05/02/2024 09:54 GMT+7

Chuyện bếp núc ở nhà kho các siêu thị dịp Tết

Khi các siêu thị xuống đèn sau một ngày tấp nập đón khách cũng là lúc nhà kho của các chuỗi lên đèn để nhân viên bước vào giai đoạn cao điểm nhất năm là mùa mua sắm Tết. Họ trắng đêm để phân phối hàng hóa đúng hạn với núi công việc.

Trong kho lạnh giữa đêm để hàng hóa kịp giờ đến kệ hàng Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong kho lạnh giữa đêm để hàng hóa kịp giờ đến kệ hàng Tết - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trực tiếp "đột nhập" khu vực kho vận của các chuỗi bán lẻ cả miền Bắc lẫn miền Nam, Tuổi Trẻ đã chứng kiến bầu không khí làm việc khẩn trương, vất vả của những người làm nghề kho vận, quanh năm làm xuyên đêm.

Trắng đêm ở "đại bản doanh" hàng tươi sống

Đêm muộn cận kề Tết Nguyên đán, những đoàn xe tải chở hàng từ khắp các tỉnh miền Nam dồn dập đổ về Trung tâm Phân phối thực phẩm tươi sống Saigon Co.op (Khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương) để cấp hàng cho toàn bộ các siêu thị của Saigon Co.op dịp Tết này. Đây là kho chuyên về thực phẩm tươi sống, rau củ quả, thủy hải sản, hàng đông lạnh... lớn bậc nhất của chuỗi này nên dù nửa đêm vẫn nhộn nhịp xe cộ.

Cứ mỗi chiếc xe tải chở rau củ từ Đà Lạt về hay xe đông lạnh chở tôm cá từ miền Tây ngược lên Sài Gòn, các nhân viên lại tất bật kiểm hàng, chuyển vào kho, đóng gói, chia sản phẩm... để hàng sẵn sàng mang đi ngay trong đêm đến các cửa hàng, siêu thị.

Phân loại các loại thủy hải sản giao cho cho hệ thống Co.op Food - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Phân loại các loại thủy hải sản giao cho cho hệ thống Co.op Food - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trái ngược với bầu không khí rộn ràng ở các khu vực phân phối hàng, có một căn phòng rất quan trọng sáng đèn mỗi đêm song lại khá lặng lẽ. Đó là phòng chuyên test nhanh thực phẩm. Tỉ mẩn lấy mẫu và test nhanh từng cọng rau đến từng con cá, miếng chả..., nữ nhân viên Nguyễn Thị Diệp cho biết mỗi ngày mọi nhân viên đều làm việc từ 19h đến 3h sáng với khối lượng công việc khá lớn khi phải kiểm từ 100-150 mẫu sản phẩm.

Theo chị Diệp, các nhân viên sẽ lấy mẫu, kiểm tra theo kế hoạch các thành phần như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng kháng sinh cũng như các chất nguy hại khác.

Với những mẫu không vượt qua vòng test nhanh, ông Trần Minh Trí - phó giám đốc trung tâm - cho biết sẽ tịch thu và tiêu hủy để các sản phẩm đến tay người tiêu dùng đảm bảo chất lượng và an toàn.

Theo ông Trí, bước vào giai đoạn Tết, mọi công đoạn đều phải tất bật hơn khi hơn 250 nhân sự của kho phải đảm nhận khối lượng công việc cao hơn ngày thường, trong đó những đêm cao điểm như đêm 26, 27 và 28 Tết, khối lượng hàng hóa cần phân phối lớn gấp bốn, năm lần. Ngay trong đêm mùng 1, rạng sáng mùng 2, đội ngũ cũng đã phải quay lại làm.

Bà Nguyễn Thị Minh Thủy - tổ trưởng tổ sơ chế đóng gói - cho biết các nhân viên của tổ chủ yếu làm đêm nên thời gian để chăm lo cho con cái, gia đình cũng hạn chế, rất hiếm để có bữa ăn sáng với gia đình, nhất là những ngày cao điểm.

Tất bật tăng ca, châm hàng liên tục

Khu vực kho hàng của siêu thị Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM) lúc 14h30 ngày cuối năm ai cũng tất bật. Ở vòng ngoài, hàng chục tài xế xếp hàng để lần lượt đưa hàng nhập kho, chờ xác nhận, lấy giấy tờ. Ở vòng trong có đông đảo nhân viên siêu thị và nhà cung cấp phải luôn tay để kiểm tra, bốc hàng...

Lượng hàng nhập vào đang tăng gấp đôi ngày thường, chị Trần Thị Bích Ngân (nhân viên mặt hàng sữa) cho biết do quy định về thời gian xe tải đi vào TP nên giờ cao điểm của nhập hàng thường vào khung giờ 10h-15h, đây cũng là lúc vất vả nhất.

Để kịp nhận hàng, dọn hàng vào kho, khiêng lên quầy kệ, châm hàng vào kệ... chị Ngân cho biết phải tăng ca nhiều hơn ngày thường, có những ngày phải 23h mới vơi việc. Mở điện thoại nhìn hình con, chị Ngân cho biết mẹ đi làm sớm khi con chưa dậy, lúc làm về thì con đã ngủ, nên dịp Tết này đành tạm cho con "thiệt thòi".

Mướt mồ hôi vì phải liên tục kiểm tra thông tin lô hàng của hàng loạt nhà cung cấp thi nhau đổ vào kho siêu thị, anh Đinh Vũ Nhật Hoàng "với công việc luân chuyển hàng, sắp xếp hàng hóa, thay đổi bảng giá, ca đêm sẽ làm từ 22h-6h sáng. Phải tranh thủ đưa hàng lên quầy kệ cho kịp. Bình thường ca ngày làm 10-11 tiếng, nhưng cao điểm từ 12-14 tiếng", anh Hoàng kể.

Vài tiếng, "xử lý" 40 xe tải

5h sáng, khi cổng chính của một siêu thị Co.opmart Hà Đông (Hà Nội) vẫn đang đóng sập cửa thì cổng kho nằm ở mặt sau siêu thị đã sáng đèn.

Từ sảnh cổng kho vào tới bên trong siêu thị, nhân viên tất bật làm việc, người bốc hàng, kiểm hàng. Là nhân viên bán hàng tại quầy thủy hải sản, anh Trương Văn Anh (38 tuổi) cho biết đều đặn suốt 14 năm qua, khi đồng hồ điểm 4h30 sáng cũng là lúc anh đi làm.

Xe tải xuống hàng tại kho - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xe tải xuống hàng tại kho - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Những ngày cận Tết, trời Hà Nội rét, việc hằng ngày lại phải tiếp xúc với đá lạnh từ quầy hải sản, anh Anh cho biết "rét còn thêm rét".

Anh Trương Văn Anh cho biết thêm vào dịp Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng lên, vì vậy cường độ làm việc của nhân viên siêu thị cũng tăng gấp đôi so với ngày thường.

"Thứ nhất là lượng hàng hóa tăng lên. Thứ hai là các thao tác cũng phải nhanh hơn, thời gian buổi sáng cũng phải đến sớm hơn so với quy định khoảng 30 phút để cho hàng hóa lên kệ, kịp tiến độ mở cửa đón khách lúc 8h sáng", anh chia sẻ thêm.

Ông Trịnh Văn Minh (trưởng tổ kho) cho biết công việc hằng ngày ông và cộng sự phải tiếp nhận khoảng 40 xe tải chở hàng, mỗi xe khoảng 1,4 tấn hàng. Ngoài việc đưa hàng vào kho, ông Minh còn phải kiểm soát chứng từ, nguồn gốc hàng hóa, hạn sử dụng để hàng vào siêu thị phải đảm bảo chất lượng.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng trong tháng Tết của người dân Hà Nội tăng mạnh, do đó sở đã lên phương án dự trữ lượng hàng hóa trị giá 40.900 tỉ đồng, tăng 10% so với Tết năm 2023.

Tăng cường kiểm soát chất lượng hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện siêu thị Emart cho biết để đáp ứng được nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng dịp này, siêu thị phải hoạt động hết công suất nên tuyển thêm lao động thời vụ, nhân viên chính thức ở nhiều khâu cũng tăng ca.

Bà Phạm Thị Hương Anh, quản lý chất lượng Emart Phan Văn Trị, cho biết không chỉ trước khi hàng nhập vào siêu thị, có bộ phận kiểm tra giấy tờ, hồ sơ pháp lý đối tác; khi vào lưu kho và bán vẫn có thêm bộ phận quản lý chất lượng giám sát thường xuyên.

Với hàng tươi sống, siêu thị sẽ áp dụng test ngẫu nhiên và cả định kỳ với các chỉ tiêu như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với rau củ quả, hàn the với thịt, cá...

Ngoài ra, hằng quý sẽ kết hợp với bên thứ ba để thực hiện việc lấy mẫu kiểm tra một cách chuyên sâu, rộng hơn, nhiều chỉ tiêu hơn...

"Đối với mùa vụ Tết, chúng tôi gần như làm không có ngày nghỉ và cũng tăng cường nhân sự, tuyển nhân viên để hỗ trợ cho khâu kiểm soát chất lượng đầu vào", bà Hương Anh nói.

Trưa 25 tháng chạp, người dân TP.HCM xôm tụ sắm TếtTrưa 25 tháng chạp, người dân TP.HCM xôm tụ sắm Tết

Trưa 25 tháng chạp, người dân tranh thủ đến các siêu thị, chợ, phố bán hàng trang trí... để sắm sửa, trang hoàng nhà cửa trước thềm Tết Nguyên đán 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp