Con đường trước điện Phụng Tiên trong hoàng cung rợp bóng nhãn - Ảnh: THÁI LỘC
Chùa có hàng chục cây mọc quanh núi, lưu truyền trồng thời vua Minh Mạng. Năm ni xoài rất trúng, tiếc là vừa hết từ tháng trước rồi.
Sư Thích Minh Chính
Du khách đến Huế sẽ có cảm giác trầm mặc mà nhẹ nhàng, dịu mát khi lạc bước dưới các tán xanh cổ thụ này...
Những chùm nhãn lồng Đại nội tuyệt ngon, những trái xoài tiến cung thơm lừng. Chúng đều từ những trân phẩm tiến cung ngày xưa đến từ Nam, Bắc nay còn cho trái mê mẩn lòng người.
Nhãn lồng tuyệt hảo
Liên hệ trong sự bất ngờ, anh Lê Trung Hiếu, trưởng phòng cảnh quan Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, nói: "Đang hái nhãn lồng Đại nội, anh cần sẽ biếu để xem nhãn tiến cung xưa đặc biệt thế nào".
Những chùm nhãn được hái trong cung ấy, trái nhỏ tròn đều, thớ cơm không dày lắm, có độ ướt vừa phải, mà vị ngọt thanh, hương thơm tỏa lan tuyệt hảo, khác hẳn những loại nhãn bán nhiều ngoài thị trường.
Chúng tôi chia phần đem biếu những người thân quen, ai cũng khen nức. Anh Hiếu cho biết số nhãn hái từ những cây lớn ven đường giữa Tử Cấm thành cạnh cung Diên Thọ và ven đường trước điện Phụng Tiên, nguồn giống có thể từ nhãn tiến cung xưa.
Nhãn lồng Đại nội nức tiếng từ lâu, nằm trong số ba loại danh quả trác tuyệt của Đại nội đi vào ca dao: "Vải trạng cung Diên/Nhãn lồng Phụng Tiên/ Đào tiên Thế miếu".
Thật tiếc cổ thụ nhãn trong điện Phụng Tiên đã hết mùa, hẹn dịp sau được nếm. Nhãn hiện chiếm số lượng nhiều nhất trong các loài cây ở hoàng cung, rợp bóng các con đường, các sân cung, góc miếu. Dường như ít được chăm bón nên trái nhỏ và ít, nhưng có lẽ chính vì vậy nó lại ngon đặc biệt.
Vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, gần cửa Thượng Tứ (Đông Nam) trong kinh thành được giới thiệu bán nhãn Đại nội. Hôm tôi ghé, chị bán hàng giới thiệu chỉ còn ít nhãn Đại nội, còn lại phần lớn là nhãn hái ở khu Lục bộ (các bộ của triều xưa).
"Nhãn Lục bộ cũng ngon kém chi nhãn Đại nội, thì cũng trong cung ra cả mà" - người bán lột một trái nhỏ mời dùng thử và quả quyết.
Quanh khu vực những cơ quan đầu não triều xưa như viện Cơ Mật, Tôn Nhơn phủ, Khâm Thiên giám và các bộ, nhãn mọc thành hàng rợp bóng các đường phố, che phủ nhiều công trình... Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đại Vinh, nhãn xưa của Huế chủ yếu từ nhãn quý Hưng Yên tiến vào.
Riêng việc trồng nhãn đường phố ở khu Lục bộ là có chủ trương, được tổ chức trồng bài bản, nằm trong tâm thế của người Việt Nam, những trái cây ngon ngọt tiến cung thường được vua san sẻ, chia cho các phủ hoàng thân, hoàng tử, công chúa và quan viên ở kinh đô.
Cây xoài ở vườn ngự Thiệu Phương trong Tử Cấm thành Huế - Ảnh: THÁI LỘC
"Xoài nội" ăn vô nhớ đời
Ở Huế, nằm trong số trái cây thơm ngon nức tiếng khác chính là xoài. Tôi tới chùa Thánh Duyên, hỏi thăm thượng tọa trụ trì Thích Minh Chính về xoài ngự danh tiếng phía sau chùa còn trái không.
Chùa Thánh Duyên nằm trên núi Túy (Thúy) Vân nổi lên trên dải cát giữa biển và đầm phá, cách Huế chừng 40 cây số vốn là quốc tự rất nổi tiếng, được xếp vào thắng cảnh đất Thần kinh thời Nguyễn.
Sư Minh Chính tỏ ý tiếc không chia sẻ được với người quan tâm như tôi về loại trái ngon đặc biệt của chùa, vì đã hết mùa. Nhà sư bày tỏ: "Chùa có hàng chục cây mọc quanh núi, lưu truyền trồng thời vua Minh Mạng. Năm ni xoài rất trúng, tiếc là vừa hết từ tháng trước rồi".
Nhà sư cho biết thêm xoài tượng ở chùa có lẽ quá lâu năm, lão hóa, nên cách vài năm mới có mùa sai trái. Xoài ở đây có 2 giống: trái to và trái nhỏ khá tròn. Dù cơm mỏng, song điều đặc biệt là "hương và vị tuyệt thơm ngon, thử ăn mới biết chứ không diễn tả hết được".
Hai giống xoài tương tự ở ngôi quốc tự kể trên có rất nhiều cổ thụ tại quần thể di tích Huế, nằm rải rác trong hoàng cung, trong Tử Cấm thành, các cung miếu, vườn Cơ Hạ và lăng Gia Long...
Một cán bộ quản lý di tích tỏ ý tiếc nuối, bảo "sao không nói sớm hơn để được nếm "xoài (đại) nội" trác tuyệt?". Vị này bảo loại trái nhỏ ngon nổi tiếng nhất vẫn là cây ở hồ Tịnh Tâm. Còn trái to ngon nhất vẫn là cây ở Thế miếu và Thái miếu.
Tại hồ Tịnh Tâm, một cây xoài to lớn xanh tốt nằm trên đảo Phương Trượng ngay cạnh mặt nước. Người gác di tích Tịnh Tâm cho biết năm nay xoài rất được mùa và trái chín khá sớm, ngay từ đầu năm. "Xoài ni trái nhỏ thôi, khá tròn, cơm cũng không dày lắm nhưng vị ngọt vừa, rất thanh và rất thơm, ăn vô nhớ đời. Đúng là "xoài (đại) nội" đẳng cấp thiệt" - người này khoe...
Hầu hết xoài cổ thụ ở di tích Huế đều là giống quý có gốc gác từ tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên. Đặc biệt hơn cả là giống xoài xuất xứ khu vực chùa Đá Trắng (Tuy An, Phú Yên) nhiều lần theo lệ dâng tiến về kinh. Sử ghi thời Thiệu Trị cuối năm 1842, quan tỉnh Phú Yên là Lê Quốc Trinh và Nguyễn Văn Lý về kinh dâng xoài được vua khen nức.
Vua nói: "Đào tiên dâng tuổi thọ, là thứ quả ứng điềm tốt! Xưa nay các thứ quả ở Bắc kỳ, cho vải là thứ nhất, nhãn là thứ nhì; đến như xoài thì hình trạng giống quả đào, vị nó ngọt và thơm, vải và nhãn không thể sánh kịp. Ngày khánh tiết, được thứ quả quý này cũng là ít có!". Vua tự tay dâng lên bà nội, nhận sự bằng lòng kèm nhiều lời trầm trồ.
Ngày xưa vật phẩm cung tiến
Triều Nguyễn quy định các địa phương tiến cung phẩm vật phục vụ tế lễ và sử dụng trong cung: "Các quan địa phương chính tay lựa chọn lấy những thứ ngon tốt, xếp vào sọt gánh, ngoài niêm phong đánh dấu theo phép, giao trạm phái đệ đi, trước hẹn 1, 2 ngày đã đến kinh do bộ (Lễ) chuyển giao cho thị vệ chiểu nhận, hội đồng dâng lên. Năm nào khí hậu thời tiết đến muộn khác nhau sẽ tư lên bộ trả lời sẽ tuân làm".
Trong đó, tỉnh Hà Nội tiến vải; Ninh Bình và Nam Định tiến mắm rươi; Hải Dương và Thanh Hóa tiến cam đường; Cao Bằng tiến sa lê; Tuyên Quang tiến tuyết lê; Thừa Thiên tiến gạo mới và một số hoa quả; Vĩnh Long và Định Tường tiến dừa; Phú Yên tiến xoài; Bình Định tiến chanh; Quảng Nam tiến chanh và loòng boong; Quảng Bình tiến dưa hấu, bột hoàng tinh, thịt cửu khổng khô (con hàu), tương đậu và rượu dâu...
Ngoài cung tiến theo thời trân - sản vật quý từng mùa của mỗi địa phương, triều đình còn phân công các tỉnh chịu trách nhiệm thu mua các loại quả phẩm (kèm giá thành) nộp về kinh. Thời Minh Mạng định rõ: Gia Định mua long nhãn, vải, táo đỏ, táo đen, táo vàng, nho, cam tàu, mứt cam, mứt hồng. Hà Nội mua vải, bánh phục linh, bánh mì, mứt khoai, bánh cốm, cốm nếp.
Thừa Thiên mua vải, táo đỏ, táo đen, táo vàng, long nhãn, nho, mứt hồng, quýt kim tiền, loòng boong. Cao Bằng và Tuyên Quang mua tuyết lê và sa lê. Thanh Hoa (Hóa) và Hải Dương mua cam đường. Quảng Bình mua dưa hấu. Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên mua chanh. Đến thời Tự Đức thì định thêm tỉnh Quảng Ngãi mua vải, táo đỏ, táo đen, long nhãn, nho, mứt hồng...
Nhân giống cây trái từ yến tiệc vua ban
"Những dịp yến tiệc đãi các quan, bao giờ cũng có trái cây từ sản vật cung tiến, trong đó có nhãn.
Được vinh dự ăn, họ giữ gìn hạt gieo ra, nhưng gieo với tính cách cá nhân thì không thành hình thành dạng, cho nên tổ chức gieo ra để phủ bóng các tuyến đường trong Lục bộ, như vậy là có chủ trương" - nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh nhận định.
Trái vải từ miền Bắc cung tiến về kinh đô Huế được gắn danh thơm "vải trạng" có hương vị thơm ngon khác lạ ngày nay còn truyền.
Kỳ tới: Danh thơm vải trạng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận