10/05/2012 09:49 GMT+7

Chuyện của Nga

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - “Suốt những năm tháng ấu thơ và đến tận bây giờ, tôi luôn tự nhắc phải nhớ mình là con của bệnh nhân phong.

RKM65IHn.jpgPhóng to

Tôi muốn hỏi người điên hay tỉnh, sao cất tiếng rao hoài bán một vầng trăng - những câu hát da diết của bà Trần Thị Kim Hồng (khoa thần kinh, làng phong Bến Sắn) làm lay động lòng người tới thăm - Ảnh: T.Lụa

Tôi không thể quên những gì đã xảy ra, nhớ để nhắc mình phải luôn đi về phía trước...” - ngồi trong phòng trực y tế của làng Thiên Trợ (xã Phước Tân, H.Long Thành, Đồng Nai), chị Hồ Ngọc Nga, 37 tuổi, y tá, tâm sự.

Tuổi thơ không bình yên

Bà nội, bà ngoại, và bố mẹ tôi đều mắc bệnh phong. Sau nhiều năm bôn ba, bố mẹ tôi mới vào làng phong Bến Sắn chữa bệnh, rồi lại về làng Thiên Trợ. Xưa Thiên Trợ được gọi là làng phục hồi, gồm những cặp vợ chồng bệnh nhân phong sau khi chữa bệnh ở Bến Sắn mới ra đây lập làng làm ăn. Cả nhà tôi tá túc và mưu sinh trên một sào đất được Nhà nước cấp. Bốn chị em tôi ra đời trong sự đói nghèo lay lắt. Tôi không biết thế nào là bệnh phong, cho tới khi được đi học.

Chúng tôi học chung trường với con của người khỏe mạnh tại Trường tiểu học Phước Tân. Ngay từ những ngày đầu tiên tới trường, tôi đã biết phận mình: con của người cùi khi các bạn hùa nhau: “Ê tụi bay ơi, ra coi bọn cùi đi học”. Tới trường, tôi không được ngồi chung ghế với các bạn là con của những người khỏe mạnh (dù chúng tôi không hề có bệnh). Cô giáo xếp tôi ngồi bàn cuối cùng, trong góc khuất của lớp, cùng với các trẻ khác của làng phong. Giờ ra chơi, các bạn cùng lớp bôi rất nhiều thứ bẩn thỉu lên bàn học của chúng tôi. Tiết học mới, thay vì được ngồi học như các bạn thì chúng tôi hì hục đi rửa bàn, hoặc kê tập lên đùi mà học.

Những giờ tan trường mới thật sự khủng khiếp với trẻ em làng phong. Cứ vừa tan học là chúng tôi đã chuẩn bị kẹp dép vào nách để... chạy. Nếu không chạy sẽ bị các bạn đánh, hoặc dùng súng cao su mà bắn. Ngày nào đi học tôi cũng làm đổ mất lọ mực vì ra khỏi cổng trường là cắm cổ chạy. Vậy mà các bạn vẫn không tha, đuổi theo cho tới khi tôi lọt qua hàng rào ngăn làng phong và làng của người bình thường mới thôi.

Đó thật sự là những ngày tháng kinh khủng. Tôi không biết mình đã vượt qua như thế nào suốt cả những năm tiểu học và trung học. Chỉ nhớ tất cả trẻ em trong làng phong không ai phản kháng. Ở làng phong, chúng tôi được các xơ bảo ban một cuộc sống hiền hòa. Và dường như ai cũng ý thức được thân phận của mình: trẻ làng phong.

Bố tôi làm công chức ở Sài Gòn. Vì sợ bị kỳ thị, sợ mất việc, mất miếng cơm manh áo của vợ con nên ông giấu chuyện mình mắc bệnh phong. Bệnh ủ mỗi ngày thêm nặng, bố tôi phát bệnh rồi qua đời. Gia đình tôi chao đảo, mẹ và các em tôi suy sụp. Nhớ khi tôi đòi nghỉ học, các xơ đã giận mà quát: “Con tưởng con lớn, con giỏi lắm hay sao mà nghỉ học? Chỉ có con đường học hành, ổn định nghề nghiệp mới giúp con thoát khỏi những bế tắc này”. Học xong THPT, các xơ xin cho tôi học y tá ở trung tâm đào tạo cán bộ y tế ở Sài Gòn. Các xơ xin trợ cấp từ các đoàn từ thiện cho tôi nộp học phí. Chúng tôi nhận việc xỏ hạt cườm, đính áo cưới mang về nhà làm kiếm thêm tiền ăn. Tối nào tôi cũng tự quy định phải làm tới 10g mới được học bài.

Ký ức về những ngày tiểu học đã làm tôi và nhiều trẻ làng phong khác mặc định ý nghĩ: Không được chơi và kết thân với bất cứ ai. Hồi ấy, thanh niên nam nữ trong làng cũng lấy nhau, hoặc đi làng phong khác lấy. Sự kỳ thị hồi ấy ghê gớm lắm. Những ngày học ở Sài Gòn, nhóm chúng tôi có bốn người là trẻ làng phong ở với nhau. Bốn đứa đi về lầm lũi như những chiếc bóng, về xóm trọ cũng không dám đùa giỡn vì sợ lộ. Nếu lộ ra mình là trẻ làng phong thì các em lớp sau sẽ không được trọ học ở đó nữa. Ai hỏi quê ở đâu, tôi chỉ dám nói mình ở Long Thành.

Nỗi buồn của em gái

Ra trường, về làm y tá tại làng phong Bến Sắn rồi được luân chuyển về làng Thiên Trợ, tôi may mắn lấy được người chồng hiểu và rất mực yêu thương mình. Anh cũng là con của bệnh nhân trong làng. Chúng tôi đến với nhau từ tình yêu và sự thấu cảm hoàn cảnh của nhau. Em gái tôi thì không được như thế.

Em tôi làm hành chính tại khu điều trị phong Bến Sắn. Nó gặp và yêu anh bác sĩ làm cùng. Gia đình anh đều là những người khỏe mạnh. Hai người yêu nhau tới tám năm trời nhưng khi đưa em gái tôi về nhà ra mắt thì gia đình anh nhất định ngăn cấm vì em gái tôi là... “con của bệnh nhân cùi”. Ngày em tôi về ra mắt, cả gia đình anh kia xúm lại vạch tay chân nó ra xem có dấu vết gì của bệnh tật hay không. Họ theo dõi cả hai mọi lúc mọi nơi, dùng những lời thóa mạ để em gái tôi rời xa con họ.

Rồi gia đình họ tìm về tận nhà tôi ở Long Thành, gặp mẹ tôi với thái độ trịch thượng. Họ dùng những lời khó nghe để bảo gia đình tôi hãy buông tha cho họ. Rằng gia đình họ không thể chấp nhận người con dâu lớn lên từ làng cùi. Tự ái, tổn thương và tức giận, mẹ tôi cương quyết bắt em gái tôi chia tay người yêu. Không vượt qua được sức ép từ gia đình, hai người chia tay nhau. Vài năm sau, người bác sĩ kia lập gia đình. Em gái tôi, giờ hơn 30 tuổi vẫn ở vậy. Nó lao vào học thêm như điên, học hết chương trình tin học rồi liên thông đại học... Gia đình thúc giục chuyện lấy chồng, nó cứ ậm ừ cho qua chuyện. Nhưng tôi biết vết thương trong lòng em gái tôi chưa lành, và không biết bao giờ vết thương ấy mới nguôi ngoai để em gái tôi có thể tự tin tìm hạnh phúc mới!

Cuộc đời vẫn nở hoa

Cuộc sống của tôi thuộc về làng phong này. Nơi đây tôi đã gặp quá nhiều câu chuyện thương tâm của bệnh nhân phong. Họ đa số đều rất nghèo, rất khổ. Có những người vừa mắc bệnh phong, bị gia đình ruồng bỏ, xã hội xa lánh thì mắc luôn chứng bệnh tâm thần. Những lúc tỉnh táo nhất, họ kể cho tôi nghe về gia đình, quê hương, họ kể mình đã bị bỏ rơi như thế nào, họ ngóng đợi người thân. Có rất nhiều người như thế ở khoa tâm thần, khu điều trị phong Bến Sắn. Đôi khi tôi nghĩ cuộc đời thật bất công, mình cũng là con người như bao người, chỉ vì người ta có một chút may mắn hơn mình là không bị bệnh, vậy mà họ có quyền làm tổn thương người khác.

Nhưng tôi luôn thấy mình quá may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra là con của người bệnh phong. Vì lớn lên ở đây, tôi nhận được vô vàn tình yêu thương, sự giúp đỡ của các xơ, các y tá ở làng phong. Họ dạy chúng tôi biết vượt lên chính mình, họ xoa dịu nỗi đau của hàng trăm con người khốn khổ vì bệnh phong. Các xơ giúp tôi xin học bổng, động viên tôi tiếp tục con đường học hành. Nếu không có những tình thương như thế, tôi không biết mình sẽ thế nào! Nếu như được sinh ra trong một gia đình bình thường khác, có lẽ tôi không có được nghị lực như bây giờ.

Mỗi ngày được sống, được phục vụ bệnh nhân phong, tôi thấy cuộc đời này thật đáng sống. Trẻ làng phong bây giờ không bị kỳ thị như chúng tôi ngày xưa. Người làng phong rất hiền. Họ thương nhau, nhường nhau vài gói mì tôm, vài chai nước tương của các đoàn từ thiện tặng. Họ đang cố vươn lên khắc phục những di chứng bệnh tật để sống. Tôi tin nỗi đau mà những người bệnh phong khi xưa phải chịu đã qua rồi...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5:

_____________

Kỳ cuối: Nơi “đất chết” hồi sinh

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp