Ông kể khoảnh khắc bi thảm đó đã theo ông, ám ảnh ông suốt cả cuộc đời.
Kỳ 1: Kỳ 2:
Phóng to |
Đã nhiều năm trôi qua nhưng mỗi khi nhắc lại câu chuyện cũ, ông Phương vẫn bị ám ảnh - Ảnh: Q.Việt |
Chuyện người cơ trưởng
Chuyện bắt đầu vào buổi sáng 9-9-1988, khi ông ngồi ghế cơ trưởng trên chiếc TU 134 số hiệu VN A102, khởi hành từ Hà Nội đi Bangkok, Thái Lan. Phi hành đoàn sáu người gồm cơ trưởng, phi công phụ, hoa tiêu và ba tiếp viên. Khoang hành khách có 75 người. Ngoài người Việt, chuyến bay còn có các hành khách Ấn Độ, Nhật Bản, Pháp, Thụy Điển, Phần Lan, Anh là cán bộ sứ quán, thương nhân, du khách.
Đặc biệt, chuyến bay định mệnh này có bác sĩ Bộ trưởng Bộ Y tế VN Đặng Hồi Xuân cùng các chuyên gia đang trên đường đi dự phiên họp Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương. Một yếu nhân khác là đại sứ Ấn Độ Arun Patwardhan tại Hà Nội cùng gia đình có mặt trên chuyến bay. Bí thư thứ hai Kiyokata Ida của sứ quán Nhật cũng có tên trong danh sách...
Tiết trời mùa thu, chiếc TU 134 số hiệu A102 khởi hành từ Hà Nội diễn ra khá bình thường, êm ả. Vài vùng nhiễu động không khí không làm người cơ trưởng bối rối. Từng học lái máy bay quân sự từ những năm đầu thập niên 1970, ông Phương được chuyển qua lái máy bay thương mại sau năm 1975. Và chiếc TU 134 của Nga đã như người bạn thân thiết với ông.
Ngoài ngược xuôi trong nước, ông còn bay nhiều tuyến nước ngoài, trong đó có nước Nga xa xôi và thường gặp thời tiết xấu. Ông cũng từng là cơ trưởng của nhiều chuyến bay chở các lãnh đạo cấp cao đi công cán.
Trước đó, lý lịch bay của cơ trưởng Phương rất sạch, đẹp. Đến năm 1988 ông vẫn chưa phạm bất cứ sơ suất gì mặc dù đã phải xuyên qua nhiều hành trình nguy hiểm. Ông kể từng cầm lái cơ trưởng chuyến bay TU 134 đến thủ đô Matxcơva (Nga). Hành trình chưa hoàn tất thì đồng hồ xăng bỗng dưng báo chỉ còn 4 phút bay buộc ông phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay địa phương nhỏ trong điều kiện bão tuyết cực kỳ xấu. Một lần khác, ông đang bay qua vùng Viễn Đông Nga thì gặp bão. Hoàn cảnh khu vực đó không cho phép ông hạ cánh xuống sân bay khác hay bay tránh mà buộc phải băng qua cơn bão.
Ông yêu cầu hoa tiêu tìm “khe” bão nhẹ nhất để xuyên qua. Máy bay trồi lên, hụp xuống, chao lắc dữ dội. Động cơ gầm gừ như đang hoạt động quá mức. Phích nước nóng trên kệ rung lắc đổ lên cả người tiếp viên. Tuy nhiên, cuối cùng chuyến bay bão táp vẫn hạ cánh an toàn trong tiếng vỗ tay hoan hô rền vang của hành khách...
Trở lại chuyến bay định mệnh sáng 9-9-1988, chiếc TU 134 do cơ trưởng Phương điều khiển đã vượt qua không phận VN an toàn, rồi bay vào Thái Lan. Thời tiết đột ngột trở xấu. Những cột mây như hình đồi núi giăng kín phía trước. Mưa rất lớn. Thi thoảng sấm chớp lóe lên chằng chịt.
Gần đến sân bay Bangkok, một ánh sét lại lóe lòa lên trước mũi máy bay. “Sét, sét đấy!” - người phi công phụ hét lên với cơ trưởng. Tuy nhiên, dưới mặt đất sân bay Bangkok vẫn không phát cảnh báo gì. Điều đó có nghĩa vẫn đang trong điều kiện cho phép hạ cánh.
Mắt u uất buồn, người cựu cơ trưởng lái chuyến bay định mệnh trầm giọng: “Tôi đã hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh, thì...”. Kể đến đây, ông không nói liền lạc được nữa, mà từng từ, từng từ rời rạc như chắt ra từ nỗi ngậm ngùi trong ông. Máy bay xuống đến độ cao 380m, cách sân bay khoảng 4km, thì một tia sáng xanh lại lóe lên trước cửa kính máy bay. Trong chớp mắt, các phi công rơi vào bất tỉnh, không còn biết gì nữa...
Nỗi buồn đọng lại
Khi tỉnh lại, cơ trưởng Phương thấy mình vẫn đang trong cabin máy bay. Nhưng lúc này nó lại đang nằm trên cánh đồng sình lầy và phần thân máy bay lại văng ra chỗ khác. Lửa cháy rừng rực. Không khí bốc mùi khét lẹt của các bộ phận thân máy bay bị cháy, của hành lý và của cả da thịt con người bị nạn. Bên cạnh ông, người phi công phụ to lớn đã tử vong ngay tại chỗ với đa chấn thương nghiêm trọng. Hoa tiêu có dấu hiệu còn sống nhưng cũng bị thương rất nặng...
Chiếc TU 134 từng ngang dọc bầu trời bị gãy rời làm ba phần bắn ra các phía. Mũi cabin mang theo các phi công nằm lăn lóc trên đồng, phần thân nửa nổi nửa chìm trên cánh đồng lắp xắp nước. Một số thi thể hành khách văng ra, nhưng nhiều người vẫn còn kẹt trong máy bay đang bốc cháy... Chỉ ít phút sau, người dân địa phương và các xe cứu hỏa, cứu thương đã lao đến. Nhưng hình như tất cả đã quá muộn.
Lúc còn nằm trên cánh đồng, cơ trưởng Phương biết tai nạn rất nghiêm trọng nhưng vẫn chưa rõ tình hình thế nào. Đến khi ông được đưa vào bệnh viện, sau đó được biết 75 người có mặt trên chuyến bay đã vĩnh viễn ra đi thì ông sốc thật sự.
Làm người cầm lái chinh phục các bầu trời, ai cũng biết vẫn có phần tỉ lệ rủi ro khó tránh dù ở bất cứ hãng hàng không nào trên thế giới. Nhưng có lẽ chẳng ai chuẩn bị được tinh thần để chịu đựng thảm nạn này ập đến với chuyến bay của mình. Phi hành đoàn sáu người chỉ còn lại hai. Hành khách cũng chỉ bốn người may mắn sống sót nhưng bị thương rất nặng. Chính bản thân cơ trưởng Phương cũng không thể nghĩ mình lại thoát chết một cách kỳ lạ như vậy trong khi người phi công phụ ngồi sát bên lại tử vong ngay.
Điều kỳ diệu là các vết thương của ông Phương cũng chỉ sây sát ở phần ngoài không nghiêm trọng. Trong tai nạn hàng không, chẳng ai dám nghĩ mình sẽ là người may mắn, nhưng sự thật vẫn có may mắn diễn ra hay còn có điều nhiệm mầu gì đó chưa lý giải được?
Suốt 20 ngày ở Bệnh viện Bangkok để chữa trị vết thương, mà chủ yếu là để hợp tác điều tra tai nạn hàng không, cơ trưởng Phương gần như không thể chợp mắt được. Sự may mắn kỳ lạ đến với chính bản thân ông nhưng cũng giằng xé trong ông nhiều nỗi ngậm ngùi. Ai chẳng biết cơ trưởng, tiếp viên cũng đều là con người, cũng có cha mẹ, vợ con để trân trọng. Ai chẳng biết sinh mạng họ cũng quý như mỗi hành khách và ngược lại. Nhưng khi có rủi ro, tai nạn, hành khách ra đi, cơ trưởng lại sống sót, thì dù không có lỗi chủ quan hay không ai oán trách lòng ông cũng trĩu nặng.
Ông Phương tâm sự suốt nhiều tháng liền ông bị ám ảnh nặng nề. Thậm chí, một người con của hành khách đã mất, biết nỗi lòng ông tìm đến an ủi: “Bác đừng tự trách mình nữa. Lỗi không phải của bác. Cháu hiểu sinh mạng cha cháu hay của bác cũng quý như nhau. Có ai muốn rơi xuống cái chết đâu”.
Sau đó, chiếc hộp đen được tìm thấy. Cơ quan điều tra hàng không thế giới và cả các chuyên gia Nga phân tích nguyên nhân máy bay bị tai nạn do sét đánh. Nhiều trường hợp sét đánh nhẹ máy bay vượt qua được, nhưng cũng có một số vụ nghiêm trọng không thể thoát. Ông Phương kể trong tai nạn này, tổ lái đã bất tỉnh ngay khi bị sét đánh trúng. Cần lái không còn bất cứ tác động nào của bàn tay phi công ngay trong phần giây bị sét đánh. Sau tiếng sét, hộp đen cũng không ghi được lời gì của tổ lái...
Người cơ trưởng tưởng như cởi được gánh nặng lương tâm nhưng ông vẫn buồn, buồn lắm. Sau một hồi nghẹn giọng, ông gần như bật khóc: “Tôi đã ước gì sự may mắn của mình được trao cho người khác trên chuyến bay định mệnh này!”.
___________
Nhiều lần tìm đến cái chết, nhưng cô gái bất hạnh không thể chết được. Rồi đến khi bị bức đến đường chết, cô lại kiên cường sống giữa lằn ranh sinh - tử...
Kỳ tới: Phải sống
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận