Các chuyên gia và người trong cuộc sẽ đưa ra giải pháp gì để tháo gỡ?
Phóng to |
Một nơi an cư lạc nghiệp luôn là mơ ước của mọi người - Ảnh: T.T.D. |
Trả nợ trước hạn sẽ không bị phạt
“Điều khiến người dân lo lắng nhất khi vay vốn là việc nếu trả nợ trước hạn thì sẽ bị ngân hàng cho vay phạt. Mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu, nhưng nói chung là khoản nộp phạt dù có thấp đi chăng nữa thì cũng thấy băn khoăn quá” - chị Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên Trường mầm non Hoa Mai (Hà Nội), thắc mắc.
Chia sẻ với lo lắng của người mua nhà, đại diện lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) đề xuất: “Chúng ta nên khuyến khích người dân trả vốn trước thời hạn nếu họ có điều kiện. Vì như vậy Nhà nước mới có nguồn để hỗ trợ người mua nhà khác tiếp cận với nguồn vốn này. Vì 30.000 tỉ đồng là khoản tín dụng không nhỏ trong điều kiện ngân sách hạn hẹp nhưng lại là rất nhỏ bé so với nhu cầu về nhà ở của người dân.
Lâu dài nên thành lập quỹ tín dụng dành riêng cho người dân thu nhập thấp vay để tạo dựng nơi ở cho mình. Quỹ này có thể cho vay để mua, thuê và đầu tư xây dựng nhà ở cho người dân”.
Về quy định phạt khách vay nếu trả nợ trước hạn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giải thích đây là chương trình của Nhà nước để hỗ trợ nhà ở nên phải hỗ trợ người mua nhà làm sao đảm bảo quyền tốt nhất cho họ. NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng không được thu phí, tức là không được phạt khi người dân trả nợ trước hạn.
Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), cho biết lãi suất được tính trên dư nợ thực tế giảm dần sẽ góp phần làm giảm áp lực trả nợ cho khách hàng.
Có cho thế chấp nhà?
Những trở ngại đối với người dân vẫn chưa hết khi nỗi lo thủ tục vay vốn mua nhà xã hội vẫn còn đó. Theo quy định trong thông tư 07 của Bộ Xây dựng thì trong hồ sơ vay vốn mang đến ngân hàng, người dân phải có hợp đồng mua nhà. NHNN cho rằng đây là quy định của Bộ Xây dựng, nhưng ông Cao Sĩ Kiêm cho rằng nói như vậy là không hoàn toàn thuyết phục.
Thực tế, theo chuyên gia ngân hàng này, các ngân hàng sẽ cân nhắc khả năng trả nợ của khách hàng, làm sao hạn chế rủi ro nhất cho ngân hàng để giải ngân vốn. Do vậy sẽ không loại trừ khả năng nhiều trường hợp không vay được vốn dù đã ký hợp đồng mua nhà.
“Nếu không được vay thì người ta lấy tiền đâu mà trả, chính sách đảm bảo nhà ở cho người dân sẽ không thực hiện một cách trọn vẹn. Cách làm của ngân hàng là bảo toàn vốn, tức là khách hàng phải đảm bảo trả nợ cả gốc lẫn lãi cũng là điều phù hợp. Nhưng ngân hàng nên để người dân thế chấp khoản vay bằng chính căn nhà. Như thế sẽ tạo điều kiện cho cả ngân hàng và người vay đạt được mục đích của mình” - ông Kiêm đề xuất.
Theo ông Phan Đức Tú - tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV), khách hàng vay vốn ở BIDV có thể thế chấp chính căn nhà mà họ vay vốn để mua. Vì thực chất người thu nhập thấp lấy đâu tài sản để thế chấp, nếu không cho họ thế chấp bằng chính tài sản thì xem như họ không thể tiếp cận được nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Phước Thanh cho biết các khách hàng cá nhân vay vốn mua nhà của chương trình này tại Vietcombank cũng có thể dùng tài sản hình thành từ vốn vay để vay vốn mua nhà ở xã hội. Mức vốn vay lên tới 80% giá trị nhà. Trường hợp khoản vay được đảm bảo bằng các tài sản khác, mức vay vốn có thể lên tới 90% giá trị nhà.
Về thủ tục vay vốn, theo đại diện của một chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn ở Hà Nội, Bộ Xây dựng chỉ hướng dẫn chung chung và giao cho các ngân hàng hướng dẫn cụ thể cho khách hàng về thủ tục vay vốn. Chẳng hạn, đối tượng thu nhập thấp có mức thu nhập bao nhiêu là được vay vốn từ chương trình này cũng chưa được cơ quan quản lý quy định cụ thể. Nên mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu.
Hai năm nữa mới tập trung cho người vay
Ông Nguyễn Viết Mạnh, vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN), cho biết thời gian đầu sẽ triển khai cho vay đối với các chủ đầu tư để nhằm tăng cung cho thị trường. Sau đó, NHNN sẽ triển khai cho vay vốn đối với các khách hàng cá nhân. Trong gói 30.000 tỉ đồng hỗ trợ của chương trình này, 21.000 tỉ đồng dành cho người dân vay để mua nhà xã hội, chỉ còn 9.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp vay xây dựng nhà. NHNN sẽ giám sát nguồn vốn này đảm bảo theo đúng tỉ lệ 30% cho doanh nghiệp vay, 70% dành cho người mua nhà vay.
Ông Phan Đức Tú cho biết BIDV cam kết dành 10.000 tỉ đồng cho chương trình này. Trước hết để có hàng thì BIDV sẽ giải ngân cho chủ đầu tư xây nhà, nghĩa là tạo cung cho thị trường. Sau đó 2-3 năm nữa thì vốn sẽ dồn để cho người dân vay, tỉ lệ cho người dân vay lúc đó có thể lên đến 90% số vốn mà BIDV cam kết thực hiện. Còn đến thời điểm này, hiện nay hầu hết địa phương như Hà Nội và TP.HCM mới đang xem xét phê duyệt dự án nhà ở xã hội.
BIDV đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với một số chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và chỉ chờ danh sách dự án được Bộ Xây dựng phê duyệt là ký hợp đồng vay vốn ngay. Trong khi đó, lãnh đạo của HUD khẳng định HUD cam kết người dân đủ điều kiện được mua nhà trong các dự án đầu tư nhà ở xã hội của HUD đều được tiếp cận với gói tín dụng này.
“Sau khi xem xét các điều kiện, chúng tôi sẽ cho người dân bốc thăm để mua căn nhà mình đăng ký một cách công khai minh bạch. Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu các biện pháp thi công tốt nhất, nhanh nhất, đảm bảo an toàn để sớm đưa công trình vào sử dụng. Về giá thành, HUD đảm bảo bán đúng với giá niêm yết, thậm chí trong quá trình thi công sẽ tiếp tục thực hành tiết kiệm cắt giảm các chi phí không cần thiết nhằm kéo giá thành xuống mức tốt nhất” - vị này nói.
Trước đây có một số doanh nghiệp tư nhân xây dựng căn hộ giá rẻ nhưng sau khi tung ra thị trường đến tay người tiêu dùng thì giá đã chênh lệch nhiều so với giá niêm yết do đã trải qua khâu môi giới. Trả lời Tuổi Trẻ về việc Bộ Xây dựng làm cách nào để có thể đảm bảo các doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội bán căn hộ đúng như giá niêm yết, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng điều đó chỉ xảy ra với các loại nhà ở thương mại giá rẻ tại TP. HCM.
“Còn riêng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp được quản lý rất chặt chẽ, danh sách người được mua căn hộ phải được gửi lên các cấp thẩm quyền xét duyệt, bình bầu, sau đó phải công bố trên trang mạng của sở xây dựng địa phương lẫn doanh nghiệp. Sau thời hạn 45 ngày công bố nếu không phát sinh thắc mắc lúc đó mới được ký hợp đồng bán. Trước đây, tại dự án nhà ở xã hội tại quận Hà Đông (Hà Nội) chỉ xảy ra một trường hợp mua đi bán lại không đúng đối tượng và sau đó đã bị thu hồi ngay” - ông Nam thông tin.
Về việc hỗ trợ người dân vay vốn, ông Nam cho hay Bộ Xây dựng đang khuyến khích các chủ đầu tư khi ký hợp đồng bán nhà cho người dân cần phải đứng ra làm cầu nối trung gian giúp người dân làm thủ tục với ngân hàng. Chủ đầu tư sẽ có bộ phận chuyên trách tập hợp hồ sơ, hướng dẫn người dân làm thủ tục với ngân hàng.
Doanh nghiệp tư nhân khó tiếp cận vốn Dù thuộc đối tượng được vay vốn nhưng một chủ đầu tư xây nhà ở xã hội tại Hà Nội đánh giá cánh cửa vay vốn của chương trình này dường như không rộng mở cho các chủ đầu tư nhỏ, nhất là tư nhân. Vì hầu hết chủ đầu tư lớn của Nhà nước và các ngân hàng đã ký kết hợp đồng từ khi chính sách chưa ra đời. Một lãnh đạo của HUD thừa nhận do HUD là doanh nghiệp nhà nước, cộng với uy tín trong lĩnh vực bất động sản, đồng thời kết hợp với các mối quan hệ bạn hàng thân thiết với các ngân hàng thương mại nhà nước nên tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. |
Hơn 31.000 căn hộ thương mại sẽ chuyển sang nhà xã hội Theo Bộ Xây dựng, từ nay đến năm 2015, trong khu vực đô thị của cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5m2) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu chỗ ở ổn định. Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và cho công nhân khu công nghiệp, cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ. Riêng nhu cầu nhà ở xã hội của cán bộ công chức của 25 bộ ngành tại Hà Nội đã là khoảng 30.000 căn. Bộ Xây dựng tính toán sẽ có hàng ngàn căn nhà xã hội được xây dựng qua vay vốn ưu đãi từ chương trình này. Hiện nay có hơn 10 dự án đang được Bộ Xây dựng xét duyệt, thẩm định để được vay vốn. Tính đến nay, cả nước đã có 50 chủ đầu tư đề xuất điều chỉnh quy mô khoảng 31.000 căn hộ. Hà Nội có sáu dự án điều chỉnh quy mô căn hộ với gần 3.500 căn, 19 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với khoảng 10.000 căn. TP.HCM có 20 dự án nhà ở thương mại chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô gần 10.000 căn hộ. L.Thanh - T.Phùng |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận