Sáng 23-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về đến Hà Nội, đánh dấu chuyến công tác từ ngày 16-1 đến Thụy Sĩ, Hungary và Romania thành công tốt đẹp.
Lan tỏa hình ảnh Việt Nam với cơ đồ, vị thế mới tại WEF Davos 2024
Tại Thụy Sĩ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thường niên thứ 54 của Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (WEF Davos 2024) từ ngày 16 đến 18-1.
Trả lời báo chí về điều này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết trong hai ngày làm việc liên tục với lịch trình dày đặc có hơn 30 hoạt động, chuyến công tác dự WEF Davos 2024 của Thủ tướng "đã thành công tốt đẹp ở nhiều phương diện, đạt ở mức cao tất cả các mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ đề ra, để lại dấu ấn đậm nét và lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh của một Việt Nam với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín mới".
Theo ông Sơn, chuyến công tác đã có một số kết quả, dấu ấn quan trọng. Một, lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao tư duy, tầm nhìn và giải pháp của Việt Nam mà Thủ tướng chia sẻ về thúc đẩy đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, xây dựng lòng tin chiến lược, bảo đảm cân bằng lợi ích và thúc đẩy cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân.
Hai, các phát biểu của Thủ tướng đã truyền tải những thông điệp rõ nét về đất nước Việt Nam phát triển năng động, đổi mới, là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các tập đoàn toàn cầu.
Đại diện các tập đoàn, doanh nghiệp bày tỏ ấn tượng về tầm nhìn phát triển chiến lược của Việt Nam và thể hiện sự hào hứng, quan tâm đến các cơ hội đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam. Họ đã ngay lập tức cam kết tổ chức các đoàn doanh nghiệp lớn đến Việt Nam trong thời gian tới.
"Qua chuyến tham dự hội nghị, ta đã tạo ra một làn gió mới đối với hợp tác đầu tư nước ngoài chất lượng cao, góp phần làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới", ông Sơn khẳng định.
Ba, qua diễn đàn kinh tế uy tín hàng đầu thế giới này, Việt Nam đã tranh thủ nắm bắt được các tư duy, ý tưởng hợp tác mới, cảm nhận được không khí của thời đại, của các xu hướng mới của kinh tế toàn cầu.
Bốn, sự tham gia của Thủ tướng đã tiếp tục góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam và WEF ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu, trong các lĩnh vực cụ thể. Chẳng hạn như việc thành lập Trung tâm Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại TP.HCM, hỗ trợ phát triển kỹ năng mới cho nguồn nhân lực chất lượng cao...
Trong thời gian hội nghị, Thủ tướng đã có hơn 20 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp hàng đầu nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư - khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, y tế, sở hữu trí tuệ.
Củng cố quan hệ giữa Việt Nam với Hungary và Romania
Với Hungary và Romania, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết chuyến thăm hai nước này cũng thành công "rất tốt đẹp" về mọi mặt.
Hai nước đều đã dành cho Thủ tướng, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sự đón tiếp nồng hậu, ấm áp, chân thành của những người bạn thân thiết.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có hơn 30 cuộc gặp gỡ, trao đổi với tất cả lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, đảng chính trị hai nước.
Ông cũng phát biểu chính sách tại các trường đại học, dự diễn đàn doanh nghiệp, gặp hội hữu nghị hai nước với Việt Nam, gặp cộng đồng bà con người Việt và thăm một số cơ sở kinh tế, khoa học kỹ thuật.
Lãnh đạo Hungary và Romania bày tỏ ấn tượng mạnh mẽ về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá cao vị thế quốc tế ngày càng gia tăng của Việt Nam, khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Lãnh đạo hai nước này cũng mong muốn đưa quan hệ song phương ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất cũng như phối hợp xử lý các vấn đề quốc tế và cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo hai nước đã thống nhất nhiều biện pháp quan trọng nhằm đưa quan hệ hữu nghị truyền thống với Hungary và Romania sang giai đoạn phát triển mới.
Về chính trị - ngoại giao, Thủ tướng và lãnh đạo hai nước nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao.
Về kinh tế - thương mại - đầu tư, các nhà lãnh đạo khẳng định tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của Hungary như dược phẩm, nông nghiệp, công nghệ thông tin và Romania như phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, thông tin truyền thông, chế biến thực phẩm.
Hai bên nhất trí mở cửa hơn nữa thị trường của nhau đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủy sản, xem xét khả năng triển khai các dự án hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ ở mỗi nước.
Lãnh đạo Hungary và Romania nhất trí ủng hộ triển khai đầy đủ, hiệu quả EVFTA, khẳng định sẽ thúc đẩy các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn EVIPA và EC sớm gỡ bỏ cảnh cáo "thẻ vàng" (IUU) đối với hàng thủy sản Việt Nam.
Việt Nam cùng hai nước cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác song phương trong lĩnh vực hợp tác truyền thống như giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao - du lịch, lao động... và hợp tác trong những lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như khoa học công nghệ, thông tin truyền thông, dược phẩm, đổi mới sáng tạo, môi trường…
Hàng loạt văn kiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, lao động, nông nghiệp, thông tin truyền thông, hợp tác địa phương giữa Việt Nam và hai nước đã được ký kết.
Một điểm nhấn của chuyến thăm là hợp tác giáo dục - đào tạo với việc ký kết gần 30 văn bản hợp tác giữa các trường đại học của Việt Nam với các cơ sở đào tạo của Hungary và Romania.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận