Đó chỉ là một buổi chiều rất thường lệ tại cửa hàng văn phòng phẩm nơi tôi làm. Có những người khách ra vào trong trầm lặng, mua những đồ dùng trong văn phòng hằng ngày, mỗi người lại có những tâm trạng khác nhau, thành ra không khí trong cửa hàng nhiều khi cũng thăng trầm cùng các vị khách.
Lúc đó, có một đôi một ông một cháu bước vào cửa tiệm để mua ít bút sách. Vì các chị chủ tiệm đã chủ động ra tiếp khách hàng nên tôi nên chỉ ngước nhìn ra tủ quầy, dõi theo vị khách hàng một già một trẻ.
"Ghi lại câu chuyện này, mong mỗi trẻ em trên cuộc đời đều khỏe mạnh, không bị đe dọa bởi bóng đêm bệnh tật, để các em luôn được tận hưởng một cuộc đời đẹp nhất của trẻ thơ".
Đỗ Minh Hội
Người ông có vẻ khắc khổ trong khi bé gái tầm 5 tuổi đi cùng rất sành điệu, với nón, mũ, giày dép hoa hòe đủ cả.
Đứa bé rất ngoan, rất lễ phép, thấy ai cũng chào, chào tỷ mẩn từ mấy chị phía ngoài, đến tôi ngồi tít trong cũng được đứa nhỏ lóc cóc đi vào "chào chú".
Tuy nhiên điều làm tôi khá ngạc nhiên là mặc dù chào hỏi rất lễ phép, nhưng đứa nhỏ lại cứ hếch mặt lên, riêng có cặp kính đen nom khá thời trang nhất quyết không bỏ ra. Thành ra tạo cho mình một cảm giác lạ lạ: "Bé tí học đòi làm tiểu thư, kè kè cặp kính râm đeo trên mắt, ngộ ghê!".
Trong lúc người ông già cả lụi hụi hỏi mua ít tập vở, em nhỏ cứ cắm ngắm nghía mãi những hộp bút màu, những cây bút sặc sỡ, những quyển sổ tay xinh xinh trong tủ văn phòng phẩm. Chợt em níu áo người ông, nói có lúc nhỏ nhẹ, chắc xin mua món gì đó kiểu: Ông cho con mua mấy quyển tập kia nha.
Người ông như có cái gì đó ngại ngần, có vẻ như trong túi không có nhiều tiền, gắt với cô cháu gái nhỏ:
- Này ông mua cho chị con đi học. Con có đến trường đâu mà cần bút với tập...!
Đứa bé tiu nghỉu. Nó lại dán mắt vào tủ quầy hàng mân mê, nhưng tuyệt không nói thêm tiếng nào nữa.
Khi hai ông cháu khuất bóng sau cánh cửa. Chị chủ tiệm đi vào nói như bí mật:
- Nè nè, lúc đứa nhỏ đi qua chị nhìn thoáng qua cặp kính. Hình như... con bé hỏng một bên mắt rồi... Chị thấy một bên mắt đứa nhỏ chỉ còn là một cái hốc trống rỗng thôi à.
- Đúng rồi em thấy kỳ sao nó cứ đeo cái kính đen kè kè miết. Em lại cứ tưởng phong cách con nít bây giờ là đeo kính "chảnh chảnh" vậy chứ.
- Chị cũng không biết. Biết sớm lúc nó xin mua mấy quyển tập chị tặng nó ít giấy với bút màu cũng được... tội nó quá.
- Xót xa quá, em cũng không để ý. Thấy người ông có gắt con bé mấy câu... Để em chạy đi kiếm hai người họ thử. Có em tặng cho con bé ít giấy bút. Có đáng mấy đồng đâu mà.
Hóa ra giờ tôi mới hiểu mọi chuyện: Cặp kính đen đó không nhằm ngoài mục đích gì khác ngoài che dấu một bên mắt của em đã hỏng hoàn toàn. Đứa bé ấy mới 5 tuổi đầu, chỉ còn một con mắt để nhìn thế giới này mà thôi...!
Nhào ra ngoài cửa dắt vội chiếc xe ba bánh, không quên hỏi với lại: Chị cho em hỏi hai ông cháu đi hướng nào vậy? - Đi bộ em ơi, rẽ hướng bên phải ấy.
Tôi chạy xe đi tìm, cứ mải miết đi hết qua ngã ba này đến ngã ba nọ. Dáo dác nhìn mãi bên ven đường, rõ là mới đi bộ thì không thể đi xa được...
Thế mà không một dấu vết, có lẽ tôi đã vòng đi vòng lại hơn mấy lượt nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi. Cái bóng dáng một ông một cháu dắt nhau đi xiêu vẹo tưởng dễ nhận ra mà đi mãi chẳng nhìn thấy. Có thể họ đã nghẹo vào một con hẻm nào đó.
Tôi cứ nghĩ mãi trong lúc đi tìm, rằng trong hình hài nhỏ bé đó đã phải chịu nỗi đau đớn đến nhường nào: Căn bệnh hay hoàn cảnh nào đã khiến em phải múc bỏ một con mắt của bản thân mình? Con mắt còn lại có còn lành lặn? Nếu đúng như lời người ông nói thì tương lai em cũng còn cơ hội đến trường, đi học hay không?
Hay... sớm muộn vì sự tự ti nơi gia đình, hay một hoàn cảnh nghiệt ngã hơn nữa khiến cuộc đời em sớm chìm vào bóng tối. Liệu lúc đó một cây bút màu, một tờ giấy tưởng giản đơn để em có thể họa lại cuộc sống tươi đẹp này cũng còn sử dụng được nữa chăng?
Tôi đành trở về tiệm với niềm tiếc nuối vô hạn và nỗi xót xa với số phận của một thiên thần còn nhỏ đã phải chịu đựng nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần và cả một tương lai bất định phía trước.
Ngày hôm ấy thật dài, thật trầm lặng.
Tôi kể lại câu chuyện này không giống như kỷ niệm đẹp để ghi nhớ, mà như một sự day dứt khôn nguôi rằng mình đã không đủ nhạy cảm, đủ may mắn để tìm lại được người ông và người cháu đó. Chỉ để cho con bé một niềm vui nhỏ nhoi là một ít giấy và bút màu mà thôi.
Tương lai hẳn là vô định lắm... nhưng tôi cứ mong mãi một hy vọng: Ước cho con mắt còn lại của em được bảo vệ, được mãi sáng trong.
Hay tôi có thể gặp lại hai ông cháu đó, mua tặng cho em những cây bút, thật nhiều giấy và có thể là thật nhiều tranh ảnh đẹp về cuộc sống, về chính những cảnh đẹp của đất nước mình để em vẽ thỏa thích.
Để người lớn chúng ta không vì vô tình mà bỏ quên những ước mơ rất chính đáng của các em...để mang trong mình nỗi day dứt khôn nguôi.
Ghi lại một chút, mong mỗi trẻ em trên cuộc đời đều khỏe mạnh, không bị đe dọa bởi bóng đêm bệnh tật, để các em luôn được tận hưởng một cuộc đời đẹp nhất của trẻ thơ.
Mời bạn tham gia viết bài 'Những ký ức đẹp'
Điều gì đã đọng lại trong bạn để trở thành ký ức không thể quên? Gợi nhớ ký ức không phải là khơi lại đống tro tàn. Ký ức đôi khi là hành trang, là chiêm nghiệm... để ta bước tiếp với đôi chân vững chãi. Có những ký ức rất đẹp, cũng có những ký ức khi hồi tưởng lại, ít nhiều trong chúng ta vẫn còn cảm thấy "nợ" người trong cuộc.
Nhằm ghi lại những câu chuyện của chính bạn hoặc của người khác nhưng gây nhiều xúc động trong bạn, Tuổi Trẻ Online kính mời bạn viết bài với chủ đề 'Những ký ức đẹp' cho chuyên mục Bạn đọc làm báo.
Bài viết không giới hạn về thể loại bao gồm: văn xuôi, văn vần, thơ, vè... dài tối đa 1200 từ (có thể kèm clip, hình ảnh). Những bài viết khi đăng sẽ được trả nhuận bút.
Mọi thư từ, bài viết xin vui lòng gởi về: [email protected] hoặc [email protected]. Thông tin bạn đọc, tài khoản... xin ghi rõ dưới bài viết. Chân thành cảm ơn!
TUỔI TRẺ ONLINE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận