Học sinh Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TP.HCM trong giờ học với sách Tiếng Việt - Ảnh: Như Hùng |
Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo, phụ huynh bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại về điều kiện giáo dục phổ thông ở VN đang có quá nhiều bất cập, ảnh hưởng tới việc triển khai chương trình nói trên.
* TS Đặng Thị Thanh Huyền (giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học quản lý giáo dục):
Đã quá lạc hậu rồi, cần thay đổi!
Đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng mở, gắn với thực tiễn cuộc sống, hình thành, phát triển năng lực của học sinh như dự thảo chương trình tổng thể mà Bộ GD-ĐT vừa công bố là một hướng đi đúng, phù hợp với xu hướng thế giới. Chúng ta đã quá lạc hậu rồi, đến lúc phải mạnh dạn thay đổi.
Với định hướng của chương trình giáo dục mới, vấn đề quá tải, nhồi nhét kiến thức như bất cập của chương trình cũ sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, khi xây dựng chương trình môn học và tổ chức thực hiện cần phải bám sát được tinh thần này.
Những mục tiêu xa vời, những nội dung kiến thức hàn lâm, đi sâu vào khoa học lĩnh vực cần phải dũng cảm lược bỏ; giữ lại và bổ sung những nội dung kiến thức thiết thực, gần gũi với môi trường sống xung quanh, hướng học sinh vào việc vận dụng những hiểu biết, kiến thức đó để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống của mình.
Những ý kiến cho rằng với chương trình mở này, nhiều môn học bị biến thành môn phụ hoặc còn dưới cả môn phụ, tôi nghĩ không phải là vấn đề. Vì theo thiết kế của chương trình giáo dục phổ thông trong dự thảo vừa công bố, giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến hết lớp 9) đã đảm bảo cho học sinh nền tảng kiến thức, kỹ năng tối thiểu ở những lĩnh vực, môn học cần thiết.
Còn ở bậc THPT, bắt buộc phải tăng cường phân hóa. Việc bắt học sinh học 13 môn học đủ các lĩnh vực như hiện nay là một bất cập dẫn đến việc dạy học không hiệu quả, đối phó với thi cử. Ở bậc THPT, học sinh có quyền được lựa chọn môn học, chuyên đề học tập theo định hướng nghề nghiệp, theo sở thích, sở trường.
* TS Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội):
Cơ hội học những môn yêu thích
Tôi ủng hộ tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Nên chấm dứt thời chia đều thời lượng, chia đều yêu cầu giáo dục cho tất cả các môn học. Vì mỗi học sinh không thể cùng lúc học tốt cả chục môn học, càng không thể giỏi tất cả các môn học. Cũng không thể kỳ vọng tất cả học sinh đều đạt một mức độ giáo dục như nhau.
“Kiểu giáo dục dàn hàng ngang” này đã rất lạc hậu so với thế giới rồi. Tôi nghĩ nếu làm được như chương trình thiết kế thì không chỉ giảm tải mà các em học sinh còn có cơ hội học những môn yêu thích, cần cho cuộc sống hiện tại và tương lai.
Điều tôi lo ngại nhất là việc tổ chức thực hiện như thế nào để đúng với tinh thần của chương trình. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT cần tính toán kỹ.
Riêng về đội ngũ giáo viên, nếu cứ nhìn vào bằng cấp giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn thì khó có thể đánh giá đúng khả năng tiếp nhận, thực thi chương trình mới. Giáo viên cần được tập huấn kỹ về phương pháp dạy học, đánh giá học sinh, phương pháp giáo dục.
Bên cạnh đó cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề thay đổi nhận thức của các cấp quản lý giáo dục, điều chỉnh những bất cập trong cơ chế quản lý, các quy định về lao động của nhà giáo, quy định đãi ngộ… Có như vậy thì một chương trình tốt mới khả thi và đạt mục tiêu đề ra.
* Thầy Nguyễn Văn Ánh (giáo viên sinh học Trường THPT Trần Quang Khải, quận 11, TP.HCM):
Không nên bỏ các môn phụ
Cách tổ chức môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới có nhiều nét tương đồng với cách học phân ban trước đây, học sinh cấp THPT có thể tập trung vào những môn các em dự định thi ĐH. Giáo viên sẽ cơ bản đồng tình với những thay đổi này, bởi nó tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn môn học mong muốn ngoài những môn bắt buộc.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi thì với cách làm này học sinh sẽ chọn học các môn tự nhiên nhiều hơn, dẫn đến việc dư thừa giáo viên các môn xã hội và sẽ rất vất vả cho giáo viên các môn tự chọn. Bắt buộc đối với bốn môn chính là hợp lý.
Bên cạnh đó các môn phụ có thể cho học sinh cơ chế chọn lựa, môn nào chọn thì học nhiều tiết hơn, những môn các em không chọn thì không bỏ mà vẫn nên duy trì nhưng giảm thời lượng xuống, bởi kiến thức tất cả các môn đều cần thiết.
* Hiệu trưởng một trường THCS tại Gò Vấp, TP.HCM:
Nên đi kèm đổi mới sách giáo khoa
Tôi mong muốn việc điều chỉnh, đổi mới lần này sẽ đi kèm đổi mới sách giáo khoa, làm gọn lại và có tính liên thông giữa kiến thức các khối lớp, các môn liên quan, tránh trùng lắp như trước đây. Sách và chương trình cũng cần thiết kế theo hướng vận dụng thực tế nhiều hơn.
Ví dụ ở môn khoa học xã hội thực chất là gộp sử và địa, vậy kiến thức sẽ dày hơn hay gom lại và giảm tải để học sinh học nhẹ đi mà vẫn nắm kiến thức cơ bản, đó là điều chúng tôi quan tâm.
Quan trọng hơn là quan điểm dạy học phải thay đổi: học không phải để thuộc bài, học là để vận dụng.
* Chị Vũ Thị Ngọc Minh (phụ huynh, quận 12, TP.HCM):
Đi vào thực hiện liệu có theo lối cũ?
Hai con tôi đang học lớp 8 và lớp 11 nên tôi rất quan tâm đến sự thay đổi nền giáo dục trong những năm tới. Khi đọc dự thảo lần này, tôi thấy tiêu chí, mục đích đưa ra rất hay và tiến bộ, đáp ứng được nhu cầu đào tạo học sinh thành một người trưởng thành.
Theo tôi 3 môn, 7 môn hay 13 môn học không quan trọng bằng việc nội dung các môn học là gì. Nếu tích hợp thì tích hợp ra sao, cái nào cần học, cái nào học sinh tự tham khảo ở ngoài? Làm sao biến nội dung chương trình vốn nặng nề về lý thuyết trở nên sinh động, hấp dẫn, học sinh được ra ngoài nhiều, được rèn kỹ năng cần thiết.
Giáo viên trước giờ dạy một môn thôi, nếu chuyển qua dạy tích hợp khoa học xã hội hay khoa học tự nhiên, họ có cần được đào tạo lại và trong ba năm có đào tạo kịp?
Về phía phụ huynh, chúng tôi quan tâm đến chuyện dự thảo này đi vào thực hiện sẽ thay đổi cách quản lý, cách thi cử, đánh giá con em chúng tôi ra sao, hay lại học thì trải nghiệm thực tế mà thi thì vẫn đóng khung lý thuyết?
Học thì “mở” nhưng thi cử vẫn “đóng”, giáo viên thì sẵn sàng chuyển động nhưng nhà quản lý thì e ngại đổi mới. Đó là những điều cần được giải quyết trước khi chính thức thực hiện chương trình này.
Môn tự chọn: có nhiều mức Các môn tự chọn ở cả ba cấp có nhiều loại. Tự chọn tùy ý, có nghĩa học sinh có thể chọn hoặc không chọn học (ký hiệu là TC1); Tự chọn trong nhóm môn học là học sinh buộc phải chọn một hoặc một số môn học trong nhóm môn học theo quy định của chương trình (TC2); Tự chọn trong môn học, có nghĩa học sinh buộc phải chọn một số nội dung trong một môn học (TC3). Tỉ lệ môn tự chọn, nội dung tự chọn sẽ tăng dần từ bậc học thấp lên cao. Cụ thể ở bậc THPT, ngoài 4 môn học bắt buộc, học sinh lớp 10 sẽ có 4 môn tự chọn thuộc nhóm TC2 tương đương với 14 tiết/tuần; lớp 11 có 4 môn tự chọn thuộc nhóm TC2, tương đương với 12 tiết/tuần; lớp 12 có 3 môn tự chọn thuộc nhóm TC2, tương đương với 9 tiết/tuần. Các môn học thuộc nhóm TC2 gồm: lịch sử, địa lý, ngữ văn 2, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, toán 2, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Lưu ý học sinh chọn môn khoa học tự nhiên thì sẽ không chọn thêm các môn vật lý, hóa học, sinh học. Nếu chọn môn khoa học xã hội sẽ không chọn thêm lịch sử, địa lý. (Nguồn: Bộ GD-ĐT) |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận