Cùng các đồng nghiệp - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Tim đến Việt Nam du học sau khi giành được một suất học bổng trị giá gần 12.000 USD cách đây 15 năm.
Học bổng và chuyến đi thay đổi cuộc đời
Tim xuất thân từ một gia đình nghèo, đông con ở tiểu bang California (Mỹ). Anh là người duy nhất trong bốn anh chị em có cơ hội đi học ĐH sau khi nhận học bổng ngành nhân học và châu Á học của Trường ĐH Công lập bang California.
Ở trường ĐH, Tim làm thêm ở thư viện 25 giờ mỗi tuần để chi trả sinh hoạt phí và tiền thuê nhà.
Để tốt nghiệp ĐH, Tim phải học một trong ba ngôn ngữ châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản hoặc Việt Nam trong thời gian một năm. Và cơ duyên tiếp xúc với tiếng Việt của Tim đến một cách rất tình cờ.
Trong lớp nhân học, Tim là bạn cùng lớp của một cô giáo gốc Việt. Biết Tim đang có ý định học một ngôn ngữ châu Á, cô thuyết phục Tim học tiếng Việt với lý do lớp tiếng Việt cô dạy đang thiếu sinh viên và có thể lớp sẽ không được mở nếu không bảo đảm sĩ số tối thiểu theo quy định của nhà trường. Và Tim đồng ý.
Với lợi thế là vốn tiếng Việt kha khá, Tim đã giành được học bổng nghiên cứu phát triển kinh tế bền vững ở Việt Nam trị giá 12.000 USD, do School for International Training (Trường Đào tạo quốc tế) có trụ sở tại bang Vermont (Hoa Kỳ) cấp vào năm 1999.
Học bổng này đài thọ toàn bộ chi phí cho Tim theo học các lớp ngôn ngữ và văn hóa tiếng Việt ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, tham gia các khóa học chuyên đề về Việt Nam do các giảng viên Việt Nam đứng lớp trong sáu tháng.
Tim tiết lộ nếu như không có học bổng này, có thể anh sẽ không bao giờ đến Việt Nam bởi anh và gia đình không biết xoay xở như thế nào để có số tiền 12.000 USD.
Lúc đầu đến Việt Nam, Tim kiếm tiền trang trải sinh hoạt và thuê nhà bằng cách đi dạy tiếng Anh. Qua sự giới thiệu của bạn bè, anh được nhận làm giáo viên dạy tiếng Anh cho Trường cao đẳng Hoa Sen (nay là ĐH Hoa Sen) trong sáu năm từ 1999-2005.
Song song với công việc ở Trường Hoa Sen, anh còn tham gia giảng dạy biên phiên dịch tiếng Anh cho sinh viên Trường ĐH KHXH&NV từ năm 2002-2005.
Rời Cao đẳng Hoa Sen, Tim dạy tiểu học tại Trường Quốc tế Mỹ cho đến năm 2007 và sau đó anh quay về Mỹ làm giáo viên tại một trường tiểu học ở California trong ba năm, trước khi quay trở lại TP.HCM vào năm 2010. Sau khi nhận bằng thạc sĩ quản lý giáo dục quốc tế năm 2013, Tim được đề bạt làm hiệu phó Trường cơ sở Nhà Bè, TP.HCM.
“Chuyến đi đến Việt Nam đã làm thay đổi cuộc đời tôi. Việt Nam là một nơi rất khác so với nơi tôi sinh ra và lớn lên nhưng tôi thấy mình yêu đất nước này. Nếu tôi không yêu đất nước này thì tôi sẽ không ở lại lâu đến thế” - Tim trải lòng.
Thầy Tim và con trai - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Làm rể Việt Nam
Duyên phận của Tim với Việt Nam dường như bền chặt hơn sau khi anh yêu và cưới một phụ nữ Việt Nam, rồi có một cậu con trai kháu khỉnh 6 tuổi, hiện học ngay ngôi trường mà anh đang quản lý. Người phụ nữ Việt Nam ấy là một trong những sinh viên cũ của anh ở Trường ĐH KHXH&NV.
Làm rể Việt Nam giúp Tim phát hiện những điều thú vị về văn hóa gia đình của người Việt. Tim kể những lúc vợ chồng anh bận công việc, anh có nhờ mẹ vợ ở Bảo Lộc lên chăm sóc con nhỏ giùm. Vừa gọi hôm nay thì sáng ngày mai mẹ vợ đã có mặt khiến anh vô cùng ngạc nhiên. Hay như lúc về quê vợ ở Bảo Lộc, Tim phát hiện vợ có hàng trăm bà con gần nhà và Tim hài hước nói rằng anh mất rất nhiều thời gian để có thể nhớ tên từng người.
“Có khoảng 100 người bà con bên vợ tôi sống quanh một đồn điền cà phê trên Bảo Lộc. Bà của vợ tôi có tám người con, mỗi người con này sinh 3-4 con và những người con của họ tiếp tục sinh con đẻ cái nên số người thân của vợ tôi ở Bảo Lộc lên đến 100 người” - Tim nói kèm tràng cười khanh khách.
Ngoài ra, người đàn ông Mỹ cũng ấn tượng về phong tục sum họp đại gia đình của người Việt, nhất là mỗi dịp tết đến xuân về. Tim cho biết vợ chồng anh về thăm cha mẹ và bà con ở Bảo Lộc ít nhất 3-4 lần mỗi năm, trong khi tại Mỹ anh ít khi làm điều tương tự. Tim còn vui vẻ tiết lộ mỗi năm vợ chồng anh đón tiếp nhiều bà con bên vợ đến nhà chơi. Anh hòa nhập với họ rất tốt vì anh có thể giao tiếp tiếng Việt thông thạo.
“Bà con bên vợ đến thăm vợ chồng chúng tôi thường xuyên. Vợ chồng tôi dành một phòng ngủ cho bà con đến thăm. Họ lưu lại nhà tôi 3-4 tuần mỗi dịp ghé thăm, giúp chúng tôi chăm sóc con nhỏ và nhà cửa” - Tim kể.
Dù đã cưới vợ hơn 10 năm nhưng Tim nói đến giờ anh vẫn cảm thấy khó hiểu nhất về việc “vợ luôn là người quản lý tài chính trong gia đình”. Theo Tim, ở các nước phương Tây thì tiền ai nấy giữ và mỗi người đều có được tự do quản lý nguồn tài chính của mình. Hai vợ chồng anh đã nhất trí tiền ai nấy giữ, nhưng thỉnh thoảng anh vẫn còn tranh luận với vợ chuyện này.
Không muốn trở về
Khi đến Việt Nam lần đầu, Tim tập chạy xe máy bằng chiếc Honda Cub 50 phân khối. Mỗi khi ra đường, anh đều kè kè tấm bản đồ chỉ đường. Nhiều lúc đi lạc, anh được các chú xe ôm tốt bụng chỉ dẫn rất nhiệt tình.
Tim bảo anh rất thích chạy xe máy ở khu trung tâm thành phố vì tìm thấy sự yên bình khi hòa mình vào dòng xe cộ đông đúc sau những giờ làm việc căng thẳng. Những lúc dừng đèn đỏ, anh còn nghe lỏm được câu chuyện của những người chạy xe máy xung quanh, nhìn thấy các cô gái trẻ tình tứ, thủ thỉ với người yêu trên xe.
Trong cuộc trò chuyện cùng người viết, Tim bất ngờ khoe bằng lái xe máy hiệu lực vô thời hạn do Sở GTVT TP.HCM cấp sau khi đậu kỳ thi sát hạch bằng... tiếng Việt.
Ngoài ra anh còn đạt bằng C tiếng Việt do ĐH Quốc gia TP.HCM cấp. Tim có thể đọc báo, xem tivi và giao tiếp bằng tiếng Việt thông thạo, nhưng anh cũng thừa nhận lâu lâu nói sai dấu vì thanh điệu tiếng Việt khó học quá và nếu nói chuyện sâu về một đề tài nào đó anh buộc phải sử dụng tiếng Anh.
Sống ở Việt Nam rất lâu và thấm nhuần văn hóa Việt, Tim tâm sự anh dự định sống hết đời ở Việt Nam bởi vì nếu về Mỹ anh sẽ cảm thấy lạc lõng.
“Khi tôi trở về nhà kể cho cha mẹ nghe những câu chuyện ở Việt Nam, thí dụ như chuyện xe máy ở TP.HCM, họ không hiểu. Không ai thật sự hiểu cuộc sống của tôi tại Việt Nam” - anh tâm sự.
Tim bảo sống ở Việt Nam anh cảm thấy rất an toàn, thoải mái và có thể đi du lịch khắp nơi với tiền lương từ nghề dạy học. Hơn nữa, ở đây anh vẫn có thể cảm nhận được những “hương vị đặc trưng” của nước Mỹ ngay trong lòng TP.HCM như các cửa hiệu thức ăn nhanh McDonald’s, KFC, Burger King hay những bộ phim Hollywood.
“Tôi không muốn quay trở về Mỹ và cũng không có ý nghĩ đi nơi khác. Không nào nơi tôi có thể sinh sống tốt và hạnh phúc như ở Việt Nam” - thầy Tim nở nụ cười mãn nguyện.
__________
Kỳ tới: Ngày 20-11 của thầy ngoại
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận