thì anh P. tự ý đi lấy giấy chứng sinh của con để đi làm giấy khai sinh tại Lãnh sự quán Pháp ở TP.HCM, ghi tên cha là anh P., sau đó anh làm luôn hộ chiếu cho bé.

Về việc đăng ký khai sinh cho con, nhập quốc tịch Pháp cho bé tôi hoàn toàn không biết, không được hỏi ý kiến gì.

Kể từ khi em bé ra đời, giữa tôi và anh P. chỉ còn mối quan hệ cùng hợp tác để nuôi con, không còn chút tình cảm nào. Thời gian đầu tôi ở nhà tôi, anh P. thường đến thăm con vào ban ngày.

Sau đó, anh P. muốn được thuận tiện trong việc chăm sóc con nên thuê nhà ở TP.HCM cho mẹ con tôi ở.

Không cho khai sinh theo quốc tịch Việt Nam

Trong suốt thời gian đó, tôi luôn muốn được đi đăng ký khai sinh cho con tại các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam nhưng luôn bị anh P. từ chối.

Đến cuối tháng 11-2014, trong một lần anh P. đến thăm con, lợi dụng lúc tôi đi ra ngoài có công chuyện, anh P. mang bé về nơi anh đang tạm trú và không đưa bé trở lại.

Những ngày tiếp theo, anh P.  ngăn cản tôi đến thăm con. Tôi nhiều lần đến nơi anh P. ở để yêu cầu được gặp con nhưng bảo vệ và các nhân viên của anh không cho phép.

Tháng 12-2014, tôi quyết định đi đăng ký khai sinh cho con theo đúng pháp luật hiện hành tại UBND xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa nhưng cán bộ tư pháp xã Ninh Bình từ chối cấp giấy khai sinh cho bé theo quốc tịch Việt Nam.

Họ nói bé đã có giấy tờ tùy thân và là công dân Pháp, họ cũng từ chối luôn việc nhập quốc tịch Việt Nam cho bé.

Theo cơ quan tư pháp của tỉnh Khánh Hòa, căn cứ vào nghị định số 158/2005 của Chính phủ về việc đăng ký và quản lý hộ tịch, trong đó quy định “mỗi sự kiện hộ tịch chỉ được đăng ký một nơi theo đúng thẩm quyền”.

Họ cho rằng bé được đăng ký hộ tịch tại lãnh sự quán Pháp, nên UBND xã Ninh Bình không thể khai sinh cho bé được.

Tìm hiểu nghị định số 158 tôi thấy trường hợp con tôi được sinh tại Việt Nam thì cháu sẽ được đăng ký khai sinh tại Việt Nam.

Điều 13 nghị định này quy định: ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người mẹ được quyền thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ em; nếu không xác định được nơi cư trú của người mẹ thì ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người cha thực hiện việc đăng ký khai sinh.

Còn nếu em bé có cha hoặc mẹ là người nước ngoài, theo điều 49 nghị định này, việc đăng ký khai sinh cho trẻ được thực hiện tại sở tư pháp nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha là công dân Việt Nam.

Theo tôi hiểu, con tôi sinh tại Việt Nam, tôi là mẹ ruột của cháu và giữa tôi và anh P. không có chứng thực về hôn nhân thì cháu phải được đăng ký khai sinh ở Việt Nam. Tại sao không cho tôi đăng ký khai sinh cho con?

Là người mẹ sinh con hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, tôi cần được pháp luật Việt Nam bảo vệ để đảm bảo quyền được làm mẹ, được chăm sóc và sống với con mình.

Cần có sự thỏa thuận của hai bên

Đó là thông tin từ ông Nguyễn Quốc Cường - phó cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực Bộ Tư pháp.

Ông Cường cho biết hiện nay cục có nhận được đơn của đương sự. Trước mắt, cục sẽ làm công hàm gửi sang lãnh sự quán Pháp để trao đổi về nội dung vụ việc.

Bởi theo đơn trình bày của đương sự thì việc ông P. làm khai sinh cho con tại lãnh sự quán Pháp không có sự đồng ý của hai bên.

Trong khi đó, theo điều 50 nghị định 158/2005 của Chính phủ quy định về việc đăng ký khai sinh cho công dân có yếu tố nước ngoài có nêu rõ: “Trong trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì phải có giấy thỏa thuận của cha và mẹ về việc chọn quốc tịch”.

Luật sư Bùi Quang Nghiêm cũng cho rằng theo quy định tại điều 50 nghị định 158/2005 của Chính phủ, việc đăng ký khai sinh và chọn quốc tịch nước ngoài cho đứa trẻ được sinh ra ở Việt Nam (có cha hoặc mẹ là người Việt Nam) phải có sự thỏa thuận của cha mẹ.

Trong trường hợp này, nếu cha đứa trẻ lựa chọn quốc tịch Pháp cho con thì cần có sự đồng ý của người mẹ. Hoặc trong trường hợp không thỏa thuận được việc đứa trẻ mang một quốc tịch thì đứa trẻ sẽ được mang cả hai quốc tịch Việt Nam và Pháp.

HOÀNG ĐIỆP (ghi theo lời kể của chị NGUYỄN THỊ THANH HUYỀN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp