Khép lại một chuỗi điện máy quy mô lớn
Nhằm tối ưu hóa hoạt động vận hành, Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán MWG) vừa chính thức thông qua quyết định giải thể Công ty cổ phần Thế Giới Số Trần Anh.
Tại thời điểm giữa năm nay, công ty do ông Nguyễn Đức Tài làm chủ tịch hội đồng quản trị, sở hữu 99,33% vốn tại Trần Anh.
Giai đoạn tám năm trước, Trần Anh là một trong những gương mặt lẫy lừng trong giới bán lẻ điện máy, "tự hào trở thành doanh nghiệp bán lẻ máy tính số 1 tại miền Bắc", so kè đối thủ Pico.
Để tạo ra sự khác biệt trên thương trường, Trần Anh hợp tác "đại gia" điện máy Nhật Bản - Nojima Corporation. Mục tiêu mang làn gió mới, mở các siêu thị phong cách Nhật, theo chương trình hợp tác giữa hai bên.
Thời điểm gần cuối năm 2016, doanh nghiệp này có tổng cộng 28 siêu thị điện máy, phủ rộng ở Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Giang... Trong đó riêng hai siêu thị mở mới ở Đà Nẵng được xem là "bước đi khá táo bạo" trong hành trình tiến dần vào phía Nam.
Trần Anh chốt năm bằng doanh thu kỷ lục hơn 4.000 tỉ đồng. Sau đó tiếp tục mở rộng quy mô, tăng lên 39 siêu thị.
Sở hữu nhiều lợi thế, cùng loạt mặt bằng đắc địa, nhưng doanh nghiệp này đối mặt không ít khó khăn trong quá trình bành trướng. Khép lại năm 2017, Trần Anh thể hiện sự sa sút rõ, doanh thu từ đây đi xuống, lỗ hơn 60 tỉ đồng.
Sang năm tiếp theo, Thế Giới Di Động chính thức vào thâu tóm để khẳng định vị thế ở miền Bắc.
Thời điểm đó, ông Trần Xuân Kiên - cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Thế Giới Số Trần Anh - từng chia sẻ với truyền thông hai lý do cơ bản đưa ra quyết định bán cổ phần là: dự báo mức độ tiêu thụ đồ điện máy bị bão hòa, thương mại điện tử phát triển mạnh.
Về tay chủ mới, thay đổi mô hình kinh doanh, song doanh nghiệp này không hết đuối sức, doanh thu lao dốc dần.
Theo báo cáo gần nhất, tổng kết năm 2022, Trần Anh ghi nhận doanh thu 134 tỉ đồng, nhờ cho thuê mặt bằng, văn phòng, lãi tiền gửi ngân hàng... Trừ đi các chi phí còn lãi sau thuế gần 16 tỉ đồng.
Thế Giới Số Trần Anh từng niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ năm 2010 (mã chứng khoán TAG), nhưng năm 2018 bị hủy niêm yết, rồi xuống thị trường UPCoM.
Sau đó bị hủy tư cách công ty đại chúng, chính thức rời sàn chứng khoán.
Mạnh tay giải thể công ty, đóng cửa hàng kém hiệu quả
Hồi giữa năm nay, Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cũng đã giải thể hai công ty con gồm: Logistics Toàn Tín (trụ sở TP.HCM) và 4KFarm (trụ sở Bà Rịa - Vũng Tàu).
Thời điểm ra mắt, hai doanh nghiệp này từng mang theo kỳ vọng về cải tiến hệ thống logistics, mô hình trồng rau sạch được kết hợp công nghệ hiện đại.
Để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp cũng tái cấu trúc đồng loạt. Theo đó, ghi nhận tới giữa năm 2024, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động - Topzone bị giảm 134 cửa hàng trong vòng một năm nay, còn 1.046 cửa hàng.
Tương tự, chuỗi Điện Máy Xanh đóng 196 cửa hàng, còn 2.093. Hệ thống An Khang đóng cửa tới 45 nhà thuốc hồi tháng 6 vừa qua, dự kiến đến cuối năm lùi về còn 300 nhà thuốc.
Trong bối cảnh thị trường chung khó khăn, kể cả Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT) cũng vừa đóng 100 cửa hàng FPT Shop, theo báo cáo quý 2 năm nay, giảm còn 642 cửa hàng trên toàn quốc. Sự kiên quyết giúp doanh nghiệp thuận lợi vực dậy hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận