10/10/2023 12:52 GMT+7

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 7: Nguyễn Tư Nghiêm và mâm rượu thời cuộc

Chụp ảnh văn nghệ sĩ tài hoa một thời ở Hà Nội không chỉ có cha con Trần Văn Lưu - Trần Chính Nghĩa, mà còn nhân vật thú vị khác là nhà nhiếp ảnh Hà Tường và sau này có Nguyễn Đình Toán nối tiếp.

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm bên bức tranh Kiều bị từ chối

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm bên bức tranh Kiều bị từ chối

Bậc thầy hội họa Nguyễn Tư Nghiêm với nụ cười thầm kín bên bộ minh họa Kiều bị từ chối của mình và mâm rượu như chắt cả nỗi niềm thời cuộc trên bốn gương mặt Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng là hình ảnh mà nhiếp ảnh gia Hà Tường đã để cho đời sau.

Nguyễn Tư Nghiêm và bộ tranh bị từ chối

Chụp ảnh văn nghệ sĩ tài hoa một thời ở Hà Nội không chỉ có cha con Trần Văn Lưu - Trần Chính Nghĩa, mà còn nhân vật thú vị khác là nhà nhiếp ảnh Hà Tường và sau này có Nguyễn Đình Toán nối tiếp.

Hà Tường chọn lối nhiếp ảnh tư liệu nên ảnh ông không chỉ khắc họa tài tình chân dung văn nghệ sĩ và cả những trí thức tiêu biểu 1975 - 1995, mà còn kể chuyện giai đoạn lịch sử đầy biến động của văn nghệ "buồn bã, đau thương nhưng cũng đầy an lành và thiện tâm, tựu trung đọng lại ở chữ tình".

Hơn 20 năm chụp ảnh bằng tình yêu dành cho văn nghệ sĩ, Hà Tường đã thu vào ống kính hầu hết gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu như Trịnh Công Sơn, Văn Cao, Đặng Đình Hưng, Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Tào Mạt, Đoàn Chuẩn... đến nhà sử học Trần Quốc Vượng, nhà dân tộc học Từ Chi...

Từ trái qua Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Đoàn Phú Tứ trong đám cưới con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu

Từ trái qua Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Đoàn Phú Tứ trong đám cưới con trai nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu

Giống Trần Văn Lưu, Hà Tường thời kỳ ấy không chỉ là người chụp ảnh văn nghệ sĩ, mà ông chính là người của giới ấy, một người bạn, người em thân thiết của nhiều văn nghệ sĩ. Những bức ảnh của ông đi vào tâm can các anh tài văn nghệ một thời và kể cho chúng ta bao điều về tài năng, tình người trong vòng xoáy thời cuộc.

Đó là câu chuyện thú vị sau bức ảnh tưởng giản dị và dễ dàng bị bỏ qua, chụp họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm ngồi trên ghế tre trong căn phòng của mình, đằng sau là một phác thảo khổ lớn và cạnh ông là bức minh họa Kiều ngồi đàn cho Kim Trọng nghe.

Khoảng năm 1988 - 1990, Hà Tường một lần đến thăm Nguyễn Tư Nghiêm, bất chợt nhìn thấy một bức họa trong bộ minh họa Kiều của họa sĩ tài năng này. Hà Tường biết chuyện đó là bộ tranh "bị từ chối" của họa sĩ bậc thầy nên đã lập tức hình dung bức ảnh đáng giá trong đầu mình. Ông nhờ Nguyễn Tư Nghiêm ngồi vào ghế, rồi đặt bức tranh Kim Kiều bên cạnh tác giả và bấm máy.

Chuyện là Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ bộ minh họa đó cho bản Kiều tiếng Pháp mà Nguyễn Khắc Viện dịch, nhưng đã không qua được kiểm duyệt, vì nhận xét của một lãnh đạo lúc bấy giờ về tạo hình nhân vật Kim Trọng "nhìn như nghiện". 

Lần đó, toàn bộ minh họa của Nguyễn Tư Nghiêm không được dùng, Hội Mỹ thuật Việt Nam (lúc đó có tên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam) tiếc lắm nhưng không sao được. Đó là bộ minh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ trong hàng chục năm trời.

Họa sĩ từng chia sẻ với nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến và được bà viết lại trong bài về danh họa trong cuốn sách Hội họa Hà Nội - Những ký ức còn lại, rằng 1974 là năm ông cộng tác với các nhà xuất bản vẽ về Kiều nhiều nhất.

Nguyễn Tư Nghiêm là một trường hợp đặc biệt trong bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, khi mà ông có cuộc đời sáng tác rất dài vắt qua hai thế kỷ, chứng kiến nhiều biến động lịch sử của đất nước, trong khi ba người còn lại đều mất sớm cùng năm 1988. Ông sống độc thân tới gần cuối cuộc đời (tuổi xế chiều họa sĩ Thu Giang là con gái nhà văn Nguyễn Tuấn mới đến sống cùng ông), hầu như không giao thiệp với ai trong suốt thời gian dài. 

Nhưng những tác phẩm của ông lại thể hiện sự am hiểu thời cuộc sâu sắc, đầy tính biểu hiện và ẩn dụ, có chiều sâu văn hóa của đời sống nông dân Việt Nam mà ông một đời nghiền ngẫm, thấm đẫm, và có sự nhạy cảm của một nghệ sĩ, theo đánh giá của nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng. Về nghệ thuật tạo hình thì những sáng tạo say mê trên vốn cổ dân tộc đã đưa Nguyễn Tư Nghiêm trở thành họa sĩ hiện đại nhất trong thế hệ của mình.

Nhưng bộ minh họa Kiều của ông đã bị từ chối. Hà Tường không bỏ lỡ cơ hội để kể cho mọi người câu chuyện thú vị về một danh họa, cũng là câu chuyện của thời đại. Cái hay là Hà Tường cho mọi người thấy một Nguyễn Tư Nghiêm ngồi đó với phong thái ung dung, tự tại, ánh nhìn thẳng cương nghị nhưng gương mặt vẫn ánh lên nụ cười hiền hòa, bao dung.

Gần đây, một bức trong bộ tranh ấy, được một nhà đấu giá trong nước đấu giá thành công với mức giá hơn 1,7 tỉ đồng.

Mâm rượu nhiều nỗi niềm của những văn nghệ sĩ tài ba, do Hà Tường chụp

Mâm rượu nhiều nỗi niềm của những văn nghệ sĩ tài ba, do Hà Tường chụp

Mâm rượu cô đọng nỗi niềm thời cuộc

Trong gia tài ảnh của Hà Tường, ông chụp khá nhiều những nhân vật Nhân văn - Giai phẩm. Hồi ấy, nghe tới nhóm này người ta còn tìm cách tránh xa, nhưng Hà Tường thì lại kết thân và chụp họ rất nhiều từ rất sớm, khi hầu như chưa có ai chụp họ. 

Bức ảnh Hà Tường chụp mâm rượu ở nhà Đặng Đình Hưng của bốn người tài văn chương và hội họa là Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên là một trong số những bức ảnh ấn tượng nhất ông chụp những người tài lận đận này. Bao nhiêu tâm sự của cá nhân và thời cuộc như được cô đọng trong một bức hình.

Đặng Đình Hưng trong căn nhà tập thể, ông thường ngồi nhìn xuống phố qua những chấn song ban công, một hình ảnh giàu sức gợi về cuộc đời của thi sĩ

Đặng Đình Hưng trong căn nhà tập thể, ông thường ngồi nhìn xuống phố qua những chấn song ban công, một hình ảnh giàu sức gợi về cuộc đời của thi sĩ

Từ năm 1980 - 1990, Đặng Đình Hưng sống một mình trong căn hộ ở tập thể C4 Giảng Võ nhờ "lộc" từ giải Chopin của con trai Đặng Thái Sơn. "Căn hầm" của ông thành chiếu rượu của đủ các anh tài Hà Nội. 

Ngoài những bạn bè cùng nhóm Nhân văn Giai phẩm như Văn Cao, Tử Phác, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Cung..., còn có bộ tứ danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái...

Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng đầy nổi niềm trong ống kính Hà Tưởng

Chân dung họa sĩ Nguyễn Sáng đầy nổi niềm trong ống kính Hà Tưởng

Nhạc sĩ Thụy Kha bấy giờ khá gắn bó với các văn nghệ sĩ đàn anh, kể khi uống rượu, Đặng Đình Hưng thường trình diễn thơ mình bằng lối rất lạ, quá nhập tâm. Bài Khóc Mỵ Châu của ông được ông trình diễn luôn trong trạng thái "lên đồng". Có đoạn ông khóc thật, có đoạn lại lẩm nhẩm, ề à.

Khoảnh khắc bữa rượu mà Hà Tường ghi ảnh lại, Đặng Đình Hưng với ánh mắt nhìn xuống nhưng lại xa xăm, trên gương mặt như bị một nỗi buồn vạn kiếp kéo xuống, trĩu nặng. Trần Dần thì nhìn thẳng, vừa nghiêm nghị, vừa như muốn hỏi bao điều. Dương Bích Liên gầy gò ngồi duỗi dài chân, phong thái tự do nhưng vẫn cứ lịch lãm đã thành phong cách đặc trưng của họa sĩ tài hoa này. Đối diện là Nguyễn Sáng đang cầm chén rượu đưa lên môi nhìn thẳng bạn mình.

Đó là quãng giữa những năm 1980, vài năm sau thì Đặng Đình Hưng mất (1990), trong niềm thương nhớ con khôn nguôi mà con không thể về từ biệt bố lần cuối. Ông nhất định không cho con về vì "nhớ thương con để trong lòng, đời bố đã đi tong cả đời bố rồi, đời con phải khác...". Ông sợ con mình về rồi sẽ không thể đi được nữa. Những năm tháng cuối đời một mình lủi thủi, thương vời đứa con xa, ông có bạn bè bên chén rượu suông.

Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên thì cũng một khối cô đơn thăm thẳm. Khác nhiều trí thức, văn nghệ sĩ sau khi tham gia kháng chiến ở Việt Bắc trở về đã nhận được những chức trách lãnh đạo khác nhau trong ngành văn hóa, nghệ thuật, hai ông (cùng với Nguyễn Tư Nghiêm và sau này có thêm Bùi Xuân Phái) được biên chế vào tổ sáng tác của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, và chỉ ngồi nhà sáng tác.

Nhưng chẳng phải chính nhờ một lối riêng ấy mà mỹ thuật Việt có thêm một bộ tứ danh họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, sau bộ tứ lừng lẫy Trí - Lân - Vân - Cẩn.

************

Đó là bức ảnh hiếm của người từng được vinh danh là "vua thủy tinh Đông Dương" do chính con trai ông chụp lại. Nhìn bức ảnh người nho nhã như thư sinh, hiếm ai biết ông đã hiến tặng cả gia tài khổng lồ của mình cho cách mạng.

>> Kỳ tới: Ảnh người tặng cả gia tài cho cách mạng

Kỳ 6: Chuyện chưa kể sau các tấm ảnh đặc biệt: Bùi Xuân Phái, Văn Cao qua ống kính Trần Chính NghĩaKỳ 6: Chuyện chưa kể sau các tấm ảnh đặc biệt: Bùi Xuân Phái, Văn Cao qua ống kính Trần Chính Nghĩa

Theo người cha Trần Văn Lưu, ông Trần Chính Nghĩa được gần gũi chụp ảnh những tên tuổi văn nghệ sĩ lớn nửa cuối thế kỷ 20 như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Vũ Đình Liên, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp