Phạm Tuân trong một chuyến đi trao quà cho trẻ em vùng cao - Ảnh: NVCC |
“Phạm Tuân rất năng động, có nhiều ý tưởng tốt, làm được nhiều việc cho các cháu ở vùng cao. Cậu ấy là gương mặt tiêu biểu của biên phòng Lai Châu” - thượng tá Lê Công Thành (phó chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu) giới thiệu ngắn gọn với vẻ đầy tự hào về thượng úy Phạm Tuân, 28 tuổi, đội trưởng đội vận động quần chúng đồn biên phòng Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu).
Cứu đôi mắt của Tẩn Tả Mẩy
Nhà ở thành phố Lai Châu nhưng Phạm Tuân công tác ở đồn biên phòng Dào San, một nơi còn nhiều khó khăn của huyện Phong Thổ, cách nhà 60km. Trong câu chuyện về các chuyến đi đến những vùng xa xôi nghèo khó nhất của tỉnh Lai Châu, với Phạm Tuân không phải là những cung đường đèo núi gian khó, nguy hiểm, mà là những đứa trẻ vùng cao.
Phạm Tuân nói: “Mình thương nhất là bé Tẩn Tả Mẩy, 9 tuổi, năm nay lên lớp 4. Nhà Mẩy ở lưng chừng quả đồi. Trong chuyến đi tặng quà của biên phòng cho bản Tả Phùng (xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ), mình thấy một cô bé rất thương. Mắt trái của bé bị lồi, con ngươi kiểu như sắp rơi ra! Nước mũi chảy liên tục. Nhìn cháu rất ốm yếu, dặt dẹo, nhút nhát, phải gọi mãi mới chịu ra nhận quà. Hỏi ra mới biết cô bé tên Mẩy, bị như vậy đã lâu rồi nhưng gia đình không có điều kiện đưa đi chữa trị.
Mẹ của Mẩy thần kinh không ổn định. Bố đi làm thuê ở Trung Quốc. Mình chụp hình bé gửi qua Facebook cho cô Nguyễn Thảo Hậu và chị Trần Huyền Trang đang công tác ở Viện Khoa học vì phát triển của phụ nữ và trẻ em - là người mình quen qua Facebook - nhờ giúp đỡ.
Đã tìm được người tài trợ rồi mà vận động mãi, bà con họ hàng của cháu không ai chịu đưa đi Hà Nội. Chú của Mẩy là bí thư đoàn xã. Chính trị viên của đồn Vàng Ma Chải phải qua ủy ban xã thuyết phục, can thiệp, xin cho chú của Mẩy nghỉ phép đi cùng bé Mẩy xuống Hà Nội chữa mắt. Ban chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh cho một chiếc ôtô để đón cháu. Các sếp mỗi người cho một ít tiền hỗ trợ cháu đi lại”.
Tẩn Tả Mẩy được miễn phí hoàn toàn viện phí
Sau đó, Mẩy được một chỉ huy của biên phòng tỉnh Lai Châu nhận đỡ đầu, lập sổ tiết kiệm. “Khi mình gặp con bé, mắt phải thị lực còn 3/10. Nếu không chữa kịp sẽ hỏng mắt phải. Cháu đã mổ hai lần. Đợi lớn đến 15 tuổi mới lắp mắt giả vì bé chưa thể tự chăm sóc rửa mắt được. Cháu bé tội nghiệp lắm. Bố mẹ thì không quan tâm. Nhà có ba chị em, Mẩy là con cả, các em Mẩy còn nhỏ không biết chăm chị. Cháu Mẩy bây giờ sáng sủa, sạch sẽ, khác hẳn dân bản. Hè đến mình lại lên trung tâm đón cháu về nhà. Cứ 1-2 tuần lại xuống trung tâm thăm. Chỗ mình cách nhà con bé 80km” - Phạm Tuân nói.
Trẻ con ở đây thiếu thốn nhiều lắm
Phạm Tuân bảo nhờ thời gian trước làm trợ lý thanh niên, anh hay được đi cùng các đoàn công tác đến những vùng xa xôi của Lai Châu. Các đồn, trạm của biên phòng Lai Châu, các trường học trên biên giới ở 23 xã của Lai Châu, Phạm Tuân đều đã đi hết.
Có những nơi Tuân không chỉ đến 1-2 lần mà rất nhiều lần. Chuyến đi cùng đoàn công tác vào xã Tá Pạ (huyện Mường Tè) lúc đó mùa mưa, quãng đường chỉ 200km nhưng đi từ 9h sáng đến 9h đêm mới tới đồn sau tám lần xe bị sa lầy.
Có thời gian thứ bảy, chủ nhật nào anh chàng cũng không ở nhà vì các đoàn ở Hà Nội lên, Tuân là người dẫn đoàn đi đến tận nơi, gặp tận người cần giúp.
Phạm Tuân cười bảo: “Bọn trẻ ở đây thiếu thốn nhiều lắm. Cái ăn thiếu, cái mặc cũng thiếu. Không có gì chơi. Toàn ra đường nghịch đất, đuổi nhau hoặc ngồi trên bánh gỗ trượt từ trên dốc xuống. Có bé không có trò gì chơi, ngồi trong hốc lủi thủi chơi một mình. Có bé ít tiếp xúc với người, thấy mình chui ngay vào bụi cây núp, nhìn rất thương”.
Phạm Tuân cũng là người tích cực tổ chức các chương trình xây phòng học, phòng ở cho các bé học sinh vùng cao. Anh đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị kết nghĩa làm được 17 phòng học lắp ghép. Đã có tám nhà lắp ghép trị giá 600 triệu đồng được hoàn thành do phật tử chùa Ngòi ở Hà Đông ủng hộ.
“Mình cứ mạnh dạn đưa ra ý tưởng, họ thấy phù hợp thì làm. Mình còn nhờ các nhà báo giúp đỡ bằng cách gửi hình ảnh để họ kêu gọi. Cách nữa là tận dụng mạng xã hội. Có những người gọi điện thoại cho mình để ủng hộ dù chưa từng quen” - Phạm Tuân nói.
Anh cũng là người đi xin máy lọc nước để đảm bảo nguồn nước sạch cho các cháu. “Bây giờ các cháu chủ yếu được ở bán trú. Cho bánh kẹo, quà thì cũng chỉ một lần. Phải có chỗ ăn ở đàng hoàng để các cháu học tốt hơn” - Tuân cho hay. Năm 2015, Phạm Tuân đã vận động các nhà hảo tâm xây một nhà bán trú trị giá 120 triệu đồng do cán bộ chiến sĩ biên phòng tự xây dựng.
Phạm Tuân cho biết: “Giá xây dựng ở đây rất đắt vì nguyên vật liệu phải đưa từ Lai Châu lên, cước vận chuyển lớn vì đường đồi núi dốc cao khó đi, nguy hiểm. Nếu không có cán bộ chiến sĩ biên phòng tham gia, số tiền đó không bao giờ làm được một ngôi nhà bán trú cho các cháu ở. Bộ đội bỏ công, chất lượng sản phẩm lại cao vì chăm chút làm, không phải thuê”.
Thấy Trường tiểu học Tung Qua Lìn (xã Tung Qua Lìn, huyện Phong Thổ) không có nhà ăn, Tuân lại chụp hình xin một mạnh thường quân giúp. Vị này hứa nhưng sau đó “xù” không chuyển tiền. Phạm Tuân xin anh em, bạn bè được hơn 20 triệu, còn gần 10 triệu đồng anh chàng lấy hai tháng lương hùn vô, làm được cái bếp lợp mái tôn cho các cháu có chỗ ăn uống sạch sẽ, không lo nắng mưa, có chỗ rửa tay chân.
“Mình đang tìm nhà hảo tâm giúp hai bé, một bé bị hỏng tay vì ngón tay dính liền, một bé bị hỏng mắt, đã có người cho 4 triệu đồng, nếu chữa trị phải có thêm tiền. Mấy ngày nay mình bận quá, chưa có thời gian đưa cháu bé xuống Hà Nội khám được” - Phạm Tuân chia sẻ.
Thay đổi tương lai Phạm Tuân nói hồi trước Tuân xem một phóng sự trên truyền hình, nghe một chỉ huy biên phòng nói về việc giúp dân, thấy hay hay. “Mình xem xong thấy yêu người lính biên phòng hơn. Sau này ra trường về Lai Châu công tác, mình muốn làm cho hình ảnh của bộ đội biên phòng gần với người dân hơn bằng việc giúp các cháu. Thay đổi các cháu là thay đổi tương lai của Lai Châu. Các cháu được học sẽ xây dựng Lai Châu tốt hơn, thay đổi mảnh đất biên giới này” - Phạm Tuân nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận