Người Tà Ôi ở xã Nhâm, A Lưới cùng thu hoạch củ mì giúp hàng xóm - Ảnh: THÁI LỘC
Qua , ta thấy được rất thật thà, trượng nghĩa. Người Tà Ôi đã hứa là phải làm, đã xin là phải cho dù mình rất nghèo khó
TS NGUYỄN THỊ SỬU
Trên rẫy mì nằm ở lưng chừng một quả đồi tại xã Nhâm, chúng tôi gặp một nhóm khoảng 20 người Tà Ôi già có, trẻ có đang chặt gốc, bới củ, làm sạch củ bỏ vào bao.
Giúp tới tận cùng
Những thanh niên khỏe mạnh thay phiên vác từng bao tải mì băng con đường mòn ra ngoài lộ dùng xe máy chở ra trung tâm xã để bán... Điều ngạc nhiên là trong nhóm người thu hoạch ấy, không ai là chủ nhân của rẫy mì nói trên.
Chủ nhân của rẫy là vợ chồng ông Kareng Trong ở cùng thôn, đang bị bệnh và điều trị ở Bệnh viện Trung ương Huế.
Một người phụ nữ cho biết vợ chồng ông Trong bị trọng bệnh từ ba năm nay: người chồng bị bệnh ung thư, còn vợ đi theo chăm nuôi một thời gian cũng đổ bệnh theo nên gia đình khánh kiệt, nợ nần chồng chất.
Thế là người trong thôn bàn nhau lại góp tiền, nhưng tất cả đều nghèo nên tiền góp có hạn. Họ cùng phân công chăm nom nhà cửa và nuôi hai đứa con người bệnh, một lên 6 và một lên 8 tuổi ăn học.
Rẫy mì của người bệnh mọi người cùng trồng, đến mùa thì họp nhau lại cùng thu hoạch, đem bán rồi gửi tiền về cho người chủ để trị bệnh...
Cứ thế mấy năm nay, gia đình ông Trong sống chủ yếu nhờ vào tình làng nghĩa xóm của cả buôn làng. "Ai trong hoàn cảnh này cũng vậy thôi. Gặp hoạn nạn mọi người chung tay giúp đỡ. Đó là truyền thống bấy lâu nay của người Tà Ôi mình mà" - bà A Đon nói.
Những ngày lang thang trong cộng đồng Tà Ôi, chúng tôi chứng kiến và được nghe nhiều câu chuyện giúp người rất hào hiệp. Có những gia đình rất nghèo, ăn còn chưa đủ no nhưng thấy cảnh ngộ người khác nghèo hơn mình thì cũng giúp đỡ đến tận cùng mà không ngần ngại.
Kareng Thị Mìu, một cô gái trẻ, nói: "Mai mốt mình bị như vậy sẽ có người giúp đỡ lại. Giúp nhau là chuyện phải làm thôi".
Ka lơ
Sự hào hiệp, giúp nhau của người Tà Ôi có căn nguyên sâu xa từ phong tục ka lơ tồn tại từ lâu đời. Ka lơ - theo tiếng Tà Ôi có nghĩa là bạn bè, là bằng hữu, là kết nghĩa. Mỗi khi kết nghĩa bằng hữu thì họ rộng lòng cho mà không tiếc nhau điều gì.
Biết chúng tôi quan tâm đến ka lơ, đám thanh niên tranh nhau diễn giải, rằng khi người nào đó muốn ka lơ với mình thì họ sẽ dẫn mình về nhà nấu cơm, làm gà cho mình ăn, bày rượu cho mình uống và bố trí chỗ cho mình ngủ lại qua đêm.
Nếu trong cái gùi mình đem theo có hạt mã não, tấm thổ cẩm zèng hay vật gì có giá trị thì mình cho lại người ta, như vậy là đã ka lơ với nhau rồi, không cần phải nói nhiều bằng lời.
Ông Piriu Văn Đoan, một cụ ông người Tà Ôi hơn 60 tuổi ở thị trấn A Lưới, kể rằng mỗi lần đi làm, đi đổi hàng xa mấy ngày đường thì không cần phải đem theo gạo, muối, thức ăn; có khi đi cách xa bản cả tuần đường cũng không cần phải đem theo thứ gì vì đã có ka lơ nuôi mình.
"Vì đi đến đâu mình cũng có ka lơ, mà đã ka lơ với nhau rồi thì mình cần cái gì là được giúp ngay thôi. Thậm chí trong nhà bạn có thứ gì giá trị như thanh la, ché, cả tivi nữa, nếu mình ngỏ ý xin thì chắc chắn bạn cho.
Nếu biết điều mình sẽ ka lơ lại thứ gì đó có giá trị cho bạn như tấm zèng, hạt mã não, thỏi bạc" - ông Đoan nói.
Cũng theo ông Đoan, có trường hợp xin của nhưng không cần phải đổi lại thứ gì cả, cả hai cùng ngầm hiểu lần này chưa có, khi nào bạn có sẽ ka lơ lại cho mình...
Chum chóe, bình cổ được người Tà Ôi cất giấu cả ở trong bếp - Ảnh: T.LỘC
Căn nguyên giấu của
Vào sâu trong một bản thuộc xã Hồng Thượng, chúng tôi gặp gia đình cụ Ker L., một gia đình người Tà Ôi trong căn nhà làm bằng các tấm ván "cốppha" khá tạm bợ, tuềnh toàng.
Vào bên trong, chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên bởi rất nhiều rương, tủ kệ chất đầy. Nằm sâu trong góc bếp đầy bụi tro là một cái thống bằng sứ lớn, vẽ cặp rồng rất đẹp, quý giá. Cạnh đó có một cái tráp sơn son thếp vàng có vẽ rồng cuộn mây tuyệt đẹp.
Chưa hết, chúng tôi phát hiện nằm ẩn sau bức màn cũ trong buồng ngủ của bà L., trên tường gỗ treo hàng loạt chiêng, thanh la, trong khi bên dưới là rất nhiều nồi đồng, mâm đồng...
"Nhà cụ L. nhiều đồ lắm. Nghe nói là tích trữ từ thời xưa" - một cậu bé sống gần nhà cụ L. "mách lẻo". Tôi thắc mắc hỏi cụ L. tại sao không chưng ra cho đẹp như những nhà giàu dưới phố, cụ chỉ cười và im lặng.
Cậu bé hàng xóm tiếp tục nhanh nhẩu: "Phải giấu đi chứ. Chưng ra thì bạn bè tới thấy rồi xin thì làm sao?".
Giải thích về việc này, TS Nguyễn Thị Sửu cho hay hiện tượng giấu của của người Tà Ôi bắt nguồn từ tập tục ka lơ.
Theo bà Sửu, khi đã ka lơ với nhau thì xin là phải cho, bất kể thứ gì có giá trị, thậm chí ngày xưa có trường hợp người ta xin... vợ thì mình cũng phải cho.
Theo bà Sửu, trong ka lơ người Tà Ôi không bao giờ xin những thứ mà họ không nhìn thấy trong nhà của bạn mình. Chính vì vậy để tránh bạn xin những đồ giá trị, người Tà Ôi thường giấu chúng đi.
"Vì ka lơ đặt nặng mối quan hệ tình nghĩa, tức xin là phải cho mọi thứ nên tất nhiên người ta phải giấu của. Vậy nên dù ở đâu, thời nào thì người Tà Ôi đều ít nhiều phải giấu của" - bà Sửu nói.
Người Tà Ôi làm việc giúp người làng giống như làm việc cho chính mình - Ảnh: THÁI LỘC
Tập tục đẹp
Đi sâu vào tập tục ka lơ ở đồng bào Tà Ôi, các nhà nghiên cứu nhận ra đó là sự thể hiện mối quan hệ gắn kết cộng đồng một cách đặc biệt của người đồng bào dân tộc thiểu số này.
Nhờ vào những mối quan hệ này, các gia đình, cộng đồng đã cố kết nhau, tăng thêm sức mạnh chiến đấu trước kẻ thù hoặc trước thiên nhiên.
Riêng về góc độ văn hóa, ka lơ là một tập tục đẹp của người Tà Ôi.
_______________________________
Kỳ tới: Những nhà buôn năng động
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận