Một khoản tiền không nhỏ trong số ấy được mua sắm hệ thống phòng lab, màn hình thông minh phục vụ dạy học.
Quá trình thực hiện đề án đã đặt ra nhiều hoài nghi và những băn khoăn trĩu nặng: việc lắp đặt những máy móc quá hiện đại, quá đắt tiền có phải thật sự nhằm mục đích nâng cao chất lượng dạy học?
Gia Lai là tỉnh nghèo, ngân sách hằng năm eo hẹp nhưng vẫn phải dành lại 20% trong tổng chi hằng năm phân bổ phục vụ giáo dục. Thời điểm Sở GD-ĐT Gia Lai trình đề án mua sắm các thiết bị dạy học đắt tiền, đã có những hoài nghi về tính thực tiễn của đề án này.
Để chắc chắn hơn, đoàn thẩm định đề án của tỉnh Gia Lai đã phải trực tiếp xuống một tỉnh phía Nam - nơi có công ty đầu mối cung cấp thiết bị. Qua chuyến đi ấy, có lãnh đạo đã phải đặt câu hỏi trong nỗi phân vân: hệ thống lab, màn hình thông minh ấy được lấy mô hình từ Singapore - một đất nước chỉ có hơn 5 triệu dân nhưng rất thịnh vượng, đưa về VN liệu có phù hợp?
Nhưng cuối cùng đề án vẫn được thông qua.
Trong rất nhiều khoản đầu tư mua sắm gây lãng phí, không cần thiết mà Sở GD-ĐT Gia Lai đã triển khai thì hơn 40 tỉ đồng chi cho phòng lab, màn hình thông minh được nhiều đơn vị quan tâm về tính thực tế. Và thực trạng được công khai khi kết quả giám sát của HĐND tỉnh Gia Lai đã cho thấy hầu hết bộ thiết bị tiền tỉ này đã nằm im cho bụi bám vì nhiều lý do.
Trước HĐND tỉnh Gia Lai, giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch đã thừa nhận những thực tế này và đề xuất giải pháp: sẽ chi thêm tiền để tập huấn, tổ chức lại đội ngũ vận hành hệ thống, trường nào không có nhu cầu thì thu hồi, điều chuyển...
Những ngày đi tìm hiểu thực trạng sử dụng thiết bị dạy học công nghệ cao ở Gia Lai, hình ảnh những thiết bị đắt tiền hình dạng lạ lẫm lần đầu tiên xuất hiện ở những phòng học lấm lem vết chân của học sinh và hình ảnh những chồng sách giáo khoa nhàu nát được các thầy cô gói ghém cẩn thận để chuẩn bị phát cho học trò trước thềm năm học mới khiến chúng tôi không khỏi day dứt.
Cách đây không lâu, sau khi sự việc cô học trò bị trói trong siêu thị gây xôn xao, chúng tôi cũng đã về thăm các ngôi trường vùng xa để tìm hiểu nhu cầu sách vở và thật đau lòng khi nhận thấy việc thiếu sách, cần sách cũng như những nhu cầu tối thiểu của một học sinh đang xảy ra ở hầu hết các trường vùng xa, các trường có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số.
Ở những nơi ấy, để có thể có sách cho học sinh học, có quần áo cho các em mặc, có đôi dép cho các em đi, các thầy cô đã phải tìm cách kết nghĩa với các trường “giàu” ở thành phố, rồi đến đầu tháng nhà trường lại huy động giáo viên chạy xe máy mang bao tải ra chở những thứ ấy về tặng lại học sinh trong niềm hạnh phúc rạng ngời của cả thầy lẫn trò.
Trong câu chuyện của các thầy cô giáo ấy, nỗi trăn trở duy nhất vẫn là “mong cấp trên quan tâm đầu tư, hỗ trợ thêm cho các em để các em bớt phần thiệt thòi. Nếu muốn biết học sinh dân tộc, học sinh vùng xa khổ như thế nào, hãy về làm giáo viên của các em”.
Chúng tôi đã đem những hình ảnh ấy, những băn khoăn ấy đặt lên bàn giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai Phạm Ngọc Thạch. Và câu trả lời là: “Theo luật thì 20% ngân sách của tỉnh được chi cho giáo dục, trong khoản này 80% đã dành cho lương, chỉ 20% dành mua sắm thì... cũng không phải là nhiều”.
Rồi ông Thạch nói: “Những năm tới chúng tôi tiếp tục đầu tư mua sắm”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận