Ông Don Di Lam nhiều năm gắn bó với thị trường tài chính Việt Nam - Ảnh: BÔNG MAI
"Tại sao gọi đầu tư VN? Nghe nói còn chiến tranh!"
"20 năm TTCK VN, trời, nhanh quá" - ông Don Di Lam (người Canada gốc Việt) thốt lên khi tôi gợi nhắc trong một sáng tháng 7.
Chứng khoán hoạt động tại VN 20 năm thì ông Don đã có 17 năm bôn ba khắp chốn gọi nhà đầu tư nước ngoài rót tiền vào doanh nghiệp Việt. Ngoài làm phó Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, ông còn là phó chủ tịch Hội đồng nghị sự toàn cầu về ASEAN (Diễn đàn Kinh tế thế giới), giám đốc điều hành VinaCapital.
Ngồi trên tầng 17, ngắm đô thị TP.HCM qua ô cửa trong suốt, ông kể về cơ duyên mở quỹ đầu tư. Vừa tốt nghiệp Đại học Toronto, Don làm ngay một số nghiên cứu về các nước châu Á và đặc biệt là VN, nơi ông sinh ra.
"VN những năm mới mở cửa có rất nhiều ưu thế, cơ hội đầu tư" - ông Don hào hứng. Về nước, 9 năm đầu làm ở PricewaterhouseCoopers VN, ông trải nghiệm tinh thần khởi nghiệp, kinh doanh của người Việt. "Một nhà nghiên cứu lâu lắm rồi từng nói 1 triệu USD đầu tư thì giúp được trực tiếp, gián tiếp ít nhất 100 người. 10 triệu USD đầu tư vào xưởng chỉ có 200 nhân công, nhưng họ nuôi sống người thân, ăn uống, chi tiêu tại hàng quán, nên giúp được 1.000 người" - ông Don chia sẻ. Năm 2003, ông cùng đối tác khởi nghiệp VinaCapital, công ty quản lý quỹ đầu tư hiếm hoi tại thị trường lúc đó.
Từ những ngày đầu TTCK mở cửa, ông Don cùng nhiều lãnh đạo Nhà nước, doanh nghiệp rảo khắp Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Mỹ, Hàn… để gọi vốn. "Chúng tôi bay xuyên đêm để tiết kiệm tiền phòng. Ai cũng thèm ăn đồ Việt nên vali chất đầy mì gói và ớt tươi. Sáng sớm hạ cánh vào họp ngay với các đối tác" - ông Don nhớ lại.
"Hơn chục năm trước, nhà đầu tư nước ngoài không hiểu VN, vừa đặt vấn đề họ "đánh" luôn câu hỏi: "Tại sao gọi đầu tư VN? Rủi ro rất cao, tôi nghe nói VN còn chiến tranh!". Chưa kể, thời điểm đó luật đầu tư cũng chưa rõ ràng. Họ nghĩ nếu đầu tư cả trăm triệu đô vào nhà máy dài hạn 10-30 năm, "liệu luật đầu tư bên anh (VN) có bảo vệ tôi không" - ông Don từng bị chất vấn.
Thêm vào đó, lúc đầu có nhà đầu tư tới sớm nhưng không thành công, tin phao ra nước ngoài không tốt. Không bỏ cuộc, cả đoàn ra sức thuyết phục. "Lúc mình trình bày, họ quyết định ngay tại chỗ chọn VN, không thể tưởng tượng cả đoàn vui mừng đến mức nào. Buổi chiều họp xong, trời lạnh, anh em co ro lội bộ về phòng nhưng ai cũng phấn khích" - ông Don kể.
Dòng tiền ngoại "kích thích" doanh nghiệp nội
Trong hành trình thương thuyết, ông Don cũng cầm được số vốn khối ngoại gửi gắm vào một quỹ do ông đồng sáng lập, để "chọn mặt gửi vàng". Khoản đầu tư đầu tiên hơn 3 triệu USD được ông rót vào bánh kẹo Kinh Đô.
"Lúc đó Kinh Đô là công ty gia đình, chất lượng tốt, bánh ngon, nhưng mệt mỏi với sản phẩm Thái Lan, Malaysia, Indonesia… vì họ có bao bì rất đẹp" - ông Don nói. Và Kinh Đô dùng số tiền trên mua thêm vài dàn máy làm bánh kẹo, sản xuất bao bì, tiền đề tái định hướng sản xuất kinh doanh, chú trọng phục vụ trong nước, từng bước thâm nhập thị trường khu vực và quốc tế. Được đà phát triển, vài năm sau Kinh Đô tiến thẳng lên sàn chứng khoán…
17 năm ròng, chỉ riêng quỹ này đã kéo về hơn 5 tỉ USD phục vụ hơn 100 công ty, dự án ở VN. Quỹ đầu tư tạo dòng tiền mới cho TTCK, cung cấp khoản đầu tư tài chính trung và dài hạn cho công ty VN, gia tăng năng lực tài chính, mở rộng quy mô, phạm vi hoạt động, tạo thêm công ăn việc làm. Tuy nhiên, ông Don nhận ra thời kỳ đầu cả quỹ đầu tư lẫn doanh nghiệp đều "lệch pha".
Đa số các quỹ đầu tư được niêm yết tại sàn chứng khoán nước ngoài, ban quản lý quỹ thường yêu cầu minh bạch, đầy đủ thông tin. Chính đòi hỏi này giúp thị trường vốn trong nước từng bước hoàn thiện.
"Hơn chục năm trước, chuyện kiểm toán công ty tư nhân khá xa lạ. Sau này nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào, họ biết không đàng hoàng là không huy động được vốn, nên giờ nhiều công ty VN vẫn thuê người kiểm toán họ trước cả khi mình nói" - ông Don vui vẻ.
Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM thời kỳ mới khai trương - Ảnh: T.T.DŨNG
Từ Hàn Quốc bay sang Việt Nam mở công ty chứng khoán
Trong khi ông Don là người gốc Việt trở về lập nghiệp, thì ông Kang Moon Kyung (tổng giám đốc Mirae Asset VN) lại là một người Hàn bước vào chứng khoán VN.
Cuộc trò chuyện bắt đầu với chi tiết năm 2007 ông Kang nhận lệnh tập đoàn, lập tức bay đến VN nghiên cứu thị trường. Ông Kang nhớ rõ lúc này GDP VN đang ở giai đoạn phát triển nhanh, mức tăng trưởng bình quân trên 7%/năm. Cuối năm 2006, VN chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), theo đó công ty vốn nước ngoài có quyền sở hữu 49% cổ phần, sau 5 năm được chuyển thành 100% vốn nước ngoài.
"Đây chính là thời điểm thị trường VN trở nên hấp dẫn hơn với các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng tôi bị thôi thúc khi tận mắt chứng kiến VN phát triển" - ông Kang bày tỏ. Nhìn rõ tiềm năng, ông lập tức báo về Tập đoàn Mirae Asset ở Hàn Quốc, thuyết phục thành lập văn phòng đại diện quản lý quỹ đầu tư, quản lý 120 triệu USD.
Tuy nhiên, năm 2007, sáng thức dậy giá cổ phiếu tăng vùn vụt, lệnh đặt mua bên ông Kang bỗng lạc hậu. Tiếp đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đẩy cổ phiếu rớt giá la liệt. "Tôi căng thẳng tột độ" - ông Kang tâm sự.
Vừa làm vừa cầm cự, khó dồn khó: "Mặt bằng chung thị trường nhân sự VN lúc đó còn ở giai đoạn khởi đầu, chưa nhiều nhân sự có kinh nghiệm, trình độ cao" - ông Kang cho biết. Song song tập trung tuyển dụng thành viên nòng cốt, có kinh nghiệm, kiến thức tài chính chứng khoán, ông còn tuyển một nhóm 12 nhân sự Việt là sinh viên giỏi, vừa tốt nghiệp đại học để cử sang Hàn huấn luyện.
"Sau 13 năm nhìn lại, tôi vô cùng ấn tượng với những phát triển, tiến bộ của VN hiện nay so với giai đoạn tôi mới qua VN" - ông Kang chia sẻ. Từ con số khiêm tốn, đến nay VN có 74 công ty chứng khoán, vốn hóa thị trường đạt 4 triệu tỉ đồng. Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) công bố lũy kế 7 tháng đầu năm 2020 đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại VN, Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 2,8 tỉ USD.
Là người Hàn gắn bó ở VN hơn một thập niên, ông Kang chia sẻ bản thân đã cố gắng thuyết phục nhà đầu tư ngoại, đặc biệt nhà đầu tư Hàn, hướng dòng tiền vào chứng khoán Việt. Vượt sóng gió, giờ công ty ông Kang đang điều hành đã tăng vốn điều lệ gần 5.500 tỉ đồng, top đầu các công ty chứng khoán. VN cũng trở thành nơi ông và gia đình xây dựng tổ ấm.
"Đối với tôi, từng giai đoạn kinh doanh tại VN đều đem lại ấn tượng khó quên. Tôi cũng không thể nào quên khoảnh khắc được cấp phép hoạt động công ty. Dù đây là bước cơ bản nhưng thể hiện cam kết chào đón và hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và Chính phủ đối với doanh nghiệp nước ngoài như chúng tôi" - ông Kang bồi hồi.
VinaCapital cho rằng ước tính các nước phát triển đang "bơm" khoảng 6.000 tỉ USD cứu trợ các nền kinh tế ảnh hưởng COVID-19. VN cần tận dụng thời cơ hút vốn nước ngoài đầu tư gián tiếp (FII) qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, nhằm nâng đỡ TTCK.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - đầu tư) thống kê năm 2019 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào VN đạt 38,02 tỉ USD, riêng FII góp 15,47 tỉ USD.
"Lúc mới ra TTCK VN, khó có thể hình dung chúng ta có doanh nghiệp tỉ đô. Nhưng đến nay chúng ta có trên 20 doanh nghiệp tỉ đô. Sự phát triển của TTCK cũng là điểm thăng hoa cho khu vực kinh tế tư nhân Việt phát triển".
Kỳ tới: Chắp thêm cánh cho TTCK Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận