Thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong la hét khi anh bị cảnh sát bắt sau khi tổ chức biểu tình tại Hong Kong ngày 28-6 - Ảnh: Reuters |
Theo hãng tin AFP chuyến công du 3 ngày tới Hong Kong lần này là chuyến đi đầu tiên của ông Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền năm 2013.
Chuyến đi cũng diễn ra trong bối cảnh người dân Hong Kong ngày càng lo ngại hơn về việc chính quyền Bắc Kinh có thể can thiệp vào những quyền tự do thuộc thể chế bán tự trị của đặc khu hành chính này.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ hàng đầu, trong đó có thủ lĩnh sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đã bị bắt giữ sau khi tổ chức biểu tình ở bên ngoài trung tâm hội nghị là nơi sẽ diễn ra một số sự kiện kỷ niệm lớn, cách không xa khách sạn nơi ông Tập nghỉ lại.
Khu vực bao quanh trung tâm hội nghị đã được phong tỏa bằng các rào chắn chứa đầy nước. Cảnh sát cũng nói họ đang áp dụng “các biện pháp an ninh chống khủng bố” để đảm bảo an toàn cho ông Tập.
Những người biểu tình sẽ bị giới hạn ở những khu vực cách rất xa so với nơi tổ chức các lễ kỷ niệm chính thức.
Trong những năm qua, tâm lý không ưa chính quyền đại lục gia tăng trong cộng đồng cư dân Hong Kong, đặc biệt là giới trẻ.
Sự thất bại của cuộc tuần hành quy mô lớn năm 2014 nhằm đòi hỏi những cải cách dân chủ đã làm dấy lên làn sóng mới của các nhà hoạt động đề cao tinh thần “địa phương tính”.
Những người này muốn khẳng định vị thế riêng của Hong Kong, chưa kể một số phong trào còn kêu gọi ly khai Hong Kong khỏi Trung Quốc đại lục.
Kể từ khi được trao trả về Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được quản lý theo thỏa thuận “một quốc gia hai chế độ” với những đặc quyền không có ở đại lục, trong đó có quyền tự do ngôn luận và một bộ máy tư pháp độc lập.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận