30/12/2018 08:42 GMT+7

Chương trình giáo dục mới: Lo cho 20% bậc tiểu học vùng khó khăn

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Chương trình giáo dục phổ thông mới chỉ vừa công bố vài ngày trước, nghĩa là chỉ có 9 tháng để chuẩn bị cho việc triển khai đại trà chương trình mới ở lớp 1.

Chương trình giáo dục mới: Lo cho 20% bậc tiểu học vùng khó khăn - Ảnh 1.

Không chỉ có các vùng khó khăn về trường lớp, các đô thị lớn cũng gặp khó khăn với sĩ số đông, ảnh hưởng đến các hoạt động giáo dục. Trong ảnh: Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.12, TP.HCM) với sĩ số 60 học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Trao đổi về việc chuẩn bị để đảm bảo tính khả thi của chương trình mới, ông Thái Văn Tài - Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT - cho rằng tiểu học là bậc học ít thay đổi hơn so với các bậc học trên và lớp 1 thì hầu như không thay đổi nhiều về nội dung chương trình. Vấn đề còn lại là điều chỉnh cách thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học.

Thiết kế hướng đến 80% số trường

Theo thiết kế chương trình mới, lớp 1 chỉ có 7 môn và hoạt động giáo dục (hiện tại là 10 môn), các lớp còn lại của bậc này học 10 môn (hiện là 11 môn). Trong đó, môn nghệ thuật bao gồm âm nhạc, mỹ thuật (hai môn độc lập ở chương trình cũ).

Theo chương trình cũ, học sinh của cả bậc tiểu học học 2.353 giờ, 5 buổi/tuần nên trung bình mỗi học sinh sẽ học 2,7 giờ/lớp/buổi. Nhưng chương trình mới dạy 2 buổi/ngày, học sinh sẽ học 9-10 buổi/tuần nên trung bình học sinh học 1,8 giờ/lớp/buổi.

Nhìn vào giờ học trung bình/buổi của học sinh tiểu học thì thấy nếu các trường tiểu học trên cả nước đủ điều kiện tổ chức 2 buổi/ngày, học sinh sẽ có điều kiện "giảm tải" do cùng khối lượng nội dung chương trình nhưng thời gian được giãn ra, các trường có điều kiện tổ chức các hoạt động học, tổ chức vui chơi, sinh hoạt tập thể hoặc hướng dẫn học sinh tự học tại lớp.

Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hiện mới có khoảng 80% số trường tiểu học tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. "20% còn lại rất khó khăn. Đó là các khu vực có tình trạng di dân gia tăng, là các vùng sâu vùng xa thiếu thốn cơ sở vật chất, những nơi còn phải áp dụng mô hình lớp ghép ở điểm lẻ vùng cao, những trường học ghép cấp (mỗi cấp học 1 ca/ngày)" - ông Thái Văn Tài trao đổi.

Tuy nhiên không chỉ các vùng khó khăn kể trên khi điều kiện dạy 2 buổi/ngày gặp khó, ở các đô thị lớn, cụ thể là Hà Nội, TP.HCM nhiều trường tiểu học có sĩ số rất đông, có nhiều lớp 1 sĩ số 60-70 học sinh/lớp cũng là một khó khăn khác.

Cũng theo ông Tài, các sở GD-ĐT đang rà soát và sẽ bố trí giáo viên có năng lực, nhiệt huyết để đảm nhiệm ngay lớp 1 trong năm học tới. Giáo viên dạy lớp 1 sẽ được chú trọng tập huấn trước và kỹ, trong đó có tập huấn đặc biệt với giáo viên dạy trong điều kiện "không đảm bảo yêu cầu chung".

Bậc tiểu học được chương trình thiết kế học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết học 35 phút (có hướng dẫn cho các trường chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày).

Tin học, ngoại ngữ có gặp khó?

Ở chương trình hiện hành, môn tin học và ngoại ngữ là môn tự chọn ở tiểu học nên cũng không gọi là quá mới. Nhưng khi là môn học bắt buộc từ lớp 3 (phần tin học có trong môn tin học và công nghệ), việc đáp ứng đội ngũ giáo viên là vấn đề phải tính toán.

Tương tự, hoạt động trải nghiệm cũng mới so với chương trình hiện hành, trong đó có kế thừa những nội dung của hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa của chương trình hiện hành. Tuy nhiên, khi hoạt động trải nghiệm mang tính bắt buộc như một môn học độc lập sẽ có những điểm mới mà các nhà trường cần phải được hướng dẫn, tập huấn kỹ.

Trao đổi về những khó khăn khi thực hiện các nội dung mới ở tiểu học, ông Thái Văn Tài cho biết số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy hiện đã có 70% học sinh tiểu học cả nước được học tin học và 80% học sinh tiểu học cả nước được học ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng Anh). Trong 80% học sinh tiểu học đang được học ngoại ngữ thì có khoảng 60% được học chương trình 4 tiết/tuần. Số còn lại học 2 tiết/tuần.

Theo ông Tài, với "hiện trạng" này thì việc triển khai chương trình mới ở tiểu học không phải quá khó khăn với các môn học mới. Vì thiết kế chương trình tiểu học chưa phải học đến tin học, ngoại ngữ ở lớp 1. Điều này có nghĩa sẽ còn 2 năm để chuẩn bị giáo viên lấp đầy "khoảng trống" ở những nơi chưa triển khai được dạy tin học, ngoại ngữ (do không đủ cơ sở vật chất, giáo viên).

Tuy nhiên còn một khó khăn thực tế nằm ngoài những dự liệu trên là chất lượng giáo viên, đặc biệt là giáo viên dạy ngoại ngữ mặc dù đề án ngoại ngữ quốc gia đã triển khai nhiều năm trong đó có việc sàng lọc, tập huấn, nâng chuẩn giáo viên. 

"Chương trình mới ban hành sẽ buộc các địa phương phải cùng vào cuộc với ngành giáo dục có giải pháp cho bài toán chất lượng giáo viên" - ông Tài nói.

Tùy thực tế sẽ có hướng dẫn riêng

Tại cuộc họp công bố chương trình môn học, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng sĩ số đông. Nhưng theo đại diện Bộ GD-ĐT, "sĩ số vượt mức quy định" so với điều lệ các trường phổ thông đã ban hành cũng chỉ là số ít so với các trường tiểu học trên cả nước, nên không thể vì vậy mà giảm nhẹ nội dung chương trình chung mà phải có những giải pháp cụ thể riêng để khắc phục.

Theo lãnh đạo các vụ bậc học của Bộ GD-ĐT, thời gian tới sẽ phải nắm kỹ những khó khăn ở từng địa phương, cụ thể nơi nào còn tồn tại lớp ghép, lớp học 1 buổi/ngày, lớp quá đông về sĩ số để từng loại khó khăn có hướng dẫn riêng thực hiện chương trình sao cho phù hợp với điều kiện và xây dựng một lộ trình nâng dần điều kiện dạy học.

Dạy "tích hợp" có là nỗi sợ?

TTO - Trong chương trình giáo dục phổ thông vừa công bố có hai môn mới ở bậc THCS đang là nỗi lo của nhiều giáo viên và hiệu trưởng. Nỗi lo đến từ nội dung 'tích hợp'.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp