Bà Vi Thị Kim Niên: “Tại sao bằng khen ký năm 1987 mà không phát lúc đó, đợi khi mấy cụ chết hết mới trao tặng?” - Ảnh: Bửu Đấu |
Sau khi vụ việc được phát hiện, cơ quan chức năng tỉnh An Giang đã vào cuộc, lập đoàn thanh tra liên ngành làm việc với huyện và cơ sở, tổng kiểm tra, rà soát các chế độ đối với hàng trăm trường hợp người có công, gia đình chính sách bị bỏ quên, với cam kết “không để đối tượng chính sách nào bị thiệt thòi” và làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị.
Nhức nhối lòng người
Nhưng vấn đề không nằm ở chỗ “khắc phục hậu quả” hay “bù lỗ” cho sự thiệt thòi của người có công do tiền thưởng bị mất giá qua mấy mươi năm, mà quan trọng hơn là yêu cầu xử lý trách nhiệm những người liên quan.
Bên cạnh đó là đòi hỏi phải có giải pháp hoàn thiện cơ chế chính sách và thực thi hiệu quả, trách nhiệm rõ ràng, công khai, minh bạch một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với người có công nhìn từ cấp địa phương.
Tại sao khi một cán bộ phụ trách lao động - thương binh và xã hội chết mới phát hiện vụ việc bị bỏ quên 30 năm liên quan đến hàng trăm người có công? Đó không thể là do sơ suất của một cá nhân mà thuộc về trách nhiệm của cả bộ máy được giao thực hiện một chính sách lớn, đòi hỏi phẩm chất đạo đức công vụ, thể hiện cái tâm của người làm chính sách “đền ơn, đáp nghĩa”.
Thực hiện chính sách ưu đãi người có công là nghĩa vụ của chúng ta, thể hiện sự ghi nhận, trân trọng những cống hiến của họ đối với đất nước. Đó không chỉ là công vụ, dựa trên nền tảng pháp luật, mà còn mang tính nhân văn, dựa trên nền tảng đạo đức và đạo lý “uống nước nhớ nguồn”.
Đó cũng không chỉ là thái độ ứng xử của hiện tại đối với quá khứ mà còn đối với tương lai, mang ý nghĩa giáo dục cho thế hệ trẻ về trách nhiệm, ý thức rèn luyện, phấn đấu vươn lên để cống hiến cho sự nghiệp gìn giữ, xây dựng và phát triển đất nước, bảo vệ những giá trị tốt đẹp, những thành quả to lớn mà cha ông xây đắp nên.
Qua báo Tuổi Trẻ, người đọc rưng rưng với tâm sự của bà Vi Thị Kim Niên, con ông Vi Văn Tòng, một trong hàng trăm trường hợp người có công bị bỏ quên: “Mấy ổng kêu làm giấy ủy quyền để nhận bằng khen nên anh em tui mất ăn mất ngủ đi làm giấy tờ liền. Tại sao bằng khen ký năm 1987 mà không phát lúc đó, đợi khi mấy cụ chết hết mới trao tặng?”.
Câu hỏi đó làm nhức lòng người.
Công khai đến tận cộng đồng dân cư
Vụ việc ở An Giang là bài học chung, nhưng đừng để bài học trách nhiệm này cán bộ học hoài không thuộc, rút kinh nghiệm hoài mà vẫn còn phải rút. Cần quan tâm mấy việc sau đây:
Một là, tránh cách làm “theo đuôi sự việc”, tức khi có sai phạm xảy ra mới kiểm tra, xử lý. Mà cần có cơ chế kiểm tra và chủ động rà soát, quy trách nhiệm cho từng cán bộ, ngành chức năng.
Cần nhớ rằng cách đây mấy năm, các địa phương đã thực hiện chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 27-10-2013 của Thủ tướng Chính phủ về chương trình “Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong 2 năm 2014-2015”. Nhưng tại sao hàng trăm trường hợp này vẫn không được phát hiện? Liệu có còn trường hợp tương tự như An Giang nào nữa không? Nên việc rà soát, kiểm tra phải thực chất, xử lý đến nơi đến chốn các sai phạm.
Hai là, cần tiến tới ứng dụng tốt công nghệ thông tin quản lý việc thực thi chính sách người có công từ trung ương đến cơ sở, địa bàn dân cư với yêu cầu công khai, minh bạch hơn, đến tận cộng đồng dân cư. Làm như vậy, vừa gắn việc vinh danh đóng góp của người có công và giáo dục truyền thống, vừa tăng cường kênh thông tin giám sát của người dân trong việc thực thi các chính sách người có công, để việc thực hiện chính sách quan trọng này không bị đóng khung trong ranh giới các cơ quan hành chính mà là trách nhiệm chung của cộng đồng.
Ba là, cần xã hội hóa hoạt động ưu đãi người có công với cách mạng, thiết lập mối quan hệ chặt chẽ giữa ba chủ thể Nhà nước, đối tượng ưu đãi và cộng đồng, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để thực hiện chính sách người có công với thái độ trân trọng, trách nhiệm cao phải là phương châm công tác của cán bộ lao động, thương binh - xã hội và yêu cầu công tác của cấp ủy, chính quyền thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận