Đường Thạch Lam ở thị trấn Cẩm Giàng ngày nay - Ảnh: THÁI LỘC
Theo tôi, nhà người ta giàu thì đặt Mộng Điệp, Ánh Tuyết... Còn mình cứ mộc mạc chân quê, chăn trâu cắt cỏ thì cứ đặt tên cái Tý, cái Tẹo...
Lập luận của ông Trần Quang Thông thuyết phục mọi người đặt tên đường Thạch Lam cho thị trấn Cẩm Giàng
Mơ đi Dưới bóng hoàng lan
Thị trấn Cẩm Giang, Hải Dương trong những ngày này xôn xao hẳn lên với thông tin nhà đầu tư "đang xem ngày khởi công" dự án khu dân cư thương mại lớn. Tin vui về những khu phố rộng lớn, hiện đại sắp mọc lên đã đành, điều người dân phấn khởi hơn cả chính là cố trạch Tự Lực văn đoàn sẽ được "hồi sinh" trong dự án ấy.
Ông Nguyễn Ngọc Đường, chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Giang, cho biết trong 19ha dự án có phần xây dựng công viên Tự Lực văn đoàn. Kế hoạch sẽ khôi phục khu nhà ở của gia đình họ Nguyễn Tường, gồm cả khu trại Ánh Sáng - nơi sinh hoạt văn chương của nhóm Tự Lực văn đoàn, khu tưởng niệm, vườn bia, khu ẩm thực, khu lưu trú...
Khu này rộng 2,2ha, giai đoạn 1 đầu tư khoảng 80 tỉ đồng. "Mừng là nhà đầu tư và các đối tác cũng là người Cẩm Giang, các bạn quan tâm đến bộ mặt của thị trấn, đặc biệt là rất đam mê Tự Lực văn đoàn.
Đề án Công viên lưu niệm Tự Lực văn đoàn thực ra đã có từ lâu, nhưng trước đây người ta e ngại vấn đề chính trị cho nên nó chậm, giờ thì tốt rồi, đã có những bước tiến triển tốt, chúng tôi đang báo cáo huyện để tìm ngày triển khai" - ông Đường cho biết.
Dẫn tôi tham quan một vòng, ông Trần Quang Thông rất đỗi vui mừng trước vận hội đang mở ra cho thị trấn quê hương mà ông một thời làm phó bí thư thường trực Đảng bộ.
Ông diễn giải: địa danh trước đây mang tên Cẩm Giang, nghĩa là sông Gấm. Sau vì kỵ húy chúa Trịnh Giang nên mới gọi Cẩm Giàng. Khi ông còn đương chức, Cẩm Giàng chưa đến nửa cây số vuông, khoảng 2.000 dân. Cuối năm 2019, thị trấn Cẩm Giang "tái thành lập" từ việc sáp nhập thị trấn Cẩm Giàng và xã liền kề Kim Giang, quy mô bề thế, rộng hơn 5,5 cây số vuông và hơn 8.000 dân...
Tôi như nương theo cảm xúc mãnh liệt của ông Thông khi cùng tản bộ trên đường Thạch Lam, dần tiến vào đất xưa Tự Lực văn đoàn. Đường Thạch Lam nay đổ nhựa, nhỏ và khá ngắn, khoảng 300m từ đường Độc Lập đến tiếp giáp đường sắt. Tuyến đường sau mấy năm đổi thay nhiều, đoạn đầu nhà cửa đã dần san sát, không còn vắng vẻ như trước đây.
Ông Thông nói khi đặt tên đường Thạch Lam, mọi người cùng tán thành ý tưởng trồng hoàng lan hai bên đường. "Cháu thấy không, nếu bây giờ đang tản bộ "dưới bóng hoàng lan", trên con đường mang tên tác giả dẫn vào bối cảnh của tác phẩm Dưới bóng hoàng lan, cố trạch Tự Lực văn đoàn thì hay biết mấy mà kể" - ông mơ ước...
Cụ Nguyễn Thanh Đạm (trái) kính cẩn nhang khói các nhà văn Tự Lực văn đoàn trong khu vườn văn năm xưa - Ảnh: THÁI LỘC
Bộ tên đường độc đáo
Ông Trần Quang Thông kể "bước đi dũng cảm" đầu tiên khi đặt tên đường Thạch Lam cho thị trấn do chính ông khởi xướng. Giữa thập niên 1990, khi manh nha đặt tên cho năm tuyến đường trong thị trấn, nhiều người đề xuất những danh nhân: Chu Văn An, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung... Nhìn các tuyến đường ngắn, nhỏ hẹp, khá nhất là đổ cấp phối, còn lại là đường mòn, bụi mù mùa nắng, lầy lội mùa mưa, đạp xe không khéo là té ngã.
"Tôi bảo rằng "y phục xứng kỳ đức", những danh nhân tầm cỡ đến như vậy mà đặt tên cho những con đường nhỏ thì như khoác áo nhầm, không xứng vai, nếu không nói là quá bôi bác. Đất mình thế nào thì đặt thế ấy, nó sát thực với địa phương mình".
Ông nêu phương án: con đường chính từ cầu Giằng đến cuối chợ nên đặt tên để kỷ niệm ngày Cẩm Giàng tách ra thành đơn vị hành chính độc lập vào năm 1958. "Chẳng nhẽ gọi đường Tách Ra à? Nó không đúng, cho nên đặt Độc Lập, đường ấy thuộc về nhân dân".
Rồi một tuyến đường khác được đặt Vinh Quang, kỷ niệm sự kiện giành chính quyền đầu tiên; huyện Cẩm Giàng được giải phóng, vinh quang các truyền thống cách mạng. Còn đường Chiến Thắng thì kỷ niệm chiến thắng cuộc chiến tranh phá hoại thời chống Mỹ. Một tuyến đường nhỏ khác được đề xuất Thanh Niên, nhằm ghi công thành tích lực lượng san bằng mặt bằng thị trấn sau chiến tranh phá hoại những năm 1970.
Một tuyến đường đất nhỏ còn lại, ông Thông đề nghị đặt tên đường Thạch Lam: "Tôi lập luận thế này: ông ấy tròn trịa, ông ấy văn chương, trung dung nhất, hòa bình nhất để có thể đặt tên. Cả cái dòng họ, gia đình người ta sống ở Cẩm Giàng không có điều tiếng gì, chỉ toàn những điều tốt đẹp mà thôi.
Hơn nữa, con đường đất nhỏ lúc ấy nó cũng ba đào, cũng khổ ải, cũng chìm nổi như là số phận của gia đình ấy. Đặt tên đường Thạch Lam để kỷ niệm một dòng họ đã sống ở đây và nổi tiếng bằng văn chương cho quê hương này. Những tên khác của gia đình, của dòng văn học nổi tiếng ấy thì khó ai dám đặt. Hỏi ý kiến thì mọi người đồng ý, sau đó hội đồng thông qua".
"Chính thống hóa" một dòng văn học
Đặt được tên đường Thạch Lam đầu tiên ở miền Bắc được xem là một thắng lợi, thị trấn Cẩm Giàng đã có "từng bước đi dũng cảm" tiếp theo để tôn vinh những tên tuổi và dòng văn học Tự Lực văn đoàn gắn liền với mảnh đất này. Năm 2007, thị trấn tiếp tục tổ chức tọa đàm chuyên đề Văn chương Tự Lực văn đoàn với thị trấn Cẩm Giàng.
Sau khi gây được tiếng vang, thị trấn tiếp tục "tấn tới" tổ chức tọa đàm Văn chương Thạch Lam với thị trấn Cẩm Giàng. Hai cuộc tọa đàm thành công ngoài mong đợi, nó như những bước vận động hành lang để cho các cấp lãnh đạo hiểu và biết giá trị của những tên tuổi và một dòng văn học lớn, một danh thơm cho quê hương rất đáng tự hào.
Đến năm 2008, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Cẩm Giàng, thị trấn đứng ra tổ chức hội thảo quốc gia về Tự Lực văn đoàn. Hàng chục tên tuổi lớn, nhà nghiên cứu đầu ngành trung ương về tham gia với những kết luận xác đáng. Cuộc hội thảo thành công ngoài mong đợi... "Cháu thấy không, từ chỗ không dám gì cả, mà được đánh giá như thế này thì nâng tầm Tự Lực văn đoàn lên ở mức độ như thế nào" - ông Thông nhớ lại.
Tháng 7-2016, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Cẩm Giàng, Ban thường vụ Huyện ủy cho in sách Đất và người Cẩm Giàng, trong đó rất nhiều lần nhắc đến Tự Lực văn đoàn và những nhà văn trong nhóm như là "những điểm đặc sắc và đáng tự hào nhất về mảnh đất và con người Cẩm Giàng".
Đọc những dòng trong sách nhiều người sẽ thấy Đảng bộ huyện tự hào lắm khi mảnh đất này là nơi phát tích văn chương của nhóm Tự Lực văn đoàn, và là bối cảnh nguyên mẫu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ và nhiều tác phẩm nổi tiếng khác của nhà văn Thạch Lam.
Nào là: "Hình ảnh của thị trấn Cẩm Giàng đã đi vào nhiều tác phẩm của nhà văn trong nhóm (Tự Lực văn đoàn), đặc biệt là trong các truyện ngắn, tiểu thuyết của Thạch Lam, Nhất Linh, Khái Hưng. T
ruyện ngắn Hai đứa trẻ đã khắc họa rất đậm nét nhà ga Cẩm Giàng và cuộc sống của người dân xoay quanh nó. Dưới bóng hoàng lan, Gió lạnh đầu mùa... là những truyện ngắn đậm chất thơ mà khung cảnh trong đó được lấy nguyên mẫu từ chính mảnh đất Cẩm Giàng. Hay khung cảnh trong tiểu thuyết Xóm cầu mới của Nhất Linh cũng là thị trấn Cẩm Giàng với cây cầu ngày nay vẫn còn tồn tại".
**********
Có bao giờ đi dưới rợp bóng xanh đường Pasteur, Alexandre De Rhodes, ai đó tự hỏi bao tên đường đã gắn lên lại bị hạ xuống theo đổi thay thời cuộc, nhưng những tên đường "Tây" này vẫn còn đó...
>> Kỳ cuối: Những tên đường "Tây" còn đó với Sài Gòn
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận