25/05/2017 10:11 GMT+7

Chuyện của chàng sĩ quan trẻ mồ côi

MY LĂNG - HOÀNG NAM
MY LĂNG - HOÀNG NAM

TTO - Mồ côi cả cha lẫn mẹ, lớn lên trong nghèo khó, điều đó vẫn không thể làm chàng trai trẻ miền Tây  Phạm Văn Ngân từ bỏ ước mơ vươn lên, thành một sĩ quan trẻ đầy triển vọng của Trường Sĩ quan lục quân 2.

*** Error ***
Sĩ quan trẻ Phạm Văn Ngân - Ảnh: H.NAM

Trung úy Phạm Văn Ngân vừa tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 2 (Đại học Nguyễn Huệ). Anh chàng học viên người Đồng Tháp ấy ra trường với tấm bằng loại khá suýt soát loại giỏi (7,91), chuyên ngành trinh sát bộ binh khóa 63.

Cậu Út và anh Sáu

Ở một ngôi trường nổi tiếng về rèn quân, đào tạo cán bộ, chiến sĩ cho quân đội như Lục quân 2, chuyên ngành trinh sát bộ binh là một trong những chuyên ngành được đào tạo rất khắt khe. Mảnh khảnh, gầy gầy, chiều cao không nổi trội vậy nhưng Ngân đã vượt qua tất cả thử thách trong huấn luyện với những điểm số ấn tượng để trở thành một trong các học viên nổi bật của Trường Sĩ quan lục quân 2.

Năm 2014, Ngân được tuyên dương trong Đại hội thi đua quyết thắng của trường, được tham dự Đại hội thi đua quyết thắng toàn quân và tham gia lễ báo công tại Phủ Chủ tịch.

Nhà có bảy anh chị em. Ngân là con út. Khi Ngân lên 9 tuổi, cha mất vì bạo bệnh. Bốn năm sau khi cậu nhóc 13 tuổi, mẹ cũng rời bỏ anh chị em Ngân sau thời gian chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo. Nhà đã nghèo lại càng khổ hơn khi cha mẹ lần lượt mất chỉ trong mấy năm.

Bảy anh chị em côi cút chăm nhau. Những người anh, chị lớn đều đi làm thuê làm mướn để trang trải cái ăn hằng ngày cho bảy anh chị em và nuôi thằng út ăn học. Họ hàng người thì ở xa, người vì hoàn cảnh khó khăn cũng không thể hỗ trợ được nhiều cho đàn cháu mồ côi.

Những biến cố lớn trong gia đình buộc các anh chị Ngân phải lần lượt nghỉ học để mưu sinh. Thương hoàn cảnh mấy đứa nhỏ mồ côi cha mẹ, những người hàng xóm ở gần thỉnh thoảng có mớ rau mớ cá cũng ghé qua cho.

Được sự đùm bọc, thương yêu của hàng xóm, sự hi sinh của các anh chị, Ngân dặn lòng phải quyết tâm phải học thật giỏi. Trong gian nhà nhỏ đơn sơ, bốn bức tường đều được trang trí bằng những giấy khen, bằng khen học sinh giỏi của Ngân. Chăm ngoan, học giỏi, Ngân là niềm tự hào của các anh chị.

Lên cấp II, sau mỗi buổi học Ngân thường phụ anh chị làm thêm để kiếm tiền đóng học phí, mua sắm quần áo, sách vở. Đến khi lên lớp 10, nhà cách trường gần 10km nhưng mỗi ngày Ngân vẫn bền bỉ, kiên trì đạp xe bốn lượt cả đi lẫn về để hoàn thành chương trình học ngày hai buổi tại trường. Đến năm cuối cấp vì thời gian học nhiều, Ngân phải thuê nhà trọ gần trường để kịp thời gian vào lớp.

Ngân kể: “Tiền trọ hằng tháng 50.000 đồng và tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi tháng khoảng 200.000 đồng đều là tiền anh Sáu (anh thứ sáu Phạm Văn Sang, sinh năm 1984 - PV) gửi. Đó là tiền anh Sáu đi làm thuê làm mướn gom góp. Anh nói cực cỡ nào cũng ráng làm để lo cho mình vô được đại học như di nguyện của mẹ”.

Lần lượt từng anh chị lập gia đình. Căn nhà cứ trống vắng dần. Cho đến khi nhà chỉ còn hai anh em: anh Sáu và thằng Út là Ngân.

Ngân bảo: “Vì nuôi mình ăn học mà anh Sáu phải nghỉ học. Ảnh không nghĩ đến chuyện riêng tư cá nhân, lo làm thuê làm mướn tối ngày. Ảnh làm đủ mọi nghề: đào đất, bơm thuốc trừ sâu, gặt lúa thuê... miễn sao dành dụm đủ tiền để nuôi em ăn học. Đến giờ anh Sáu vẫn chưa lập gia đình. Mấy lần mình hỏi thì ảnh chỉ cười, kêu từ từ... Mình thương anh Sáu lắm nhưng đàn ông con trai với nhau khó thể hiện. Mình biết tuổi thanh xuân, hạnh phúc cá nhân anh Sáu đều gạt sang một bên chỉ vì để lo cho mình được ăn học hành đàng hoàng . Chính vì điều đó mà mình luôn cố gắng học để anh Sáu không buồn”.

Đến lớp 12, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, Ngân phải lựa chọn cho mình một hướng đi đúng. Và Ngân đã chọn Đại học Nguyễn Huệ (Trường Sĩ quan lục quân 2).

Khó nhọc hun đúc sự trưởng thành

Môi trường quân ngũ với những đòi hỏi khắt khe về thể lực, sức khỏe và kỷ luật quân đội nhưng Ngân chưa bao giờ cho phép bản thân rớt lại phía sau.

Tuổi thơ khó nhọc đã hun đúc, tôi luyện nên nghị lực và sự kiên cường cho chàng học viên trẻ vượt qua những thử thách trong bốn năm học để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khóa học.

Bốn năm học ở Trường Sĩ quan lục quân 2, Ngân luôn là một trong những học viên thuộc nhóm đầu về kết quả học tập, rèn luyện của khóa. Anh được nhà trường tặng thưởng ba danh hiệu chiến sĩ thi đua và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Tháng 1-2014, Phạm Văn Ngân thuộc nhóm đoàn viên đầu tiên của khóa học được kết nạp Đảng. Tháng 7-2015, Ngân là một trong những điển hình tiên tiến được Bộ Quốc phòng tặng bằng khen tại Đại hội thi đua Quyết thắng toàn quân lần IX diễn ra tại Hà Nội và được báo công ở Phủ Chủ tịch nước.

Tốt nghiệp, Ngân được Bộ Quốc phòng phong quân hàm trung úy và được nhà trường đề nghị giữ lại công tác. Đó là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng sĩ quan trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thượng tá Bùi Hải Quảng, chính trị viên hệ hoàn thiện Đại học sĩ quan chính trị phân đội, nơi Ngân đang công tác, tấm tắc khen ngợi về người cán bộ trẻ: “Ngân luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, miệng nói tay làm, gương mẫu, sâu sát với đơn vị, có tinh thần cầu thị, thường xuyên lắng nghe và tiếp thu kinh nghiệm của cán bộ, chỉ huy; hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện và quản lý học viên”.

“Hồi còn nhỏ, mỗi lần thấy các chú bộ đội hành quân ngang qua nhà mình thích lắm. Lúc đó đã nghĩ mai mốt lớn lên sẽ làm chú bộ đội. Bác và chú mình cũng trong quân đội, nói đi bộ đội vất vả. Nhưng mình nghĩ vất vả, gian khổ làm con người trưởng thành hơn

Trung úy PHẠM VĂN NGÂN
MY LĂNG - HOÀNG NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp