10/11/2017 14:30 GMT+7

Chuyện của 'hot boy học dở'

TTO - Tôi chưa bao giờ nghĩ là mình sẽ học trường nghề. Đơn giản, vì tôi là hot boy, đẹp trai nhất trường, có nhiều tài lẻ, các em gái theo dài dài.

Chuyện của hot boy học dở - Ảnh 1.

Nhưng cuối cùng tôi lại phải vào trường nghề, vì cuối năm học lớp 10 tôi thi lại đến ba môn: hóa, tiếng Anh, vật lý!

Và kết quả là tôi không vượt qua được môn nào cả, do học dở tệ!

Vào trường nghề tỉnh

Lúc ấy, tôi buồn lắm. Buồn không chỉ vì năng lực học hành của bản thân tôi, mà còn vì danh dự của cha mẹ tôi, gia đình tôi. Ở cái làng quê yên ắng này, tôi luôn là niềm tự hào của gia đình. 

Trước mắt mọi người, thầy cô, bạn bè và đặc biệt là các bạn nữ sinh đồng trang lứa, tôi là một hot boy theo tiêu chuẩn "ngoại hình ưa nhìn, con nhà khá giả"; không những thế tôi còn hát hay, viết chữ đẹp và có tài làm ảo thuật.

Ấy vậy mà bên cạnh toàn những mặt long lanh như trên, tôi lại học hành không ra gì. Bởi vậy, tôi còn bị không ít bạn bè gọi là "hot boy học dở". Dở đến nỗi, dường như với bao nhiêu kiến thức đã học qua, dù là đơn giản đến mấy tôi vẫn không thể hiểu và ghi nhớ được. 

Tôi từng nghĩ về chuyện chỉ cần đẹp là đủ, còn học hành cũng không quan trọng mấy, nên từng ước mơ trở thành một diễn viên điện ảnh. Thế nên, ngay vào lúc tôi bế tắc nhất trên con đường học vấn, đã có một công ty điện ảnh trên mạng mời tôi nhập học. 

Tuy nhiên với mức học phí cao ngất ngưởng kia, dù gia đình tôi khấm khá đến mấy cũng khó mà theo đến cùng. Nên tôi đành từ giã ước mơ lộng lẫy nọ.

Cha mẹ chọn cho tôi một con đường vào đời chẳng có chút lấp lánh nào - vào trường nghề tỉnh. Đó là con đường duy nhất tôi phải đi lúc ấy, vì danh dự của cha mẹ, của gia đình, để dòng tộc tôi không phải mang tiếng có một đứa con cháu đầu óc kém cỏi như vậy. 

Con đường này tôi chẳng muốn đi tí nào, vì nghe nhiều người nói nó gồ ghề, trắc trở lắm... Nhưng biết làm sao đây. Bế tắc rồi. Và thế là tôi đành đưa chân vào học nghề.

Mỗi người có thế mạnh riêng

Vào trường nghề, những ngày đầu tôi chán nản, ngán ngẩm đủ thứ. Tôi học nghề điện lạnh, nôm na là học về máy lạnh... Hết một thời gian ủ dột, rồi tôi cũng quen dần với môi trường mới. Ở đây, tôi gặp rất nhiều người bạn như mình. 

Sau những buổi học trên lớp, chúng tôi còn được tham gia các hoạt động tập thể, những hoạt động mà tôi rất đam mê và hứng thú. Tôi thấy yêu trường, yêu lớp hơn. Thấy có hứng thú đi học mỗi ngày. 

Thấy có ham thích tìm hiểu, khám phá những điều mới lạ trong bài học, thực hành... Tôi chợt nghĩ, có lẽ tôi đã đi đúng hướng. Giống như một cô giáo ở quê đã từng nói với tôi: "Em cứ đi học nghề và đừng lo nghĩ gì. Mỗi người có một thế mạnh riêng em ạ".

Nghĩ đến câu nói của cô, nghĩ đến những ngày tôi học ở trường nghề, tôi chợt hiểu không phải những người không có năng lực học hành như tôi đều là đồ bỏ đi. Mỗi người, dù dở tệ như tôi, cũng có thế mạnh riêng. 

Vì vậy, nên tùy theo sức của mình mà chọn hướng đi đúng đắn. Đừng đua đòi bắt chước người khác, đừng ảo tưởng về bản thân mình. Hãy cho mình cơ hội để làm mới bản thân, để chứng tỏ rằng "tôi là người có ích!".

Thế đấy các bạn, cuối cùng tôi đã có lựa chọn đúng cho tương lai của mình. Rồi các bạn sẽ như tôi, sẽ yêu nghề và phấn đấu hết mình cho điều mình yêu thích. Tương lai trước mắt tôi rất dài, tôi biết mình còn phải trải qua nhiều thử thách khác trên con đường học nghề. Nhưng tôi luôn tin mình thành công, sẽ xóa được biệt danh "hot boy học dở" và làm cho cha mẹ, gia đình, làng xóm tự hào về mình.

Bài viết hay nhất tuần: Tôi làm "công chúa điện tử"

Ban tổ chức cuộc thi "Tôi chọn nghề" đã quyết định trao giải thưởng "Bài viết hay nhất tuần" cho tâm sự thú vị "Tôi làm "công chúa điện tử"" (Tuổi Trẻ ngày 3-11-2017) của tác giả Yến Nguyệt (Hà Nội). Giải thưởng là 2 triệu đồng, do Trường CĐ Quốc tế TP.HCM tài trợ.

Cuộc thi viết "Tôi chọn nghề" tiếp tục nhận bài dự thi đến ngày 21-1-2018. Giải nhất: 30 triệu đồng, giải nhì: 20 triệu đồng và giải ba: 10 triệu đồng. Ban tổ chức cũng trao thêm 5 giải khuyến khích (5 triệu đồng/giải) và "Bài viết hay nhất tuần" (2 triệu đồng), "Bài viết hay nhất tháng" (5 triệu đồng).

Bài dự thi gửi về email [email protected], hoặc Ban giáo dục - khoa học báo Tuổi Trẻ (số 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), ghi rõ Dự thi "Tôi chọn nghề". Các tác giả vui lòng để lại số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết.

Cuộc thi do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của Trường CĐ Cơ điện Hà Nội, CĐ Kỹ nghệ II, CĐ An ninh mạng Ispace, CĐ Quốc tế TP.HCM và Công ty TNHH Toàn Á.

Tuần qua, cuộc thi tiếp tục nhận được bài dự thi của các tác giả: Nguyễn Văn Thịnh, Trịnh Trung Hiếu, Đặng Ngọc Hướng (Trung cấp Việt Giao); Thu Hiền (Đà Nẵng); Nguyễn Hoàng Chương (Lâm Đồng); Lê Công Sĩ (Trà Vinh); Lưu Đình Long (TP.HCM); Dương Thị Minh Thi (Phú Yên); Nguyễn Thị Loan (Hà Nội); Tấn Đạt (Tây Ninh); Văn Lý - Anh Quang, Trần Hoàng (Huế); Lương Ngọc Anh, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Văn Vũ, Trần Thảo, Lê Xuân Chiến...

Chuyện của hot boy học dở - Ảnh 4.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp