12/02/2014 08:05 GMT+7

Chuyện cây cầu của người Ja Rai

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Sông Ba đoạn từ thị trấn Phú Túc (huyện Krông Pa, Gia Lai) rộng mênh mông nhưng lâu nay người qua sông phải tròng trành trên những chuyến đò đầy bất trắc do cầu Bung - cây cầu bêtông duy nhất nối các xã phía tây với trung tâm huyện - đã đổ sập.

HgwtEPZm.jpgPhóng to
Một trong hai cây cầu gỗ được tập thể người dân đóng góp công sức tạo nên nối đôi bờ sông Ba đoạn qua xã Ia Rmok (huyện Krông Pa, Gia Lai) - Ảnh: B.D.

Thương người làng, thương thầy cô giáo và người đau yếu mỗi lần qua sông đi bệnh viện... những người Ja Rai ở Krông Pa đã góp công góp sức dựng những cây cầu gỗ nối liền đôi bờ sông Ba.

Cây cầu của Dhua

Kpă Dhua đứng trên cồn đất nơi ngôi nhà được thưng bằng ván gỗ của gia đình anh nhìn xuống dòng sông Ba. Con nước vẫn đục ngầu nhưng không còn hung xiết như hồi giữa mùa mưa nữa, những tấm ván cuối cùng cũng đang được thanh niên mạnh khỏe của làng ghép lại trên mặt cây cầu gỗ dài thườn thượt.

Nhưng chiếc cầu mà Kpă Dhua đang cùng thanh niên làm không phải là cầu đầu tiên bắc qua sông Ba. Nhiều người ở buôn Blak nhớ như in cái ngày Kpă Dhua ôm đống dây rừng rồi chèo thuyền căng dây qua tít mạn bên kia bờ sông Ba. Có người chợt hỏi: “Ối thằng Dhua, mày làm gì đấy?”. Người đàn ông Ja Rai ở độ tuổi 35 đáp dõng dạc: “Tao căng dây qua sông để làm cái cầu cho bà con đi. Đi đò riết thấy khổ quá, mà cầu mới thì Nhà nước nói còn lâu nữa mới xong”.

Nghe đến hai từ “làm cầu”, nhiều người che miệng cười. Dòng sông Ba qua buôn Blak phình to như bụng con mang no cỏ, thanh niên bơi đến bên kia bờ thì đo được đúng 360 sải tay, rộng thế sao mà làm cầu? “Thật sự là người làng không tin sẽ dựng được cầu, nhưng mình từng đi bộ đội rồi, cùng đồng đội làm cầu gỗ bắc qua sông cho bà con rồi nên việc dựng một cây cầu tạm chỉ cần thanh niên chịu khổ một tí là làm được” - Dhua nhớ lại.

Tháng 4-2012, khi con nước ở sông Ba chảy về yếu dần, trẻ con có thể lội qua sông, phụ nữ phải ra giữa dòng để giặt áo thì người đàn ông vạm vỡ của làng Blak cầm cây cọc nhọn chèo thuyền ra chỗ sâu nhất cắm chiếc chân cầu đầu tiên. Lòng sông dù cạn nhưng cát dày có khi tới hàng mét, để có thể cắm cọc gỗ xuống mặt sông vững chắc thì không thể dùng búa đóng từ trên xuống được mà Dhua phải đứng trên thuyền lắc qua lắc lại để chiếc cọc tự cắm sâu xuống cát.

Ròng rã ba tuần, hàng cọc gỗ làm trụ cầu đã được Dhua bền bỉ dựng dày đặc giữa sông Ba. Nhiều người trầm trồ khen “Kpă Dhua thế mà giỏi” đã bắt đầu tin về một cây cầu chinh phục sông Ba. Đêm ấy sau cuộc họp làng, các chủ đò từng chở người dân qua lại trên sông Ba đến nhà Dhua xin cùng được... làm cầu. “Họ nói do trước đó thấy sông Ba dài quá, không tin bắc được cầu. Giờ thấy Dhua làm tài quá, khổ quá nên họ làm cùng Dhua” - Kpă Dhua kể lại.

Sông Ba những ngày làm cầu đó có lẽ là những ngày náo nhiệt nhất. Hàng trăm con người trong cộng đồng đã cùng góp công sức cho cây cầu của người Ja Rai. Đêm đêm trên sông Ba đoạn qua buôn Blak hàng đèn điện được thắp sáng để thanh niên đóng ván cầu, ban ngày từ sáng đẫm sương đến chiều lạnh buốt người làng vẫn miệt mài để sớm khánh thành cầu.

Giữa tháng 5-2012, cây cầu đầu tiên bắc qua sông Ba của người Ja Rai đã được thông xe. Người Ja Rai xầm xì: “Cái nước sông Ba chảy mạnh thế mà cũng bắc cầu được, tài thật!”.

Cầu “hợp tác xã”

Giờ đây nếu muốn sang thăm những buôn làng của người Ja Rai còn nhiều tập tục hoang sơ ở bên kia bờ sông Ba, người ta có thể chạy xe máy phóng một mạch qua hai cây cầu gỗ dài thườn thượt nối đôi bờ.

Sau khi chứng kiến câu chuyện Kpă Dhua làm cầu, một nhóm hộ Ja Rai khác cũng góp gỗ dựng thêm một cây cầu kế bên để phục vụ người dân qua sông. Ở hai đầu cầu, hai nhà gỗ được dựng lên để người dân “mua vé”. Trước đây đi đò mất 10.000 đồng/lượt, nhưng giờ qua cầu vừa an toàn hơn, nhanh hơn mà giá cả cũng như thế. Câu chuyện bắc cầu và thu phí cũng là lối “hạch toán kinh tế” đầy mới mẻ của người Ja Rai.

Kpă Dhua cười thật thà: “Lúc đầu cũng tính không thu tiền đâu, làm cho bà con đi thôi. Nhưng làm mấy cái, nước sông Ba từ núi kéo về cứ làm trôi miết nên phải bỏ tiền mua gỗ, mua đinh. Mấy anh em bảo nhau: phải tính cách “hạch toán kinh tế” chứ không thì đến lúc phải dỡ nhà ra lấy gỗ làm cầu mất”.

Cây cầu đầu tiên được làm bằng công sức, gỗ lạt tự kiếm của người làng. Nhưng chỉ được tròn bốn tháng, tới tháng 9-2012 khi mùa xả lũ trên sông Ba bắt đầu thì người làng ngậm ngùi nhìn cầu chìm trong nước xiết. Lũ rút, cầu chỉ còn lại lơ thơ vài ba hàng cọc. Để có thể làm cầu mới, những người có của cải và thường xuyên chờ đò qua sông đã cùng nhau ngồi lại bàn bạc rồi tính toán: tiếp tục làm cầu! Nước sông Ba hung hãn về mùa mưa thì cầu được dựng về mùa khô, nước về thì dỡ ván ra đợi qua mùa mưa đóng ván lại. Những người Ja Rai cũng quyết định sẽ thu tiền để bù lại chi phí.

Tháng 4-2013, sau hai lần làm cầu bị nước lũ kéo về cuốn chìm, cây cầu thứ ba được bắc qua sông Ba cùng trên một vị trí. Cây cầu này được góp bằng sức lực của người làng và tiền bạc của bốn chủ hộ theo mô hình “hợp tác xã”: Ksor Thuôn, Kpă Dhua, Kpă Wik, Nay Tắk. Đây cũng là lần đầu tiên người Ja Rai ở Ia Rmok biết đến mô hình hợp sức làm cầu, góp vốn thành “hợp tác xã” cùng làm ăn. Dựng xong cầu, những chủ cầu cắt cử người đứng ra thu phí người đi lại. Ksor Thuôn nhẩm tính: “Mỗi lần dựng cầu tốn khoảng 200 triệu đồng, mỗi lượt qua cầu thu 5.000-7.000 đồng, mỗi ngày thu được khoảng 1,5 triệu đồng. Với cách tính toán này, phải mất năm tháng mới thu lại được tiền vốn. Nghĩa là tới tháng 9 cầu sẽ hoàn vốn. Lúc này con nước sông Ba cũng bắt đầu kéo về, cầu gỗ lại trôi”...

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp