"Hằng ngày tôi vẫn cố gắng thực hiện nhiều cách sống xanh như: phân loại rác tại nhà, đi chợ bằng túi giấy, mang ly ở nhà để mua cà phê… Nhưng nhiều lúc cảm thấy mình lạc lõng khi xung quanh người ta đều làm ngược lại. Đến ngày hội, tôi được củng cố niềm tin" - chị Hồng Uyên, giám đốc phía Nam một công ty truyền thông, chia sẻ.
Ngày hội truyền cảm hứng rất lớn
Sau khi trải nghiệm các hoạt động tại Ngày hội Việt Nam Xanh ở Nhà văn hóa Thanh niên (quận 1, TP.HCM), chị Uyên hy vọng sẽ có nhiều chương trình như thế này hơn để mọi người hiểu đúng và đủ về sống xanh.
Bác sĩ Mỹ Loan (phòng khám An Hy, quận Phú Nhuận) nhận xét:
"Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền một chiều mà không có những ngày hội như thế này - với những hoạt động kết nối, sản phẩm tái chế, kiến thức cụ thể - thì khó mà nâng cao nhận thức cũng như thúc đẩy người dân thực hành sống xanh.
Rất nhiều bạn trẻ đến Ngày hội Việt Nam Xanh cũng chia sẻ những kiến thức tiếp thu khá thú vị.
Bạn Hoàng My (quận Bình Thạnh) cho biết: "Phụ nữ thường sẽ thay đổi trang phục nhanh theo thời nhưng giờ có thể sẽ hạn chế bằng những bộ trang phục tông trầm, chất liệu cotton thân thiện với môi trường"...
Bày tỏ niềm tin về một tương lai sống xanh của người Việt, bà Hoàng Thị Minh Ngọc, giám đốc vận hành Chợ Tốt, kỳ vọng: "Chúng tôi tin rằng khi giới trẻ chọn đồ cũ, họ không chỉ tiết kiệm mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Ngày hội Việt Nam Xanh không chỉ là dịp để mọi người nhận quà, mà còn là cơ hội để cảm nhận ý nghĩa lớn lao của lối sống xanh, đem lại niềm cảm hứng và động lực mạnh mẽ để mọi người cùng chung tay xây dựng một tương lai bền vững".
Trầm trồ trước những sản phẩm tái chế
Trong hai ngày diễn ra Ngày hội Việt Nam Xanh, đông đảo người dùng đến tham quan đã không khỏi trầm trồ trước những bộ chén đĩa dùng một lần được làm hoàn toàn từ lá cây chắc chắn và đẹp mắt tại không gian trải nghiệm của Trường đại học Công nghiệp TP.HCM.
Hay tại không gian trải nghiệm của Công ty nhựa Duy Tân, những sản phẩm làm từ chai nhựa đã qua sử dụng, mang thông điệp "Đổi đời cho chai nhựa" cuốn hút nhiều người.
Khu vực trưng bày của Công ty Faslink hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ bởi những sản phẩm thời trang có nguồn gốc từ phế thải như vỏ hàu, bột đá, bã cà phê, sợi sen…
Nhờ công nghệ, những phế thải được "hô biến" thành những sản phẩm mới mẻ và giá trị.
Đặc biệt, hình ảnh những em nhỏ cùng cha mẹ đem hàng chục, thậm chí hàng trăm hộp sữa giấy rỗng đến để đổi quà tại không gian trải nghiệm của Công ty Vinamilk gây ấn tượng mạnh với khách tham quan.
Không gian trải nghiệm của Công ty Suntory PepsiCo Việt Nam lại nổi bật với các sản phẩm có bao bì được làm từ 100% nhựa tái sinh. Để giảm tác động với môi trường, công ty này đã không ngừng đổi mới giảm nhựa nguyên sinh trong bao bì, cải tiến bao bì để tăng khả năng tái chế.
Thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh
Theo nhà báo Trần Xuân Toàn, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, Ngày hội Việt Nam Xanh đã khép lại thành công, lan tỏa mạnh mẽ những thông điệp về sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và phát triển bền vững.
Thông qua ngày hội, các doanh nghiệp đã kết nối, có thêm nhiều đơn hàng sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế và người tiêu dùng cũng biết thêm nhiều hơn về những sản phẩm thân thiện với môi trường, góp phần hình thành thói quen sống xanh, tiêu dùng xanh.
Đó là những giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ một ngày hội, góp phần thúc đẩy nền kinh tế xanh và giảm phát thải carbon.
Ông Đào Nguyên Khánh, trưởng bộ phận phát triển bền vững và truyền thông doanh nghiệp INSEE Việt Nam, khẳng định:
"Thông qua ngày hội, chúng tôi có cơ hội để giới thiệu nhiều hơn đến người tiêu dùng, đặc biệt là các khách hàng trẻ sản phẩm vật liệu xanh, ít phát thải carbon.
Rất nhiều khách hàng đã hiểu rõ hơn về quy trình sản xuất xi măng xanh, xi măng giảm phát thải cũng như bày tỏ sẽ dùng những sản phẩm xanh này trong thời gian tới.
Thông qua ngày hội, những thông điệp về phát triển bền vững, thúc đẩy việc ứng dụng sản phẩm xi măng ít phát thải carbon vào các công trình xây dựng đã được lan tỏa".
Bà Bùi Phương Thảo - giám đốc bền vững của AirX Carbon - cho hay điều bất ngờ là rất nhiều khách hàng thông qua báo Tuổi Trẻ đã biết đến AirX Carbon và đã đến với ngày hội để trực tiếp tìm hiểu, trải nghiệm những sản phẩm tái chế từ phế phẩm nông nghiệp như vỏ dừa, vỏ trấu, vỏ cà phê, vụn gỗ… mà đơn vị đang sản xuất.
"Có hơn 10 đối tác đã trao đổi, bày tỏ mong muốn đặt các đơn hàng sản xuất những tấm pallet hay những sản phẩm tái chế, mở ra một cơ hội sản xuất nhiều hơn với chúng tôi, giúp các sản phẩm tái chế đến gần hơn người tiêu dùng" - bà Thảo phấn khởi nói.
"Ngày hội quá ý nghĩa, mang nhiều thông điệp"
Trưa 10-11, ông Johnathan Hạnh Nguyễn (chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG) bước xuống xe, lặng lẽ đi vào không gian của Ngày hội Việt Nam Xanh, hòa vào dòng người đang "trẩy hội" để tìm hiểu những sản phẩm xanh.
Rảo một vòng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã nán lại, chia sẻ với các doanh nghiệp có sản phẩm giới thiệu tại ngày hội.
Sau khi trải nghiệm tại ngày hội, ông chia sẻ với Tuổi Trẻ: "Quá ý nghĩa, tôi đi một vòng thấy toàn bộ không gian xanh và mang rất nhiều thông điệp".
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn kể rằng sáng cuối tuần, ông đang ngồi trên xe đi ngang qua Nhà văn hóa Thanh niên, thấy thông tin Ngày hội Việt Nam Xanh ở cổng, ông đã tò mò vào xem.
Càng đi sâu vào các không gian, ông càng thấy nhiều sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế được giới thiệu đã truyền đi được thông điệp về tiết giảm, tái chế, tái sử dụng…
Đánh giá cao ý nghĩa và sự lan tỏa của chương trình, ông Johnathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng Tuổi Trẻ tiếp tục "xông pha" trong các hoạt động để thúc đẩy sự phát triển bền vững, không chỉ ở TP.HCM mà lan tỏa hơn nữa trên cả nước với mục tiêu vì Việt Nam xanh, sạch, đẹp.
Cuộc thi "Tái tạo xanh" khép lại với 11 giải thưởng
Tối 10-11, ban tổ chức cuộc thi "Tái tạo xanh" đã công bố kết quả. Sau hơn 4 tháng phát động, ban tổ chức đã nhận được hơn 300 bài dự thi của bạn đọc khắp cả nước.
Đây là những câu chuyện, ý tưởng, hành động thiết thực về tái chế sản phẩm, hướng tới sống xanh, đặc biệt là các dự án, hoạt động cộng đồng ý nghĩa thúc đẩy nền kinh tế xanh. Kết quả, hội đồng giám khảo đã tuyển chọn và quyết định trao 11 giải cho các cá nhân, đơn vị tham gia.
Trong đó, giải nhất được trao cho dự án chén đĩa làm từ lá cây của Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường (Trường đại học Công nghiệp TP.HCM). Hai giải nhì thuộc về mô hình biến rác thành phân bón hữu cơ và dự án Ước mơ triệu cây xanh.
Các giải ba thuộc về dự án Mèo Tôm Handmade, dự án biến rác thành sản phẩm du lịch - hợp tác xã Green Life và dự án Sài Gòn Xanh - CLB Sài Gòn Xanh. Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao 5 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận