Lăng Minh Mạng như một vườn cây xanh rộng lớn - Ảnh: THÁI LỘC
“Đi vào từng yếu tố thì thấy người xưa đặt cái nào cũng có nghĩa của nó cả chứ không tùy tiện. Còn vườn thượng uyển thì tùy sở thích của từng vua, có cả kỳ hoa dị thảo, có cả cây ăn trái.
Ông LÊ CÔNG SƠN
Vua cho trồng mít trên đường cái quan
Sự tồn tại đến nay của hàng loạt cây xanh cổ quý trong hoàng cung, lăng tẩm và cả thành Huế có xuất xứ từ nhiều châu lục, nhiều vùng miền thể hiện chủ trương du nhập, chăm trồng cây cối qua bao đời vua.
Tài liệu đời Gia Long chép: năm 1805, vua sai quan ở Bình Định mua 1.000 trái dừa giống, sai quan trấn Hải Dương chọn 200 cây cam (giá 60 quan) và sai quan trấn Gia Định bứng sa kê con đem về trồng ở kinh...
Riêng sa kê, một đại cổ thụ vẫn còn tươi tốt ở lăng Gia Long, được trồng ở nhiều phủ đệ ông hoàng bà chúa, trở thành món ăn quen thuộc của người Huế.
Đời Minh Mạng, vua đặc biệt thích cây xanh, cho di thực rất nhiều giống cây quý về kinh. Tác giả Ưng Trình viết về ông cố nội:
"Buổi sáng khi mới rạng đông, buổi chiều khi mặt trời mới gác núi, ngày nào đức Minh Mạng cũng ngự dạo xem ai trồng được thứ gì. Nhiều bữa gió lớn mưa to mà hoàng đế vẫn khoác tơi, đội nón ngự ra vườn như một người nông dân để làm gương cho các hoàng tử. Có người nói: không phải muốn làm gương cho các hoàng tử, đức Minh Mạng muốn quan sát "thiên nhiên động lực" xem mưa gió có ảnh hưởng với thảo mộc thế nào. Hoàng đế lại muốn đem giống cây xứ kia trồng vào xứ nọ".
Theo sách Đại Nam thực lục, vua cho hoàng thân quốc thích, nhiều hạng quan viên trồng thông ở đàn Nam Giao, làm thẻ đồng khắc tên họ và ngày tháng treo lên cây ấy.
Ngoài chủ trương trồng nhiều cây trái tại các tôn miếu, hoàng cung và hành cung các tỉnh, vua nhiều lần sai các quan địa phương rà soát đất hoang hóa, gò đồi, bờ sông và đường sá để tổ chức trồng cây. Vua sai 3 bộ: Lại, Hộ, Công "nghiên cứu" khuyến khích dân trồng cây.
Ba bộ tâu: "Trong loại thực vật chỉ có cây mít, quả có thể ăn, gỗ có thể làm rường cột, càng là thiết dùng. Vậy xin từ Quảng Bình vào Nam, Nghệ An ra Bắc, bên đường cái quan và ven sông cho trồng một loại thứ cây ấy".
Trong lời tâu, quan sở tại phải khuyến khích dân khai khẩn những nơi từ lề đường, ven sông ngòi, bờ ao, chân rừng, gò đống còn hoang hóa trong cả nước. Tùy loại đất mà cho trồng lúa, dâu, gai hoặc trồng mít.
Bất kể quân hay dân, ai khai khẩn trồng trọt thì người nấy được, gia hạn 3 năm khai báo tình trạng, xét thành tích để thưởng phạt người chăm kẻ lười, và sau 6 năm cho làm đất tư đưa vào đánh thuế. Vua đồng ý và cho thi hành.
Du khách đến Huế, rất thích màu xanh dịu mát của cố đô - Ảnh: THÁI LỘC
Tái sinh vườn ngự
Ý thức và sở thích trồng cây của các vị vua biến nhiều khu vực thuộc chốn cung đình trở thành những vườn cây, mà đỉnh cao chính là hàng chục khu vườn thượng uyển độc đáo. Không chỉ vậy, ý thức ấy được thể hiện một cách bài bản và quy củ thông qua đề tài, hoa văn trang trí trên các chậu sứ và đôn đá tại các công trình có công năng khác nhau trong cung.
Ông Lê Công Sơn, chánh văn phòng Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nói rất bất ngờ khi nhận ra: khu vực cử hành đại lễ chủ yếu trang trí lưỡng long triều nhật, thể hiện quyền uy; khu vực thờ tự trang trí viên long thể hiện sự sinh sôi nảy nở; trước nơi làm việc của vua thì hoa văn thể hiện sự uy nghiêm; trước nơi ở hoàng thái hậu thì nhiều biểu tượng trường thọ; còn hoàng hậu mang tính vui tươi...
"Đi vào từng yếu tố thì thấy người xưa đặt cái nào cũng có nghĩa của nó cả chứ không tùy tiện. Còn vườn thượng uyển thì tùy sở thích của từng vua, có cả kỳ hoa dị thảo, có cả cây ăn trái" - ông Sơn nói.
Tiếc cho giai đoạn cuối triều Nguyễn trở về sau, tình trạng "bỏ bê" để cây xanh tồn tại tự nhiên, vườn ngự hoang hóa, cây cối lụi tàn. Thật mừng trong số ấy, vườn ngự Thiệu Phương đã được tỉnh Thừa Thiên Huế phục hồi, góp phần tái hiện phần nào diện mạo cung cấm ngày xưa.
Hôm tôi ghé vườn, những ô đất hai bên dãy hành lang hình chữ "vạn" cây cối xanh tốt, nhiều hoa tỏa hương cho dù giữa mùa nắng gắt. Đó là các loại nhài, mộc, tường vi, mẫu đơn, tử vi, lộc vừng, dâm bụt...
Có rất nhiều cây cảnh quý, dáng thế cổ thụ như mai lão, tùng la hán, sanh, si, đề, hòa hợp với mái ngói hành lang và những ngọn giả sơn nhô trên bãi cỏ xanh. Dưới bóng lộc vừng, liễu rủ la đà là sen trắng nhụy vàng tinh khiết đua nở trên mặt nước lạch Ngự câu...
Việc phục hồi vườn Thiệu Phương được trung tâm di tích xem là công trình "mang tính lịch sử" với 5 năm chuẩn bị, trải qua 2 lần khảo cổ và 16 cuộc bảo vệ trước hội đồng khoa học. Phục hồi "phần hồn" với cỏ hoa, cây trái vẫn khó khăn nhất.
Thật may, vua Minh Mạng và Thiệu Trị thường đến thưởng ngoạn, làm thơ mô tả cảnh vật và hàng loạt kỳ hoa dị thảo trong đó. Việc xác định được 29 bào tử hoa và cây cảnh, cả mật độ và vị trí lưu trong lòng đất cũng là cơ sở quan trọng để tạo lập cảnh quan khu vườn...
Trồng cây tu sửa di sản tiền nhân
Trên đường từ Huế đến lăng Minh Mạng, nhiều người thích thú với dải cây xanh tuyệt đẹp chạy dài cả cây số men theo bờ tường cổ sau lăng.
Vườn cây này có nhiều chủng loại thân gỗ quý, trồng theo từng cụm, nhiều loại cao đến 10m, thân lớn đến hơn 30cm. Đây đó nổi lên những cây thân cột họ cau dừa rất duyên, như: cau tua, đùng đình núi, cọ cảnh.
Có nhiều loại cây gỗ bóng mát nguồn gốc bản địa như: bồ hòn, gội, gụ lau xanh, sao đen, sấu, thị... Xen kẽ là những cụm cây bóng mát có tán lá tuyệt đẹp như: tếch, chò đen, hồng nhung, mù u, tùng la hán, sa kê, thông ba lá...
Có hơn 20 loài thân gỗ cho hoa theo các mùa rất đẹp, như: gạo, muồng hoa đào, muồng hoàng yến, muồng ô môi, muồng xiêm, lim xẹt, mưng (lộc vừng), phượng hoa vàng và trúc đào... Đặc biệt, nhiều cây tỏa hương đặc trưng của Huế như ngọc lan, hoàng lan...
Nơi đây ngày trước toàn vườn trồng keo, người dân thường đốt thực bì làm lửa khói phủ um, uy hiếp lăng vua khiến Ủy ban Di sản thế giới cử đoàn chuyên gia đến kiểm tra.
Trong kỳ họp thứ 31 tại Christchurch (New Zealand) năm 2007 và kỳ họp thứ 33 tại Seville (Tây Ban Nha) năm 2009, cơ quan này đã đưa ra khuyến nghị việc đốt cây ảnh hưởng di sản và đề nghị chính quyền có giải pháp xử lý cấp bách.
"Hồi đó phái đoàn của tỉnh Thừa Thiên Huế phải mấy lần đi giải trình, sau đó chỉ đạo thu hồi diện tích khu đất và chỉ đạo lập phương án trồng cây xanh bảo vệ vành đai lăng Minh Mạng" - ông Lê Công Sơn nhớ lại.
Năm 2012, sau khi tỉnh thu hồi đất được hơn 9ha, trung tâm di tích đã nghiên cứu trồng hơn 30 loại cây theo các chủng loại: thân cột, bóng mát bản địa, bóng mát nhập nội đã thích nghi, bóng mát tán lá đẹp, hoa đẹp, hoa thơm, tre trúc và cây mang tính văn hóa lịch sử của Huế.
Điều thú vị, một trong những mục đích tạo lập khu vườn: trở thành nguồn gỗ phục vụ trùng tu di tích sau này, trong viễn cảnh mấy mươi năm sau gỗ rừng đi vào quá khứ...
Đi dưới vườn cây, lòng bỗng thấy ấm khi nghĩ đến một ngày những thân cột đang đà to lớn kia sẽ nằm vào những công trình di sản tích tụ văn hóa người Việt hàng trăm năm...
***********
Ở Huế xưa nay, việc xây mới công trình gì cũng dễ bị dư luận phản ứng vì đối chọi di tích. Nhưng việc đầu tư cho cây xanh được người dân ngợi khen.
Kỳ cuối: Bồi đắp cho Huế xanh
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận