Ngày 29-5, Thụy Điển thông báo gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay cho Ukraine trị giá 13,3 tỉ crown (khoảng 1,3 tỉ USD).
Bộ trưởng Quốc phòng Paal Jonson cho biết gói viện trợ này sẽ giúp tăng cường khả năng phòng không của Ukraine, trong đó Stockholm sẽ cung cấp cả máy bay giám sát và kiểm soát trên không (ASC) 890 của Công ty Saab.
Cuối tuần trước, Chính phủ Thụy Điển đã đồng ý hỗ trợ quân sự bổ sung cho Ukraine với tổng trị giá 75 tỉ crown Thụy Điển (khoảng 7,1 tỉ USD) trong vòng 3 năm.
Trong tuần này, chuyến công du châu Âu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng đem về cho Kiev thêm nhiều viện trợ và vũ khí.
Tại Tây Ban Nha ngày 27-5, ông Zelensky đã ký thỏa thuận an ninh với Thủ tướng Pedro Sanchez, trong đó "bao gồm cam kết viện trợ quân sự 1 tỉ euro (1,1 tỉ USD) cho năm 2024".
Chính phủ Tây Ban Nha cam kết sẽ cung cấp cho Ukraine nhiều hệ thống tên lửa Patriot, xe tăng Leopard và đạn dược. Thỏa thuận cũng đề cập một số lĩnh vực khác như tình báo, đào tạo, rà phá bom mìn, tái thiết và hỗ trợ nhân đạo.
Ngày 28-5, ông Zelensky cũng ký thỏa thuận song phương về an ninh hỗ trợ quân sự lâu dài với Bỉ. Theo đó, Bỉ cung cấp cho Kiev gói hỗ trợ quân sự trị giá 977 triệu euro (1 tỉ USD) trong năm 2024, cùng lời cam kết chuyển giao 30 chiếc máy bay chiến đấu F-16 cho quân đội Kiev vào năm 2028.
Trong khi đó, người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU), ông Josep Borrell cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào về gói viện trợ quân sự trị giá 7 tỉ USD của khối dành cho Ukraine.
"Chúng ta cần sự nhất trí, nhưng sự nhất trí không tồn tại trong nhiều tháng", ông Borell thừa nhận.
Theo tờ Politico, các nhà ngoại giao đã hy vọng gói viện trợ sẽ sẵn sàng trước cuộc họp tuần này tại Brussels, nhưng điều này đã không xảy ra do sự phản đối từ Hungary.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto khẳng định chính phủ của ông vẫn cam kết ngăn chặn gói viện trợ quân sự trị giá 7 tỉ USD cho Ukraine, bất chấp "sự ồn ào" từ các ngoại trưởng EU.
Ngoài ra, ông Borrell cho biết kế hoạch của EU sử dụng lợi nhuận từ tài sản của Nga bị phong tỏa để mua vũ khí cho Ukraine cũng đã bị đình trệ do phản đối từ Budapest. Kế hoạch này có thể cung cấp khoảng 3,25 tỉ USD cho Ukraine trong năm nay.
Các quốc gia phương Tây đã tịch thu tài sản trị giá khoảng 300 tỉ USD của Nga, hầu hết được nắm giữ ở EU.
Thời gian qua, Nga đã cảnh báo sẽ trả đũa nếu tài sản của nước này bị Mỹ và các đồng minh "đánh cắp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận