Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng "chuyển Bộ Công an quản lý đào tạo, sát hạch lái xe là không hợp lý" - Ảnh: VIỆT DŨNG
Sáng nay 16-11, Quốc hội đã họp phiên toàn thể để thảo luận dự án Luật giao thông đường bộ (sửa đổi). Trong nửa buổi sáng, chưa có ý kiến bảo vệ việc tách Luật giao thông đường bộ làm hai luật là Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trong khi đó, tất cả các ý kiến đề cập đến vấn đề này đều bày tỏ không đồng tình tách luật.
Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) cho biết: "Phần lớn các quốc gia trên thế giới họ làm luật về giao thông với các tên gọi khác nhau như luật an toàn giao thông hay luật giao thông đường bộ, nhưng đều điều chỉnh các thành tố tương tự như luật giao thông đường bộ của chúng ta hiện nay".
Ông khẳng định bảo đảm an toàn giao thông là mục tiêu rất quan trọng, mức độ an toàn giao thông phụ thuộc vào các thành tố là kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện, người điểu khiển và người tham gia giao thông chứ không riêng gì thành tố nào. Nếu tách luật ra để hai bộ quản lý nhà nước thì sẽ chồng chéo, bất cập.
"Các luật khác về đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không cũng đang có kết cấu điều chỉnh bốn thành tố như luật giao thông đường bộ, mang tính quy chuẩn. Tách luật giao thông đường bộ sẽ phá vỡ tính logic, đồng bộ trong hệ thống pháp luật", ông Thắng bày tỏ.
Phân tích thêm, đại biểu Thắng cho rằng trong trường hợp tách làm 2 luật, thì phải đổi tên Luật giao thông đường bộ thì mới đúng nội hàm vì khi đó chỉ còn hai thành tố là kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông, theo đó phải đặt là Luật kết cấu hạ tầng và phương tiện giao thông.
Theo phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Thị Dung, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 chỉ có tên Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), không có tên Luật bảo đảm an toàn giao thông đường bộ, nhưng chưa được báo cáo rõ ràng với Quốc hội, việc đánh giá tác động của luật cũng chưa đầy đủ.
"Tôi đồng ý với phân tích của đại biểu Hoàng Đức Thắng và đề nghị để lại, đánh giá kỹ lưỡng, để Quốc hội khóa XV xem xét dự án luật này", bà Dung bày tỏ.
Đồng tình với các ý kiến trên, đại biểu Cao Văn Trọng (Bến Tre) cũng cho rằng "tách làm hai là chưa phù hợp lắm". Theo ông, đọc hai dự thảo luật thì thấy rằng có những nội dung lặp đi lặp lại. Vì vậy, ông đề nghị chỉ sửa đổi, bổ sung Luật giao thông đường bộ hiện hành để đảm bảo tính đồng bộ của luật.
"Đường bộ liên quan đến các loại đường khác, đặc biệt là đường sắt, hàng không..., do đó nếu tách ra sẽ bất cập trong quản lý, gia tăng thủ tục hành chính", đại biểu Trọng phân tích.
Quan sát quá trình các cơ quan của Chính phủ xây dựng dự án luật, ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng chính phủ trình dự án luật này trong tình trạng hơi gấp rút. Chính phủ cũng băn khoăn về việc tách luật, do đó mới ghi vào biên bản trình hai phương án tách hoặc không tách. Như vậy phải chăng là quá trình làm luật cũng nửa vời".
Ông Xuyền nêu quan điểm: "Tôi cũng đề nghị để luật này sang Quốc hội khóa XV để làm cho bài bản. Tôi không nói là đồng ý chuyển quản lý sát hạch sang Bộ Công an hay không nhưng đề nghị không tách luật".
Đại biểu Xuyền nêu lại phân tích của đại biểu Thắng là luật có bốn thành tố, tách ra sẽ rất bất cập trong quản lý.
"Làm cái cầu cái cống thì phải tính đầy đủ yếu tố để có an toàn, sản xuất ôtô xe máy cũng vậy. Bốn thành tố trong giao thông gắn kết rất chặt chẽ với nhau. Tách ra thì Luật giao thông đường bộ không còn là Luật giao thông đường bộ nữa", ông Xuyền nói.
Quan điểm rõ ràng, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) "không đồng ý tách luật, chuyển thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch lái xe sang Bộ Công an là không phù hợp".
Đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng lập luận chuyển sang cơ quan công an quản lý sát hạch, đào tạo để chống tình trạng làm giả bằng cấp, giấy tờ là không thuyết phục. Bởi nạn làm giả giấy tờ không phải từ các cơ sở đào tạo, sát hạch mà Bộ Giao thông đang quản lý.
Hơn nữa, lực lượng công an có trách nhiệm đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận