Ba mẹ con cô Xuân trong căn phòng thuê trống trải - Ảnh: P.T. |
Tốt nghiệp cao đẳng nhạc họa, cô giáo Lê Thị Xuân (sinh năm 1983) cùng chồng rời quê nhà Thanh Hóa vào xã Tân Hà, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) làm việc. Cô Xuân xin đi dạy tại Trường tiểu học Tân Hà, chồng cô làm tại Phòng văn hóa thông tin của huyện.
Sau khi con đầu lòng chào đời cũng là lúc chồng cô sa vào con đường cờ bạc. Cô Xuân kể: “Anh ấy thường bỏ nhà đi vài ngày mới về. Không chỉ nướng hết tiền lương vào sòng bạc, anh còn lấy luôn những đồng tiền cuối cùng dành chi tiêu cho gia đình”. Một thời gian sau người chồng nghỉ việc, gánh nặng gia đình đổ hết lên vai cô Xuân.
Chồng cô nợ nần chồng chất, vay lãi nóng khắp nơi. Cô Xuân nói: “Các chủ nợ biết tôi là giáo viên nên cứ thẳng tay cho chồng tôi vay tiền. Thế rồi khi chồng tôi không trả được, họ đến nhà chửi bới, hù dọa và gây sức ép với tôi. Sợ mất uy tín với đồng nghiệp, với phụ huynh nên tôi cắn răng vay mượn nơi này nơi kia. Nhưng cứ trả được món này lại nợ thêm món khác, lãi mẹ đẻ lãi con đến chóng mặt”.
Với đồng lương nhà giáo vài triệu đồng một tháng phải lo ăn uống cho bốn người, lo trả nợ cho chồng, cô Xuân nói mình đã quá sức chịu đựng. Nhìn căn nhà nơi gia đình cô ở thuê mà thấy se cả lòng, trong nhà chẳng có thứ gì đáng giá, khách vào nhà cũng chỉ ngồi xuống nền...
Thương hoàn cảnh cô Xuân, một gia đình đã đồng ý cho cô mướn căn nhà trong một xóm nhỏ với giá 2 triệu đồng/năm để cô trồng rau sạch bỏ mối ở chợ. Từ đó cô dậy lúc 3g sáng cắt rau, chạy tới hai chợ gần đấy bỏ mối rồi về nhà cho con ăn uống và tới trường. Có hôm rau bán ế, “đồng nghiệp cùng trường mua giùm vì thấy tội” - cô Xuân cười buồn.
Cô còn nuôi gà và vay 100 triệu đồng của quỹ tín dụng nuôi bốn con bò. Hằng ngày sau giờ đến trường, cô đi cắt cỏ cho bò ăn, mong bò nhanh lớn bán trả nợ ngân hàng. Nhưng “số tôi không thể khá nổi. Khi mua bò còn cao giá, nuôi cả năm trời biết bao công sức đổ vào đấy, giờ bò xuống giá, bán chỉ còn 2/3 tiền vốn bỏ ra. Thế là lương 4 triệu đồng phải trả ngân hàng 3 triệu. Cả gia đình còn 1 triệu đồng, mà gửi đứa con út đã hết 600.000 đồng. Tiền điện nước nữa coi như chẳng còn đồng nào...” - cô Xuân thở dài.
Cô kể thêm có đồng nghiệp thương cũng cho mượn ít trăm để chi tiêu qua ngày rồi tới tháng lương trả lại. Cứ thế, cô Xuân cũng ráng cầm cự hết tháng này đến tháng khác. Công đoàn ngành giáo dục Hàm Tân cũng rất quan tâm tới hoàn cảnh của cô Xuân, cô nói: “Đã có vài lần tôi được nằm trong danh sách hỗ trợ xây nhà nhưng lại không có tấc đất ở nào...”.
Chia tay cô Xuân, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi câu nói của cô: “Hơn mười năm nay tôi chưa được về quê thăm gia đình. Hai cháu sinh ra chưa biết mặt ông bà. Nhớ ba mẹ chỉ biết gọi điện hỏi thăm. Muốn về mà ngại vì xa quê bao năm mà về nhà vẫn hai bàn tay trắng”...
Nhận xét về cô Xuân, cô Lữ Thị Minh Nhi, hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Hà, nói: “Dù hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng cô Xuân vẫn luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, dạy học nhiệt tình và luôn yêu thương học sinh”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận