Lộ thông, tài thông
Lộ của đời sống kinh tế là hệ thống giao thông (đường bộ, đường thủy, đường hàng không…), hệ thống thông tin, hệ thống mạng lưới dịch vụ thương mại, hệ thống tài chính tín dụng… Đó là những hệ thống phục vụ cho việc vận hành nền kinh tế xã hội đó”. Hiểu cách này, một vấn đề có thể phân tầng thành nhiều “lộ”. Chiều dọc: cá thể, gia đình, xã hội. Chiều ngang: kinh tế, chính trị, văn hóa, tinh thần…
Đọc được chiều dọc, giúp trả lời câu hỏi: Vấn đề nằm ở đâu. Hiểu được chiều ngang, biết được: góc nhìn phân tích nó như thế nào. “Lộ thông” cần kết hợp được hai chiều, hình thành cái nhìn toàn thể. Mặt khác, cũng cần xẻ nhỏ, từng thời điểm, từng lĩnh vực, từng vùng miền để xây dựng một chiến lược chính xác, phù hợp. Chuyện thời sự “bằng cấp, thi cử” ở nước ta có thể nhìn bằng lăng kính “lộ thông” như vậy.
Tại sao “lộ” chưa thông?
Phóng to |
Sinh viên khoa Marketing, Trường cao đẳng Kinh tế đối ngoại tốt nghiệp năm 2008 - Ảnh: Phiên Nghiên |
Những câu chuyện đau lòng, nhưng luôn nóng hổi trên mặt báo. Sinh viên Trần Xuân Thanh Trường đại học Nông Lâm TP.HCM dùng axít tạt vào lớp học, gây bỏng một giảng viên và 13 sinh viên. Thật ra, đối tượng của Thanh là Đặng Hữu Dũng (51 tuổi), Phó khoa Cơ khí công nghệ, giảng dạy môn tiếng Anh chuyên ngành. Do nhiều lần thi không đậu, không thể ra trường, nên Thanh tìm cách trả thù.
Thanh phạm pháp, tàn nhẫn, mất nhân cách, không hiểu tinh thần trọng đạo tôn sư. Đó là ý kiến bạn đọc khắp các diễn đàn. Một luồng dư luận khác tự hỏi, tại sao nhất thiết phải có tấm bằng đại học, không được rồi cay cú, dẫn đến hành vi phạm pháp? Liệu ngoài giảng đường, còn một con đường khác? Câu hỏi này không mới nhưng lặp đi lặp lại, nhất là mỗi độ mùa thi về.
Có người “khoa cử” từ năm này sang năm khác. Rớt, hoang mang cùng cực, cuối cùng tự tử vì thất vọng. Có người, sức học yếu, nhưng do gia đình ép nên cố bám. Thi lên thi xuống, chạy điểm, chạy trường. Còn có người, do “nhu cầu tuyển dụng”, cần một tấm bằng, đã chấp nhận đi chung với tiêu cực, mua bằng, xếp vị. Nhiều chuyện nữa, nếu chúng ta còn muốn kể.
Chạy theo bằng cấp là một điều lên án. Nhưng với tình hình hiện nay, không chạy theo bằng cấp mới là điều kỳ lạ! Xã hội ta coi sự học là tài sản quý. Trọng học, nên trọng cái quý từ sự học. Xưa, ai đỗ tiến sĩ được long trọng khắc tên vào Văn Miếu. Người trượt công danh, về làng mở lớp, được cả vùng kính trọng, một tiếng sư, hai tiếng thầy.
Ngày nay, sự học mở rộng, quần chúng hóa, kinh tế hóa. Xã hội trở thành một thị trường khổng lồ về tuyển dụng. Xác định vị trí tuyển chọn qua nhiều tiêu chí. Ai cũng nói kiến thức, khả năng, nhưng thực tế đều quy ra thành bằng cấp. Thực tế này tạo thành gánh nặng. Gánh nặng này tạo thành sức ép.
Bằng cấp là thước đo tuyển dụng, bằng cấp là thước đo năng lực, thậm chí bằng cấp còn là thước đo phẩm giá, trở thành một quan niệm đi vào nhận thức, khiến mỗi cá nhân, mỗi gia đình đắn đo, buộc ai phải vào đại học, ai ra trường phải có mảnh bằng. Cầu tăng, thì cung tăng. Cơ sở luyện thi mọc lên như nấm. Trường nghề thì liên thông, cao đẳng thì cố nâng thành đại học.
Thật ra, điều nguy hiểm nhất là cả hai lượng cung cầu trong quá trình này đều dựa trên một nhận định ảo. Trên thực tế, với tình trạng lạm phát bằng cấp như hiện nay, sự thay đổi tiêu chí của các nhà tuyển dụng, hay ít nhất là mức độ khắt khe hơn trong đánh giá (không chỉ dựa vào riêng chỉ số bằng cấp), là một điều tiên liệu trước. Dự đoán này song hành với những bất cập khác, như mức độ chênh lệch giữa kiến thức giảng đường và đòi hỏi công việc, giữa khả năng và học vị, và - quan trọng nhất - giữa nhu cầu tuyển dụng thật sự và nhu cầu kỳ vọng cộng đồng.
Xem xét con số thống kê, năm 2009, cả nước có khoảng 1,2 triệu lượt thí sinh dự thi đại học, trong đó có hơn 773.000 lượt thí sinh dưới điểm sàn. Một bức tranh tương phản khác: nhiều báo cáo về nguồn nhân lực cho biết, lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp ở TP.HCM hiện nay chỉ chiếm khoảng 20% nhu cầu, và thực tế nhiều ngành đang thiếu lao động tay nghề trầm trọng.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề Cao Văn Sâm, một số nghề “hot” như: hàn công nghệ cao, cơ điện tử, lập trình viên… đều đang có nhu cầu rất lớn. Lương công nhân ở nhiều doanh nghiệp hiện nay cao hơn cử nhân. Chẳng hạn như học viên sau khi tốt nghiệp nghề hàn công nghệ cao có thể nhận khoảng 10 triệu đồng/tháng (VnEconomy 26-8-2009). Rõ ràng, trong nhiều “lộ chưa thông”, cái đáng quan ngại nhất là sự “hụt hẫng” giữa thực tế và tâm lý số đông trong xã hội.
Trước mắt và lâu dài
Muốn lộ được thông, sẽ cần đi ba bước chính - hai bước trước mắt và một bước lâu dài. Đầu tiên, hãy bắt đầu bài toán với góc nhìn kinh tế. Trọng bằng cấp xuất phát từ chênh lệch lợi ích. Người đại học thì lương cao, bổng hậu, khả năng thăng tiến xã hội lớn. Những điều này không sai, nhưng chưa đủ. Bảng kế toán cần thêm một cột ghi chép rủi ro: thời gian học lâu hơn, đầu tư lớn hơn, cạnh tranh đầu vào cũng khốc liệt hơn. Chưa kể là có phù hợp với khả năng, nguyện vọng hay sở thích của mình không.
Ngay cả thị trường lao động hiện nay, với những thống kê đã trình bày, “đại học” cũng không phải là món hàng chuộng nhất. Cái khó là làm sao phải “quảng bá” được ưu điểm những món hàng còn lại. Hỗ trợ người mua đúng hàng, đầu tiên là cần giúp họ sở hữu được thông tin. Không cần đâu xa, trên hết là những thông tin căn bản, xu hướng thị trường lao động, hướng nghiệp, hệ thống dạy và học nghề, những lợi hại trong mỗi hướng đi. Thứ nhì, là vấn đề cơ chế tuyển dụng.
Tuyển dụng là tìm người đáp ứng nhu cầu lao động. Hay nói cách khác là tìm người làm được việc. Quy tắc lựa người tài, mỗi thời mỗi khác, nhưng trước sau bất biến: chọn người năng lực, không chọn người bằng cấp. Đây là một vấn đề lớn, đặc biệt đối với khu vực công, đang cần một thay đổi căn bản về tư duy. Làm sao chuyển đổi từ tuyển dụng theo “bằng cấp” thành tuyển dụng theo “năng lực”. Và làm sao định hình được năng lực theo một hệ thống tiêu chí cụ thể nào đó.
Tùy theo ngành nghề, tùy theo vị trí mà xác định những điểm cần và đủ của chức danh. Xét cho cùng, thay đổi một chuẩn mực, không phải chỉ cần có dũng khí, mà còn cần định hình một chuẩn mực mới hợp lý và được nhiều đồng thuận hơn từ cộng đồng.
Sẽ là ảo tưởng khi cho rằng hai bước trên có thể một sớm một chiều mà thực hiện được. Dự phóng tương lai là thế, song để hoàn thiện tới bước cuối cùng - cải cách tâm lý xã hội, còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan. Nhìn tổng thể, “lộ” theo chiều dọc, chuyển động nhanh nhất là giới kinh doanh, vì họ phải sống và cạnh tranh mỗi ngày.
Đầy bằng cấp, nhưng năng lực yếu; lặp đi lặp lại nhiều lần, bắt buộc nhà tuyển dụng phải “sáng tạo” những phương thức khác kiểm định đầu vào nguồn nhân lực. So sánh, cá nhân chuyển động lúc chậm, lúc nhanh. Nhanh, bởi nếu có định hướng, hay hướng dẫn thông tin, con người sẽ chọn con đường mà lợi ích mình khả dĩ tối đa nhất. Chậm, bởi chúng ta không phải chỉ là con người kinh tế, mà còn là con người xã hội.
Lề thói, tập quán là một cái neo. Ngay cả đầy đủ thông tin, không phải ai cũng dám vượt ra để chọn cái mới. Cái mới có đến, thì cũng nằm chờ. Chờ gì? Chờ số đông cảm nhận, đồng ý, phổ biến. Tâm lý xã hội thay đổi chậm. Vì quá trình hình thành nó tốn nhiều thời gian. Nhà nước - trong dòng chảy trên - đứng ở vị trí đặc biệt, vừa có thể nhanh, vừa có thể chậm.
Quyết định nhanh hay chậm nằm ở tư duy. Không thúc ép được số đông, nhưng Nhà nước có thể hỗ trợ và khuyến khích những tiền đề. Nhiều tiền đề tốt, ví như nhiều gợn sóng. Gió đến, sóng nhỏ hòa thành dòng chảy, đưa con thuyền “cải cách” vượt trùng ra khơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận