10/01/2019 11:48 GMT+7

Chúng tôi không chỉ họp lớp, mà họp toàn khoá

Bạn đọc NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Bạn đọc NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)

TTO - Những đứa trẻ quê nghèo Vụ Bản, tỉnh Nam Định trở thành tiến sĩ, luật sư, sĩ quan quân đội, doanh nhân, quan chức, người làm nông dân... nhưng chúng tôi vẫn là bạn bè, vẫn gặp nhau mỗi năm 1-2 lần để nhớ lại thời không thể nào quên.

Chúng tôi không chỉ họp lớp, mà họp toàn khoá - Ảnh 1.

Cuối năm, dù bận rộn nhóm cấp 3 B tại Hà Nội vẫn gặp gỡ nhau

Chúng tôi là những học sinh Trường THPT B khóa 1986-1989, nay là trường THPT Lương Thế Vinh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Toàn khóa có gần 300 học sinh.

30 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông, dù lập nghiệp khắp mọi miền đất nước nhưng hàng ngày chúng tôi vẫn gặp nhau qua Zalo, Facebook. Nhóm Hà Nội hiện có 25 người. Điều độc đáo của những cựu học sinh Trường THPT Vụ Bản B khóa 1986-1989 là chúng tôi không mà họp toàn khóa.

Mỗi năm, nhóm Hà Nội có hai lần họp: một lần họp riêng đội Hà Nội vào cuối năm (đều có sự tham dự của các bạn học ở các tỉnh thành về chung vui), và lần thứ hai họp chung toàn khóa vào dịp 30-4 và 1-5 tại Nam Định khi mọi người về quê nghỉ lễ. Năm 2019 này, vào dịp 30-4, chúng tôi sẽ có một chương trình họp khóa hoành tráng kỷ niệm 30 năm ngày tốt nghiệp PTTH.

Đức Khổng Tử dạy rằng "Ngũ thập tri thiên mệnh" nghĩa là người ta đến tuổi 50 mới có thể thông suốt chân lý của tạo hóa, biết được việc mình, việc người, biết được lòng người và ý trời.

Chúng tôi không chỉ họp lớp, mà họp toàn khoá - Ảnh 2.

Dù tóc bạc, mắt mờ nhưng chúng tôi vẫn nhí nhố như thuở còn là học sinh trung học

Vào tuổi tri thiên mệnh, tóc đã bạc, da đã nhăn, nhiều người đã thành ông ngoại, bà nội, có nhiều khoảng lắng để sống chậm, chiêm nghiệm về cuộc đời, mỗi lần họp khối, sau bữa ăn, chúng tôi lại ngồi hàn huyên nơi góc quán cá phê, ôn cố tri tân. Kỷ niệm của những năm tháng học cấp 3 là câu chuyện mọi người hay nhắc nhất.

Đất Vụ Bản là đất học, đất văn chương, đất văn vật với non Côi (núi Gôi), sông Vị Hoàng, nhiều lễ hội nổi tiếng như hội Phủ Giày (từ mùng 1 đến 10 tháng 3 Âm lịch), chợ Viềng - chợ Cầu may (đêm mùng 7, ngày mùng 8 tết Âm lịch)... Huyện có nhiều truyền thống văn hóa, có nhiều danh nhân nổi tiếng như Trạng nguyên và nhà toán học Lương Thế Vinh (Trạng Lường), nhà thơ Nguyễn Bính, nhạc sĩ Văn Cao…

Nhưng cha mẹ chúng tôi chỉ là nông dân. Năm 1986, khi chúng tôi thi vào cấp 3, đất nước rất khó khăn, thông tin nghèo nàn. Nông dân còn khổ hơn nữa. Cha mẹ chúng tôi không có cao vọng con cái sẽ học hành thành tài, mà muốn chúng tôi tiếp tục cày cấy trên mảnh đất ông cha. Vì vậy việc học hành của chúng tôi đều rất vất vả. Nỗ lực đến trường, học cho đến khi cầm tấm bằng tốt nghiệp với chúng tôi là một kỳ tích.

Trường học đóng ở xã Liên Minh (nay đã chuyển về thị trấn Gôi). Quãng đường trung bình đi từ nhà đến lớp của mọi người khoảng 2-5 km nhưng có xã xa hơn như Đại Thắng ở bờ hữu sông Đào. Quãng đường từ nhà đến trường hơn 7 km. Phương tiện đi học thời đó nhà khá giả mới có xe đạp, nhà nghèo thì đi bộ nên những học sinh ở Đại Thắng hoặc phải ở trọ gần trường, hoặc phải đi xe đạp.

Những học sinh nhà nghèo đi bộ đến trường phải dậy từ 4h sáng, có cơm ăn cơm, có khoai ăn khoai không, thì bụng đói đi học.

Ngày xưa đường làng không có bê tông sạch đẹp như bây giờ. Toàn bộ là đường đất thịt, đi xe đạp thì dính chặt lốp xe. Đi bộ thì đường trơn như đổ mỡ. Chuyện đi học muộn là thường xuyên vì vào mùa đông, trời giá lạnh, mưa phùn khiến mọi con đường nhão nhoẹt. 

Đôi dép Lào không thể đi được trời mưa nên được nhét vào cặp. Để tránh trượt ngã dập mặt, mọi người đều phải bấm chặt chân xuống đất dò dẫm bước.

Chúng tôi không chỉ họp lớp, mà họp toàn khoá - Ảnh 3.

Cha mẹ chúng tôi là nông dân nên bài học để dạy con cái là lao động, gắn bó với ruộng đồng. Có muốn học cao hơn thì điều kiện kinh tế không cho phép vì khi đó sinh viên đại học bắt đầu phải đóng học phí, không được bao cấp nữa.

Sau này, vì suy nghĩ của cha mẹ nên nhiều bạn học khá, giỏi cũng không thi đại học mà chủ yếu học trung cấp, cao đẳng sư phạm, kiếm một nghề thực tế, ít chi phí. Nếu không có các thầy cô dạy dỗ, hướng dẫn, định hướng nghề nghiệp, nếu chúng tôi không có khát vọng thì tương lai không biết sẽ đi về đâu.

Chúng tôi đã lớn lên từ những sọt rau thồ, đã có lúc nông nổi và sau đó được học điều hay, lẽ phải, hoàn thiện nhân cách. Cánh cổng trường THPT Vụ Bản B năm nào đã mở ra bao cánh cửa khác, đưa chúng tôi vào đời, giúp chúng tôi hoàn thành những ước mơ, khát vọng tuổi trẻ.

30 năm đã trôi qua, chúng tôi có nhiều người thành đạt, kinh tế khá giả, còn các thầy cô giáo khi xưa đều đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy". Chúng con trưởng thành, có ngày hôm nay là nhờ công lao của các thầy cô. Cho dù là ai thì chúng con cũng vẫn biết ơn các thầy, các cô và mong cho các thầy, các cô luôn mạnh khỏe, vui vẻ, hạnh phúc.

Bạn có những kỷ niệm về các buổi họp lớp muốn chia sẻ? Mời bạn gửi bài và ảnh về địa chỉ [email protected], vui lòng cung cấp thông tin tài khoản để tòa soạn gửi nhuận bút sau khi bài đăng. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.

Họp lớp "để đếm sĩ số lớp mình thôi"

TTO - Họp lớp như chúng mình đôi khi chỉ là xem sĩ số lớp nay có còn nguyên vẹn như thời còn học chung, hay bây giờ, đứa đã lấy chồng nước ngoài, đứa đã ưng Việt kiều xuất ngoại, còn đứa thì giờ nấm mồ đã xanh cỏ.

Bạn đọc NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH (Đoàn luật sư TP. Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: họp lớp
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp