Cô Thúy ngồi đàn hát giữa đồi núi Lâm Đồng. |
Với cây đàn guitar và tiếng hát mộc mạc, tài năng ca hát của cô Nguyễn Thanh Thúy không thuyết phục các giám khảo và khán giả truyền hình nhưng câu chuyện đời “không sao đâu, cứ bình tĩnh sống” của cô lại truyền cảm hứng cho cộng đồng.
Đặt chữ "kệ" lên đầu
Bài hát Riêng một góc trời (Ngô Thụy Miên) có ý nghĩa đặc biệt với cô Thúy. Lời bài hát như nói giúp nỗi niềm hai chị em cô. Họ có một góc trời của riêng mình nơi núi đồi hoang vu giữa cuộc đời nhiều bon chen. Trước khi hát trên đài truyền hình VTV, cô Thúy từng hát tặng cho một sư cô bị ung thư vú nghe bài hát này. |
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, cô Thúy cho biết cô đang sống cùng em gái (50 tuổi) trên một ngọn đồi hoang vắng. Công việc hằng ngày của cô là làm vườn, bốc thuốc, bấm huyệt giúp trẻ em nghèo.
Cô Thúy đi thi Tìm kiếm tài năng trên truyền hình chỉ vì "mong ước có một số tiền nhỏ để xây bể chứa nước mưa và bình ắc quy nhỏ để thắp đèn".
Hai chị em trồng rau quanh căn nhà vỏn bẹn chỉ 14m2 để ăn qua ngày nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có hôm rau thì hết, gạo cũng chẳng còn, hai cô phải ăn khoai mì độn.
"Có một cô bán rau ở chợ - cũng là người mình từng bấm huyệt giúp - nói là "cô cứ xuống chợ, con sẽ cho rau để hai cô ăn". Nhưng mà mình đâu có dám lấy không như vậy, tiền người ta làm cực khổ lắm chứ.
Mình xuống phụ dọn hàng, quét rác rồi xin rau héo, rau bán không hết về ăn. Kệ đi, mình phụ người ta, chứ đứng nhìn người ta bán rồi chờ lấy rau thì ăn không được", cô Thúy chân tình kể.
Cô Thúy nói cô chưa bao giờ coi chuyện phụ hàng rau để xin rau héo về ăn là điều tủi nhục, dù nhiều người vẫn nhìn và xầm xì sau lưng cô.
Kể về cuộc đời mình, kể cả những năm tháng gian truân nhất, giọng cô Thúy vẫn bình thản và nhẹ nhàng.
"Mình bôn ba lắm, từ Đồng Nai xuống Long An rồi trở lại Đồng Nai, sau đó mới lên Lâm Đồng sống ẩn dật. Biến cố gia đình, sự hãm hại, hà hiếp của những người không tốt, sự khinh khi của người đời, những nỗi niềm oan ức... mình cũng trải qua hết rồi.
Mình đã khổ mà còn chấp chứa trong lòng nữa thì sống khó chịu lắm, có khi suy nghĩ của mình còn bị ảnh hưởng theo cái ác nữa. Thôi thì kệ hết đi, bình tĩnh sống. Cứ giữ cái tâm thanh tịnh, cho cái "kệ" đứng đầu", cô Thúy nói.
Hỏi cô có mong ước được về sống ở khu vực có nhiều người dân sinh sống hay không, cô Thúy im lặng, hồi lâu mới nhẹ nhàng chia sẻ:
"Cô đi nhiều nơi, thấy quá mệt mỏi một kiếp người rồi. Chỉ mong trên ngọn đồi này, cô được sống gần những người hàng xóm nhân ái, chan hòa thì bình yên lắm rồi".
Cô Thúy trong mắt em gái
Cô Nguyễn Thanh Mai |
Cô Nguyễn Thanh Mai (sinh năm 1965) - em gái của cô Thúy - nhiều lần xúc động đến nghẹn giọng khi trò chuyện với chúng tôi về chị mình.
Cô Mai kể ngày cô Thúy xuống đồi đi thi hát trên truyền hình vào lúc 3g sáng, từ trong nhà Mai rọi đèn pin từ khung cửa sổ nhìn theo để lỡ có chuyện gì, chị la lên thì mình còn biết mà cứu.
Cô Mai kể từ ngày cô Thúy đi thi, nhờ sự quan tâm của mọi người mà hai chị em thấy ấm lòng hơn rất nhiều.
“Ngày trước thì hai chị em xài nước của phụ huynh mấy em đến bấm huyệt cho, nhà có cái thùng 700 lít mà bể rồi, chị Thúy phải lấy dầu hắc với bao nilon trám lại. Nhờ có Bằng Kiều, Trấn Thành giúp đỡ mà hai chị em mới mua được bể chứa nước với bình ắc quy để thắp đèn”, cô Mai kể.
Cô Nguyễn Thanh Mai nói về chị mình với một niềm tự hào không giấu diếm. Cả hai chị em đều có thể bấm huyệt nhưng cô Mai nói cô Thúy "thông minh, sáng dạ hơn nên học nghề nhanh, thực hành giỏi hơn mình".
Cô Mai cho biết cô Thúy còn biết võ và dạy cô Mai vài thế võ để phòng thân nơi đồi núi hoang vắng. Hai chị em cứ thế nương tựa nhau mà sống, vừa trồng trọt vừa bấm huyệt cứu người.
Đau lòng nhất có lẽ là khoảng thời gian nửa năm trước, khi hay tin mẹ mất mà hai chị em cô không có tiền để về nhìn mặt mẹ lần cuối… Hai chị em cô lúc đó chỉ biết khóc rồi làm mâm cơm cúng mẹ, cầu khấn mẹ về đồi ở cùng hai chị em.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận