Từng làm tư vấn học đường, thường xuyên tiếp xúc với các em và được các em tâm sự rất nhiều về chuyện tình cảm nên tôi biết không thể giảng giải thế nào là tình cảm học trò, mà phải tìm hiểu xem các em thật sự muốn biết gì ở lứa tuổi của mình.
Câu trả lời từ các em là làm thế nào để tụi em biết cách dừng đúng lúc, có người yêu thì vẫn có nhưng không ảnh hưởng đến việc học? Làm thế nào tụi em không để xảy ra chuyện gì đáng tiếc? Làm thế nào để khi tụi em quen bạn khác phái thì cha mẹ không ngăn cản?…
Tôi nhớ có lần một thầy giáo ra đề tài cho các em bàn luận về việc có nên sống thử trước hôn nhân không? Một nhóm hơn 10 em đã đến tìm tôi bày tỏ quan điểm và chia sẻ ý kiến. Khi tôi hỏi các em hiểu thế nào là sống thử, các em đã nói rất chính xác các thông tin liên quan.
Các em học sinh ngày nay biết đến hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn, cũng biết các kiến thức về cách phòng tránh thai như thế nào. Vì thế nếu nói các em không có kiến thức về những vấn đề giới tính thì không đúng. Nhưng những thông tin ấy chính xác đến đâu thì không ai kiểm chứng được.
Tôi vẫn thường nghe các em chia sẻ kiến thức giới tính bằng câu mở đầu: Em nghe nói là....
Việc tiếp cận các kiến thức về giới tính của các em có thể từ nhiều nguồn như sách báo, mạng Internet, truyền tai... Trong đó, hai nguồn chủ yếu là những thông tin trên mạng và truyền tai. Trong khi thông tin trên mạng thì rất đa dạng và không phải cái gì cũng đúng...
Mặc dù các em đã được học, được đọc sách, được cha mẹ khuyên nhủ, nhưng có em vẫn có những hành động không phù hợp trước những tình huống của cuộc sống thực tiễn. Thậm chí có em biết nhưng không cưỡng lại được hoặc cũng muốn thử những cái mà người lớn đã ngăn cản, nhắc nhở.
Nhiều em vẫn nghĩ rằng thời cha mẹ là lạc hậu rồi. Có em học sinh lớp 10 tâm sự với tôi em từng quan hệ tình dục với bạn trai cũ, giờ quen bạn trai mới và anh ấy nói không quan trọng chuyện em còn hay mất. Thời nay chuyện còn hay mất không quan trọng nữa và tụi em chỉ cần yêu nhau, sống vui vẻ là được vì tương lai còn dài!
Ở tuổi học trò, có nhiều em quen nhau đã gọi chồng - vợ, ông xã - bà xã và hứa hẹn rất nhiều điều với nhau, thậm chí còn có kế hoạch cho tương lai.
Một vấn đề hiện nay là mỗi lần có hiện tượng gì nổi lên là chúng ta lại lao vào mổ xẻ rồi đề ra phương án, giải pháp, nhưng bàn chán rồi đâu lại vào đó. Việc giáo dục giới tính cho học sinh vẫn còn để ngỏ, chưa thật sự sâu sát và có cách tiếp cận hợp tình hợp lý, hợp tâm lý lứa tuổi.
Câu hỏi đặt ra là giáo dục giới tính cho học sinh như thế nào là phù hợp? Chúng ta không thể dừng lại ở việc mang đến cho các em kiến thức, mà còn phải cung cấp những kỹ năng thiết yếu để trẻ giải quyết được những vấn đề của mình.
Chuyện này cũng không chỉ có nhà trường, xã hội mà chủ yếu phải xuất phát từ gia đình.
Thường tâm sự khi chuyện đã rồi - Cô P. dạy sinh học ở một trường trung học phổ thông tại TP.HCM: Con gái cô từng vượt quá giới hạn, nhưng cô không được nghe kể trực tiếp mà thông qua bạn của con gái và gia đình của bạn con. Cô rất buồn, may là sau đó con có tâm sự với cô nên cô mới biết đường tính, không phải cấm mà là hướng dẫn con, không cho con tiếp tục dấn sâu vào. "Cô cũng từng nghe học sinh tâm sự, nhưng không hỏi cô là bây giờ chuyện ấy thế rồi con phải làm sao, mà hỏi cô cách dùng thuốc tránh thai như thế nào. Toàn là những trường hợp bị lợi dụng xong rồi bỏ. Sau khi chuyện đó xảy ra thì cô cũng đối xử bình thường thôi chứ sao bây giờ. Giới trẻ bây giờ biết nhiều quá nên chẳng cần người lớn chỉ, toàn tự mò mẫm, tự thử rồi tự làm. Nhưng cô muốn các em phải hiểu là trong tình yêu có tình dục nhưng tình dục chỉ là một phần rất nhỏ, còn có nhiều thứ khác nhưng bây giờ nhiều đứa cứ cho rằng tình dục song song với tình yêu". - Thầy Q. - dạy vật lý ở một trường trung học phổ thông tại TP.HCM: Khi phát hiện học trò mình có khả năng sẽ làm chuyện ấy, hoặc đã làm chuyện ấy, tùy vào trường hợp để có cách xử lý. Ví dụ: nếu tự nguyện đến với nhau thì khác, nếu là bị ép buộc thì sẽ phải đối xử khác. Đối xử với em mạnh mẽ khác với đối xử những em yếu đuối. Nhìn chung là phân tích và không trách móc gì học sinh, giúp đỡ các em vượt qua. Có những em cho rằng cái đó là bình thường, cũng có những em cho rằng kinh tởm. Phải trò chuyện với các em nhiều hơn để biết cách giải quyết. Một thực tế là rất ít khi học sinh tâm sự với thầy hoặc nếu có thì chỉ xảy ra khi chuyện đã lỡ hoặc quá đau buồn. Mặc dù thầy đã cố gắng tiếp cận và thân thiết với các em nhưng thường thì các em không nói ra. |
Bạn có cho rằng các bạn học sinh đã biết đúng, biết đủ chuyện giới tính? Trách nhiệm chính trong việc này là của nhà trường hay của các bậc cha mẹ? Làm thế nào để các em đừng dính vào chuyện ấy một cách mù quáng? Hãy chia sẻ cùng TTO qua địa chỉ email [email protected] hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận