Nguyễn Thị Minh Thư Ảnh: M.Tâm |
Bài viết phải có “cái tôi” ở trong!
Ngoại hình khá xinh xắn, hoạt bát, năng động. Đó là những gì bạn học ấn tượng về Nguyễn Thị Minh Thư - cô thủ khoa môn văn với 9,75 điểm, là học sinh Trường THPT chuyên Lý Tự Trọng, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Cha mẹ làm thợ may, Thư là con một, từ nhỏ đã rất thích học môn văn, từ năm học lớp 2 Thư đã có nhiều bài đăng trên báo Nhi Đồng...
Bài viết phải có “cái tôi” của mình trong đó, cộng thêm đam mê thì kết quả sẽ khả quan |
Nguyễn Thị Minh Thư |
Thư bộc bạch: “Em học văn theo từng chuyên đề. Mỗi chuyên đề em tham khảo nhiều loại sách chứ không chỉ bó hẹp trong phạm vi sách giáo khoa. Ngoài bài giảng đã học trong lớp, em còn học trực tuyến trên mạng. Ví dụ như chương trình văn lớp 12 có chuyên đề về hình tượng vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam. Em sẽ sưu tầm những bài viết về đề tài này rồi so sánh với nhau để chắt lọc ra những gì hay nhất. Từ đó em mới bung rộng kiến thức ra ngoài xã hội, để trên nền đó em có bài viết với những nhận định của riêng mình”.
Ngoài ra Thư còn xây dựng những luận điểm phản biện và tập kỹ năng thuyết trình để có thể nói lưu loát và viết liền mạch những cảm xúc của mình. Với cách học đào sâu đó nên năm lớp 12 Thư đoạt giải khuyến khích học sinh giỏi toàn quốc về môn văn... Thi môn văn ở kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Thư thoải mái trình bày những suy nghĩ, tư duy của mình và đạt được 9,75 điểm - một trong những thí sinh có điểm văn cao nhất toàn quốc.
Về dự định sắp tới, Thư bộc bạch: “Tổ hợp môn của em là văn 9,75 điểm, tiếng Anh 8,25 điểm, toán 7 điểm, tổng điểm em đạt là 25. Em sẽ đăng ký vào Trường ĐH Cần Thơ với thứ tự là marketing, kinh doanh quốc tế, tài chính ngân hàng”. Thật ra ước mơ trở thành một chuyên gia kinh tế giỏi đã được Thư lên kế hoạch từ đầu cấp III.
Ngay từ năm lớp 10, Thư đã chăm chút môn tiếng Anh và lấy được bằng C. Tập thuyết trình trước lớp, tham gia biểu diễn văn nghệ... “Nhờ những hoạt động đó đã rèn cho em tính tự tin, không bị khớp giữa đám đông. Riêng với môn văn, sau này em sẽ dùng thế mạnh này của mình để trở thành chuyên gia kinh tế giỏi, biết viết quảng cáo, thuyết trình và thuyết phục mọi người”- đôi mắt cô thủ khoa văn rực sáng, kiên định.
Phan Yến Nhi và cha - Ảnh: M.Tâm |
Tập tư duy từ việc xem tin thời sự
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, một học sinh vùng sâu tên Phan Yến Nhi ở Trường THPT Thới Lai, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đã đạt được điểm 10 tròn trịa môn địa lý. Nhà cô thủ khoa môn địa lý này nằm trên con đường quê sâu hun hút.
Căn nhà nhỏ xíu, mái lá thấp lè tè. Cha mẹ Nhi làm nghề nông. Hai công ruộng không đủ nuôi 4 miệng ăn và lo cho chị hai của Nhi đang học ngôn ngữ Anh tại Trường ĐH Cần Thơ, nên người cha phải đi cưa cây thuê...
Càng học em càng thấy môn địa lý có bao điều hay, có thể ứng dụng vào thực tế |
Phan Yến Nhi |
Việc say mê học môn địa lý của Nhi bắt nguồn từ hồi còn nhỏ xíu cô bé đã thường cùng cha ngồi xem tivi về dự báo thời tiết để ứng dụng vào chuyện đồng áng. Nhi thổ lộ: “Chẳng hạn như nhờ coi tivi cha biết mùa nào, tháng nào dịch bệnh dễ xảy ra để có cách phòng tránh kịp thời. Rồi khi nào thời tiết nắng mưa thất thường để cha “co giãn” lịch xuống giống như sạ sớm hay trễ. Nhờ đó cha chủ động trong mùa vụ, biết cách hạn chế thấp nhất những thiệt hại, rủi ro trong sản xuất”.
Đó là thời điểm Nhi học lớp 6. Sách giáo khoa không đủ thỏa mãn cô bé ham học nên Nhi lên thư viện đọc thêm. Càng học Nhi càng thấy địa lý đã giải mã được biết bao điều mới mẻ từ hiện tượng thiên nhiên kỳ thú như “đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối”, nguyệt thực, nhật thực... cho đến những phong tục, tập quán khác lạ ở nhiều nơi trong nước và trên thế giới...
Vậy là Nhi quyết định đeo đuổi môn địa lý. Năm cấp II, cấp III cô học trò vùng quê này có mặt trong đội học sinh giỏi của trường và rinh về giải khuyến khích môn địa trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố và toàn quốc...
Ở quê, phương tiện học tập thiếu thốn, không có điều kiện tra cứu thông tin trên mạng như các bạn ở thành thị, nên Nhi hay cùng cha xem thời sự rồi cùng bàn luận để mở rộng vấn đề bằng cách liên hệ thực tế, chẳng hạn như tình hình Biển Đông, hay việc biến đổi khí hậu toàn cầu tác động, ảnh hưởng đến con người như thế nào...
Có lẽ nhờ quen nếp tư duy khi xem thời sự cùng cha nên trong đề thi môn địa vừa qua, ở câu IV, phần 2: “Giải thích vì sao việc khai thác tài nguyên biển - đảo có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế và bảo vệ đất nước”, Nhi trình bày quan điểm của mình rất nhanh, chặt chẽ.
Ngoài đam mê, Nhi còn có bí quyết học môn địa rất “chuyên nghiệp”, đó là ở trường Nhi luôn chăm chú nghe thầy cô giảng, nắm ý chính của bài. Về nhà Nhi mở Atlat ra xem. Những hình ảnh sông ngòi, địa hình, khoáng sản, thủy điện... trong Atlat sẽ giúp Nhi lưu bài học sâu hơn.
Địa lý 10 điểm, sử 6,5 điểm, văn 7,25 điểm. Với tổng số điểm 23,75 Nhi sẽ đăng ký xét tuyển vào ngành sư phạm địa lý Trường ĐH Cần Thơ. Nhi thổ lộ: “Em muốn theo đến cùng môn địa. Vả lại cha đã rất vất vả vì chúng em nên em chọn học sư phạm để khỏi đóng học phí. Và em cũng muốn truyền đam mê học môn địa đến các thế hệ học sinh sau này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận