14/09/2021 09:07 GMT+7

Chúng tôi muốn đến với những phận người khốn khó

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TTO - Gần 3 tháng qua, có đôi vợ chồng nọ ở quận Phú Nhuận (TP.HCM) vẫn âm thầm mỗi ngày đem từng túi quà đến với người ở gầm cầu, bán vé số ngủ lề đường, sống lang thang vì không có nhà...

Chúng tôi muốn đến với những phận người khốn khó - Ảnh 1.

Chị Trần Phạm Băng Tâm trao túi quà cho một ông lão bán vé số bên lề đường - Ảnh: Q.NG.

Anh Trịnh Lê Viễn Kha và chị Trần Phạm Băng Tâm, vợ làm rồi rủ chồng theo, cứ đi miết nên gần như giao nhà cửa cùng hai đứa con cho bà ngoại luôn. 

Trò chuyện cùng Tuổi Trẻ, chị Băng Tâm chia sẻ: "Mới đầu người trong nhà cũng cản ghê lắm, kêu tự nhiên rước cái cực vào thân, dịch bệnh nguy hiểm ở yên trong nhà cho lành. Nhưng có đi mới thấy bao nhiêu cảnh đời, phận người mà mình còn có thể giúp, không giúp sao đành nên còn sức là còn đi".

"Mỗi ngày ra đường, mình luôn nhớ đến câu hát "ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai", mà việc mình làm nhỏ thôi, đã là gì với xã hội đâu.

TRẦN PHẠM BĂNG TÂM

Không kêu gọi từ thiện

* Được biết là anh chị đã làm công việc này nhiều tháng qua?

- Chính xác là từ tháng 7 đến nay. Thực ra mình đã tham gia một nhóm chuyên các hoạt động từ thiện dành cho trẻ em lâu rồi. Có nhiều nhánh nhỏ phụ trách từng phần việc khác nhau trong nhóm này, mình làm khâu hậu cần nên không quá xa lạ với việc thiện nguyện.

Dịch ập đến TP.HCM, anh em tụi mình nghĩ rằng cần phải làm điều gì đó cho bà con quanh mình nên gom góp nhau lại rồi cùng làm. Đúng là lần đầu tiên mình trực tiếp đi làm từ thiện. Đi mới thấy còn nhiều mảnh đời khốn khó mà nói thiệt không dễ lo hết được dù chính quyền các cấp đã rất nỗ lực. Chúng tôi muốn đi đến với những phận người như vậy!

* Nguồn lực ở đâu để anh chị và nhiều tình nguyện viên khác cùng làm với số hàng hóa không phải là ít, lại dài ngày...

- Phần lớn là tiền túi, có góp chăng là anh em trong nhà. Nhà mình có nhiều người thân ở nước ngoài, cả anh em ở trong nước, mỗi người một chút cùng chia sẻ với việc vợ chồng mình đang làm. Mình lập nhóm chung, mua cái gì, dự định làm gì đều đưa hết thông tin vào nhóm nội bộ đó để mọi người biết.

Tụi mình không kêu gọi từ thiện. Đã có người biết đến, muốn cùng góp để làm nhưng mình từ chối. Mình nghĩ đơn giản thế này, tiền của mình, mình toàn quyền quyết định và quyết rất nhanh giúp ai, giúp cái gì, chẳng lo chuyện sao kê, báo cáo. Nên có người góp hàng, người góp xe chở quà, mấy cái này thì mình nhận chứ tiền thì không!

Tụi mình có nhiều bạn bè ở khắp nơi nên chỉ cần biết thông tin ai đó, ở đâu cần giúp sẽ có cách để xác minh nhanh chóng và giúp liền. Thường chỉ tối nay mới biết ngày mai đi đâu, giúp ai, cần bao nhiêu phần quà. Bởi mình muốn giúp phải đúng người, đúng địa chỉ đang thật sự cần trong lúc dịch bệnh thế này.

Nhận lại lời cảm ơn là vui

* Thường chị sẽ đến những đâu, giúp cho những ai?

- Mình chỉ giúp lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm thật sự cần thiết chứ tuyệt đối không tặng tiền. Mà giãn cách nghiêm ngặt, có tiền trong tay cũng đâu có mua được gì, chưa nói là toàn người nghèo, họ làm gì có điện thoại thông minh hay rành công nghệ, có kết nối mạng để đặt hàng.

Tụi mình đến với những xóm trọ nghèo có khi bà con không còn gì ăn. Mà cứu đói như cứu lửa vậy, chậm sao được! Nhiều tối tụi mình đi lòng vòng mấy gầm cầu, thể nào cũng gặp được người cần giúp. Với người có điều kiện nấu nướng, mình tặng gạo, mì và những thứ khác. Với ai không có nhà cửa cố định, khó nấu nướng thì mình tặng thực phẩm ăn liền, sữa để phù hợp hoàn cảnh. Nhà nào có em bé tụi mình tặng nhiều sữa hơn, thêm tã giấy.

Một nhánh khác mình được một bếp ăn tặng bánh, một số loại nước tăng cường vitamin C và nhóm mình dành những phần này gửi bác sĩ tuyến đầu tại một vài bệnh viện dã chiến.

* Mà đúng như người nhà anh chị nói, làm chuyện cực thân, lại nguy hiểm nữa!

- Để đảm bảo an toàn, vào những khu vực nguy cơ cao, tụi mình phải mặc đồ bảo hộ. Có khoảng 20 người đang tham gia với mình, ở tập trung tại nơi tập kết hàng cũng là nhà của một người quen cho mượn, vừa làm kho luôn. Mỗi tuần đều làm xét nghiệm nhanh để đảm bảo an toàn cho mọi người.

Nguy hiểm không? Có chứ! Nhưng không thể không đi. Có những người khi họ nhận gói quà mình tặng, họ khóc, nếu không ngăn kịp thiếu điều họ muốn quỳ lạy mình để cảm ơn. Những hình ảnh đó là động lực để tụi mình đi tiếp, còn sức là còn đi vì chắc chắn vẫn còn nhiều người đang cần mình. Mà việc mình đang làm cũng nhỏ bé thôi, chỉ nghĩ giúp được ai thì mình giúp, và họ thật sự đang cần mình.

Mua tận ngọn, tặng tận tay

Chị Băng Tâm nói đành rằng mùa dịch việc đi lại vận chuyển có khó khăn, hàng hóa có thể khan hiếm nhưng thùng mì bình thường có 55.000 đồng mà lúc dịch đòi giá 85.000 đồng, phi lý quá. Do đó, chị cùng cộng sự tìm hàng phải là nguồn chính thống, có thương hiệu, giá có thể tăng nhưng phải hợp lý.

Hỏi tính thử coi đầu mùa đến giờ hết nhiêu tiền, chị Tâm cười vang kêu cũng chưa có thời gian ngồi cộng lại hết nhưng hàng tính bằng chục tấn, gì chứ cỡ tiền tỉ là có rồi! Gạo chị nhập từ An Giang lên, mì gói, cháo ăn liền, sữa, đồ hộp cùng nhiều loại khác luôn có sẵn trong kho, cứ gần cạn là nhập về để cần là có liền. Khi có thêm rau xanh và trái cây, họ sẽ bổ sung thêm quà này cho bà con.

"Nguyên tắc của mình là giúp đúng người cần chứ không phải ai cũng giúp vì có người mình biết còn có thể tự lo được nhưng cứ muốn xin thêm. Tiền mình cân đối được nên sẽ vẫn làm cho đến khi dịch ổn đã" - chị Tâm nói.

Chúng tôi muốn đến với những phận người khốn khó - Ảnh 3.
Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: Tình người nơi tuyến đầu chống dịch: 'Là F1, chị phải cách ly khi bầu sữa đang căng đầy'

TTO - Là bệnh viện phụ sản, nhưng với COVID-19, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh... Bệnh viện Từ Dũ cũng không ngoài cuộc. Và họ đã chiến đấu với dịch ra sao?

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp