Chương trình môn Sử nặng nề, xã hội thờ ơ

M.GIẢNG - H.HƯƠNG
M.GIẢNG - H.HƯƠNG

TT - Nhiều giảng viên, giáo viên lịch sử đánh giá chương trình giảng dạy môn lịch sử hiện nay quá nặng nề, khô khan. Nhiều ý kiến cho rằng xã hội đang quay lưng với các môn xã hội, nhất là môn sử, đã khiến môn học này bị ghẻ lạnh.

Read this on Tuoitrenews.vn

LEca3TKV.jpgPhóng to

Phổ điểm môn lịch sử của thí sinh dự thi vào Trường ĐH Cần Thơ - Đồ họa: N.Khanh. Ảnh: Như Hùng

Thầy Phạm Văn Roanh - nguyên tổ trưởng tổ sử Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - cho rằng cần nghiêm túc nhìn lại quá trình dạy và học cũng như chương trình môn sử ở bậc phổ thông. Học sinh lớp 12 hiện tại chỉ học 1,5 tiết sử/tuần nhưng cả năm học, học sinh phải “ngốn” hết chương trình lịch sử thế giới từ năm 1945 đến nay, chương trình lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Trong đó có quá nhiều sự kiện đi liền với những ngày, tháng, năm bắt buộc học sinh phải nhớ hết. Quá tải nên học sinh phải “bơi” trong mớ kiến thức hỗn độn, học trước quên sau dẫn đến tình trạng chán học. Nhiều em chấp nhận điểm thi môn sử thấp, bỏ học sử để dành thời gian cho những môn khác.

Giáo viên cũng “bơi”

Ngay cả giáo viên môn sử cũng phải “bơi” trong khối lượng kiến thức khổng lồ như hiện tại. Trước mỗi kỳ thi, một số giáo viên tâm huyết, có kinh nghiệm thường soạn đề cương cho học sinh dễ học để đi thi nhưng cũng chỉ dừng lại ở dạng học thuộc lòng những kiến thức cơ bản. “Trước đây, khi Bộ GD-ĐT xây dựng chương trình phổ thông mới, tôi và một số giáo viên ở TP.HCM cũng được mời đóng góp ý kiến nhưng rất tiếc khi chương trình, sách giáo khoa ra đời thì không thấy những ý kiến của mình được tiếp thu” - thầy Roanh tâm tư.

Cùng quan điểm, cô Nguyễn Ái Hằng - tổ trưởng tổ sử Trường THPT Trần Phú (TP.HCM) - cho rằng phải nói là môn sử quá nặng khiến cả thầy và trò đều rất khó khăn để hoàn thành chương trình. Từ khi cải cách, chương trình môn sử càng nặng hơn (thêm vào rất nhiều nội dung từ năm 1991 đến nay) trong khi phân bổ tiết học lại giảm đi. Cô Hằng nói: “Thời gian lên lớp quá ít nên chỉ đủ cho giáo viên và học sinh chạy theo chương trình, thời gian đâu để hướng dẫn thêm cho học sinh? Cuối kỳ mới có một tiết ôn tập mà như thế thì chỉ như cưỡi ngựa xem hoa”.

Một giáo viên môn sử ở Q.3, TP.HCM nhận định chương trình nặng nề, khô khan, lặp lại (chương trình môn sử THPT giống như bậc THCS, có mở rộng thêm mà thôi) là vấn đề tồn tại từ lâu nay. Gần đây, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn giảm tải, giáo viên chúng tôi chỉ dạy kiến thức trọng tâm, còn lại để học sinh tự học. Tuy nhiên, vấn đề chính vẫn chưa được giải quyết rốt ráo bởi thời lượng dành cho môn sử như hiện nay thì giáo viên vẫn khó khăn. Trong khi đó, học sinh đang phải học quá nhiều môn nên không có thời gian cho việc tự học.

Giáo viên này nhấn mạnh ngoài việc cải tiến chương trình, kêu gọi giáo viên đổi mới phương pháp giảng dạy thì rất cần đổi mới mạnh mẽ cách ra đề thi. Đề thi nên cho thí sinh tư duy, nhận định về một sự kiện, một vấn đề nào đó sẽ hay hơn và phù hợp với thời đại hơn. Một giảng viên môn sử Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho rằng rất cần có sự thay đổi cơ bản về chương trình, sách giáo khoa môn sử, cần cô đọng hơn cho học sinh dễ tiếp thu, dễ nhớ chứ ôm đồm quá như hiện nay lại gây tác dụng ngược.

Sẽ còn tái diễn?

Ở khía cạnh khác, cô Nguyễn Ái Hằng cho rằng học sinh, phụ huynh bây giờ không thiết tha với khối C, bởi học những ngành tuyển sinh khối này ra trường đi làm thu nhập thấp, đầu ra hẹp nên số thí sinh khá giỏi dự thi khối C ngày càng ít. “Mặt khác, phải thừa nhận học sinh khối C thường không có tư duy logic, lập luận tốt bằng học sinh các khối khác. Đó là chưa kể nhiều em học yếu, không đủ khả năng thi các khối khác nên chọn thi khối C” - cô Hằng nhận định.

TS Nguyễn Đức Hòa - trưởng bộ môn lịch sử Trường ĐH Sài Gòn - khẳng định không ngạc nhiên với kết quả thấp của môn sử và dự báo tình trạng này sẽ còn tái diễn trong các năm tiếp theo. Ông Hòa cho rằng không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, trường THPT đều khá thờ ơ với khối C nói chung và môn sử nói riêng, từ đó không mặn mà đầu tư, chỉ học để đối phó. TS Hòa nhấn mạnh: “Không phải học sinh nào cũng đủ năng lực thi khối A, B, D. Nhiều em chọn khối C vì thích hoặc vì yếu các môn tự nhiên. Do đó nhà trường cần phải chú trọng đều các môn chứ không chỉ các môn thi tốt nghiệp hay có đông học sinh lựa chọn thi ĐH”.

Giảng viên một trường ĐH có trường THPT thực hành tại TP.HCM khẳng định ngay cả nhà trường phổ thông cũng không đầu tư đúng mức cho môn sử vì nhiều lý do. “Tôi từng nghe tình trạng phụ huynh “kêu” với ban giám hiệu nhà trường vì giáo viên môn sử dạy nhiều quá, con em họ không có thời gian để học những môn khác. Chưa kể giờ sử nhưng nhiều học sinh mở sách toán, lý ra học. Thật ra tình trạng này bắt nguồn từ tâm lý coi thường môn sử của một bộ phận phụ huynh và học sinh chứ tôi thấy nhiều giáo viên môn sử rất tâm huyết, giảng dạy tiết lịch sử rất hấp dẫn chứ không khô khan” - giáo viên này khẳng định.

M.GIẢNG - H.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp