Lúc này, ở chợ quê Hòa Nhơn (Đà Nẵng) cũng xuất hiện cá chuồn (các loại).
Và cá chuồn còn theo "xe" những người bán cá dạo đến các vùng nông thôn, miền núi để bán hoặc đổi cá lấy mít non, rau ranh… mang về miền xuôi. Bởi vậy, ở quê tôi có câu ca: "Ai lên nhắn với nậu nguồn / Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên".
Cá chuồn có nhiều loại như cá chuồn gành, chuồn lộng, chuồn khơi, chuồn cồ, chuồn xanh…, được chế biến thành các món ăn ngon vừa dân dã, vừa hợp túi tiền của người dân quê như: kho, nấu canh chua, chiên, nướng…
Đối với người miền núi, từ lâu món rau ranh nấu canh với ốc đá hoặc cá chuồn đã trở thành một món ăn khoái khẩu, đậm đà hương vị "biển khơi - núi rừng" rất độc đáo.
Quê tôi ở gần miền núi xứ Quảng, cây rau ranh có thân và lá tựa như cây chè nhưng lá non trên ngọn thì có màu hơi tím, mọc tự nhiên ở những vùng thung lũng sát núi, ở bìa rừng hay ở những nơi gần sông suối.
Rau ranh hầu như mùa nào cũng có, nhưng khi những cơn mưa xuân lất phất là thời điểm mà rau ranh "nẩy lộc", mọc ra nhiều lá non nên khi nấu canh hay làm món xào vào thời điểm này là ngon nhất.
Rau ranh có vị ngọt thanh, ăn vào có cảm giác deo dẻo rất ngon và lành tính. Ăn thường xuyên rau ranh sẽ giúp sản phụ có nhiều sữa cho con bú.
Đặc biệt hơn, trong những ngày đầu xuân, người dân xứ Quảng đã biết kết hợp một nguyên liệu trên rừng với một nguyên liệu dưới biển để tạo ra một món canh ngon ngọt, hài hòa hương vị "biển - rừng".
Đó là món canh rau ranh nấu với cá chuồn các loại, nhưng ngon nhất là rau ranh nấu cá chuồn cồ. Món này không những ngon, lạ miệng mà rất tốt cho cơ thể trong những ngày nắng nóng, vậy nên ở quê tôi còn lưu truyền câu ca:
"Chuồn cồ nấu với rau ranh / Anh ăn một bát mát lành ruột gan" hay là "Tháng hai ăn cá chuồn cồ / thơm ngon, bùi béo, ngọt ngào hương quê".
Để có được món canh ngon như ý, đúng điệu thì khi đi hái hoặc mua rau ranh phải chọn những lá rau ranh còn non mướt.
Còn cá chuồn cồ thì chọn những con còn tươi, lớn vừa phải. Cá chuồn cồ mua về làm sạch vảy, rửa sạch, cắt làm ba khúc, ướp một ít muối, nước nắm, củ nén, ớt, tỏi, tiêu xanh giã nát cho thấm.
Rau ranh ngắt bỏ cọng, để nguyên lá rửa sạch để ráo. Phi thơm hành tỏi, ớt màu rồi cho cá chuồn cồ đã ướp vào đảo đều nhẹ tay. Khi cá đã dậy mùi thơm và vừa chín tới thì cho nước vào tiếp tục đun sôi rồi cho lá rau ranh vào.
Nồi canh sẽ dậy mùi thơm đậm đà của biển (cá chuồn cồ), của rừng, (rau ranh và tiêu xanh) cùng với sự hòa quyện giữa vị ngòn ngọt, beo béo, mặn mà của cá, vị ngọt thanh, thơm nhẹ, deo dẻo của rau ranh sẽ làm cho người ăn rất ngon miệng.
Nước canh có màu đùng đục, sóng sánh nhưng ngon, ngọt đến lạ thường. Ăn bát canh rau ranh nóng đến đâu mồ hôi toát ra đến đấy và cảm thấy khoan khoái, khỏe khoắn trong người.
Giờ đây, mỗi lần về quê hương Hòa Nhơn nghe tiếng chim tu hú gọi bầy, "độc hành" trên vòm trời cao rộng báo hiệu một mùa "rau ranh gửi xuống, chuồn cồ gửi lên", lòng tôi lại bâng khuâng nhớ quê, nhớ món canh dân dã thơm ngon "chuồn cồ - rau ranh" do mẹ tôi chế biến đã đeo đẳng bên tôi suốt cả cuộc đời.
Mục Ẩm thực của Tuổi Trẻ Online mong muốn nhận được bài viết từ bạn đọc muôn phương.
Các bạn có thể gửi bài kèm ảnh hoặc video về email [email protected], đề gửi bài mục Ẩm thực.
Bài được chọn đăng sẽ được chấm nhuận bút theo quy định chung của báo Tuổi Trẻ.
Nếu thấy bài viết này thú vị, bạn hãy thả tim và bấm "Thích" cuối bài, hoặc đăng nhập Tuổi Trẻ Sao để tặng sao cho bài viết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận