Tác phẩm Tuất của họa sĩ Vũ Hiệp
Ở đây xin hóa thân để "giãi bày tâm sự" của Ki Ki Đen với Hội Bảo vệ động vật Việt Nam, khi hội ra đời năm 2018.
2. "Tôi tên là Ki Ki Đen, hiện ở quận Phú Nhuận, TP.HCM... Tôi cứ nghĩ giá như hội ra đời sớm hơn khoảng một năm thì biết đâu tôi sẽ không phải gánh chịu năm cái tang đớn đau nhất đời: vợ tôi (Ki Ki Trắng) và bốn đứa con thơ...
Chúng tôi ở trong khuôn viên một cụm sân bóng đá mini, trong một con hẻm của đường Hồ Văn Huê. Chủ của tôi là người quản lý sân, một cậu thanh niên hiền lành. Buổi tối, cổng vào sân bóng đá thường được đóng kín.
Hôm ấy, sau khi Ki Ki Trắng vợ tôi sinh được bốn ngày, vào khoảng 9 giờ đêm, cậu chủ mở cửa đi ra ngoài có việc gì đó... Thấy cổng mở, có lẽ nằm mấy ngày bị quẫn chân, Ki Ki Trắng muốn ra ngoài một chút cho thư thả, cô rứt mấy cái miệng của bầy con đang bú rồi đứng dậy bước ra cổng. Thấy bốn con tôi nhốn nháo tìm mẹ, tôi sà đến liếm liếm từng đứa...
Ngay lúc ấy, tôi nghe vợ "oẳng" một tiếng thật to bên ngoài cánh cổng. Hốt hoảng, tôi vội phóng ra, và chỉ kịp thấy một chiếc xe gắn máy có người ngồi sau vắt chiếc bao trên vai phóng mất dạng ở một khúc cua. Cùng lúc, cậu chủ tôi về tới. Tôi chồm lên trước xe của cậu tru từng hơi dài. Cậu chủ ngơ ngác không biết điều gì đã xảy ra, chỉ biết ôm đầu tôi ve vuốt...
Không thấy mẹ, bốn đứa con của tôi liên hồi kêu ẻng ẻng. Suốt đêm đó và liên tiếp mấy ngày sau, dù tôi cố liếm từng đứa đến khô cả miệng, rát cả lưỡi, và cậu chủ vụng về bón từng muỗng sữa...; bốn đứa con tôi cứ kêu ẻng ẻng liên hồi. Nhưng rồi những tiếng ẻng cứ yếu dần, yếu dần.
Đến chiều ngày thứ hai xa mẹ, đứa con út ốm yếu nhất của tôi không còn kêu nữa, nằm ngoẻo đầu qua một bên thở thoi thóp. Đến khoảng 8 giờ tối thì cháu ra đi... Ba anh chị của cháu cũng không kéo dài được bao lâu sau đó, thay cho tiếng eng ẻng là những tiếng rên khò khè yếu ớt của những bé sơ sinh...
Không sữa, không hơi ấm của mẹ, các con tôi lần lượt từ biệt cõi đời, bỏ lại tôi và cậu chủ cùng nỗi buồn đau như không đủ sức mang...
Thưa quý hội, không phải chỉ riêng tôi gánh nỗi đau thảm khốc này. Hằng ngày, trên khắp nước ta, ai biết được nỗi đau ấy đã ập xuống bao nhiêu đồng loại của tôi ở bao nhiêu "làng", bao nhiêu "chợ"... Đơn cử như ở TP.HCM: chợ chó Tân Chánh Hiệp (quận 12), chợ chó ngã ba Ông Tạ (quận Tân Bình), chợ chó Chợ Mới (quận Gò Vấp)...
Mỗi ngày, ở những nơi này đã mua, giết, bán hàng trăm anh em đồng loại chúng tôi. Thử một lần đến chợ chó Tân Chánh Hiệp vào buổi chiều, quý vị sẽ thấy những chiếc lồng sắt nhốt chật cứng những đồng loại của chúng tôi trên các chiếc xe gắn máy. Qua chiếc lồng, ắt quý vị sẽ thấy những đôi mắt sợ hãi, thất thần, những đôi mắt buồn ướt đẫm...
Thưa quý hội, thât sự tôi không hiểu vì sao chúng tôi, một loài vật được sinh ra để gắn bó với con người, yêu thương và trung thành tuyệt đối với con người, đã ở với chủ thì cả một đời dù đói no, rách rưới đến đâu, chúng tôi vẫn một dạ một lòng theo chủ. Vậy mà...".
3. Đó là tâm sự của Ki Ki Đen. Nhà tôi đối diện với sân bóng đá mini. Mỗi khi Ki Ki Đen và Ki Ki Trắng qua chơi, tôi vẫn thường tìm gì đó cho chúng ăn. Từ khi Ki Ki Trắng bị bắt, rồi mấy chó con mất, tôi chưa bao giờ thấy một con chó nào buồn bã như Ki Ki Đen: đôi mắt và cái đuôi cứ cụp xuống, thân thể gầy rộc, trông rất yếu ớt. Mỗi lần tôi gọi cho ăn, nó chậm rãi bước qua, lặng lẽ ăn rồi chậm rãi bước về, không biểu lộ một chút cảm xúc nào...
Rồi dịch COVID-19 đến, sân bóng đá đóng cửa. Cậu quản lý mang Ki Ki Đen về nhà, bặt tin. Mới đây, cậu quay lại chuẩn bị mở cửa sân bóng. Gặp, tôi hỏi thăm Ki Ki Đen, cậu như chùng xuống, nói nho nhỏ: "Nó chết rồi chú ơi". Cậu kể thêm: "Hồi cháu đưa về nhà, nó cứ kêu rên mãi, mấy lần cháu phải chở nó lên sân bóng này. Nó cứ dí mũi lục lạo khắp nơi, biểu về không chịu về...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận