30/08/2015 07:00 GMT+7

"Chuyện bao đường" làm logo xe vua có đất sống?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG

TTO - "Một cuộc gọi là giải quyết xong! Bao đường mà", cánh tài xế cho biết. Có phải chuyện bao đường của CSGT, xe có dán logo vô tư chạy, làm logo xe vua có đất sống?

h
Xe tải dán logo “xe chở hàng” lưu thông trên quốc lộ 1A đoạn qua địa phận quận Thủ Đức, TP.HCM chiều 27-8 (ảnh lớn). Đây là loại logo được xác định do Lê Thị Cẩm Vân (ảnh nhỏ trên) tổ chức đường dây bán logo (ảnh nhỏ dưới) để bảo kê cho “xe vua” với giá 2,5-3 triệu đồng - Ảnh: Hữu Khoa - Gia Minh

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an đang tạm giữ bảy người liên quan đến đường dây mua bán các logo để “hóa phép” xe bình thường thành “xe vua”. Với khoảng 3 triệu đồng/logo, mỗi tháng, những người này thu lợi nhuận 3 tỉ đồng.

Thông tin trên làm dư luận bức xúc bởi theo nhiều bạn đọc thực trạng “xe vua” tung hoành đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Không ai bỏ cả triệu đồng để mua tờ giấy lộn!

Anh Hoàng Thông (Q.10, TP.HCM) cho rằng, chẳng ai dại gì khi mỗi tháng bỏ ra 3 triệu đồng, tính ra một năm là 36 triệu đồng để mua một logo mà không rõ hiệu quả của nó.

“Các bác tài đã mua rồi, thấy hiệu quả thì mới cùng nhau mua. Mỗi chiếc xe phải chịu gần 40 triệu đồng/năm thì đâu phải là số tiền nhỏ”, anh Thông nói.

Một tài xế cho biết, anh từng mua logo cho xe với giá 3,2 triệu đồng vì nghe nhiều bạn bè đã mua rỉ tai nó là bùa hộ mệnh của xe và sự thật sau khi dán logo xe vua... tự dưng xe của anh vô tư chạy.

“Cứ ngày mùng 1 hoặc mùng 2 hằng tháng là có người tới nhà thu tiền và ghi đúng số xe, số điện thoại. Thực tế hiếm xe tải nào không chở quá tải nên có mua logo thì bên kia sẽ lo cho”, tài xế này cho biết.

Người này nói, có cả những logo của thanh tra TP, mua 3 triệu/logo/tháng nhưng mỗi lần phải lấy liên tục 6 tháng. Logo này được rao có công dụng là bao cả 24 quận huyện của TP, 8 đội giao thông và đội thanh tra của Sở Giao thông, bao luôn Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang và một phần Long An.

Chỉ cần "alo" là giải quyết xong

Các tin nhắn của những đối tượng bán logo gửi cho khách hàng. Ảnh: Mạnh Khang

Tin nhắc nêu rõ PC45 đang vào cuộc, các xe tạm thời chạy đúng tải. Ảnh: Mạnh Khang

Cuộc trò chuyện với một tài xế chạy xe tải thường xuyên trong phạm vi thành phố đã giúp Tuổi Trẻ vén bức màn đằng sau những chiếc logo này.

Theo tài xế M., những người bán logo xe vua từng bỏ tiền ra để lo lót cho các xe bị bắt nhằm lấy uy tín với giới tài xế. Khi bán logo, bên bán còn khẳng định sẽ chơi úy tín, sẵn sàng giải quyết cho xe qua trạm hoặc chịu tiền nếu xe bị lập biên bản.

“Cánh tài xế xem đây là chiếc phao cứu tinh. Bản thân tôi cũng từng bị rồi nhưng sau đó cũng gỡ được. Một ngày qua bao nhiêu trạm nhưng chỉ cần dán logo xe vua, tự dưng không thấy anh em nào thổi. Chuyện quan hệ, dựa hơi dù không rõ nhưng tôi thấy...hiệu quả.

Trong anh em thân thiết với tôi thì cứ 10 người có hết 8 người mua logo. Nhiều trường hợp từng bị lập biên bản nhưng sau đó được bên bán trả 20, 40 triệu đồng tiền đóng phạt. Chưa thấy ai kể là các nhóm này lừa gạt..." tài xế M. nói.

Tài xế M. còn cho biết, khi bị thổi phạt, tài xế chỉ cần nói xe đó đã gửi sếp A, sếp B nào đó thì được qua thôi. Hoặc chỉ cần chuyển máy cho cảnh sát giao thông nói chuyện giây lát là xe được đi. Một cuộc gọi giải quyết tất cả.

Có cung thì có cầu

Xe tải dán logo “xe chở hàng” lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua địa phận quận Thủ Đức, TP.HCM (ảnh chụp chiều 27-8) - Ảnh: Hữu Khoa

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hồng Thái - trưởng bộ môn quản trị kinh doanh, khoa vận tải kinh tế ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, khi đã cấm thì có thể phát sinh người lợi dụng quyền hạn vi phạm hoặc xuất hiện những sản phẩm giả.

Trong trường hợp này, có cầu thì có cung nên chuyện logo xe vua có thể do một người nào đó đứng phía sau giúp đỡ nhưng đồng thời cũng có thể có logo giả, không mang lại hiệu quả và là một trò lừa bịp.

“Trách nhiệm nhà quản lý là kiểm soát để giảm thiểu những hiện tượng không mong muốn xảy ra”, ông Thái nhấn mạnh.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho rằng hiện tượng “xe vua” đã xảy ra nhiều năm và dư luận cũng nhiều lần phản ánh.

Hiện tượng này có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng và theo nguyên tắc, đối với tội phạm tham nhũng phải xử lý nghiêm với tình tiết tăng nặng.

Nếu có đủ cơ sở để kết luận, về luật hình sự, có thể truy tố về tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ (ở điều 281),  tội lợi dụng chức vụ và quyền hạn gây ảnh hướng người khác để trục lợi (điều 283) hoặc lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (điều 291).

Ông Hậu cho rằng, các bác tài nên đấu tranh với những người có hành vi vi phạm pháp luật. Vụ việc này rất cần Bộ Công an quyết liệt vào cuộc điều tra, không nên để cơ quan chức năng tại địa phương xử lý.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>>  Tài xế

>> Anh Mạnh Đình

>> PGS.TS Nguyễn Hồng Thái

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp