Phóng to |
Ông Nguyễn Văn Phước |
PGS.TS Nguyễn Văn Phước cho biết:
- Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A trước đây đã có nhiều ý kiến ủng hộ và cũng có ý kiến phản đối. Do đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai đến Viện Tài nguyên và môi trường đặt vấn đề thuê viện lập lại bản báo cáo đánh giá tác động môi trường một cách rõ ràng và đầy đủ. “Chúng tôi sẽ phải làm một bản báo cáo đánh giá tác động môi trường đầy đủ thông tin dựa trên cơ sở khoa học để các bộ ngành dựa trên các căn cứ đó đưa ra quyết định cuối cùng”, ông Phước nói.
* Bản thân ông và các cộng sự cần làm những việc gì để tránh những sai sót, thông tin chưa đầy đủ như trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường do Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lập trước đây?
- Qua những ý kiến phản biện của xã hội chúng tôi thấy có những vấn đề cần tập trung giải quyết như: thứ nhất, khi xây dựng đập thủy điện Đồng Nai 6, 6A sẽ ảnh hưởng đến việc chia sẻ, sử dụng nguồn nước trên toàn lưu vực sông Đồng Nai như thế nào. Vấn đề thứ hai là mất rừng, đặc biệt trong đó là diện tích rừng bảo tồn, rừng của VQG Cát Tiên. Chúng tôi phải làm rõ sẽ mất bao nhiêu rừng.
Theo số liệu của Công ty Tập đoàn Đức Long Gia Lai cung cấp, hai dự án này lấy mất 154ha rừng, chiếm khoảng 0,5% trên tổng diện tích của VQG Cát Tiên. Với diện tích rừng mất như vậy, chúng tôi phải làm rõ nó có ảnh hưởng đến những tiêu chí của VQG hay không. Kế đến chúng tôi sẽ xác định rừng ở nơi dự kiến xây dựng hai đập thủy điện là rừng gì, đối với mục tiêu bảo tồn có những loài động thực vật gì quý hiếm.
Về vấn đề đa dạng sinh học của rừng bảo tồn, những dữ liệu đã có trong hồ sơ rồi, do đó cần xác định khi xây dựng thủy điện sẽ ảnh hưởng như thế nào. Có những loài động thực vật quý hiếm ở đây hay không, số lượng bao nhiêu để đưa ra những giải pháp nhằm bảo vệ chúng. Còn việc ảnh hưởng đến hoạt động sống của cư dân ở khu vực lân cận, chúng tôi sẽ có giải pháp đưa những hộ đánh bắt cá trên sông và sống trong lòng hồ nước ngập của đập thủy điện để đánh bắt cá.
Phóng to |
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn (bìa phải), Viện biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), cho biết vị trí mực nước cao trình của lòng hồ Đồng Nai 6 sẽ ngập - Ảnh: Đ.TUYÊN |
* Còn về vấn đề tham vấn cộng đồng thì sao, thưa ông, bởi đây là một nội dung không thể thiếu trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường cho công trình thủy điện?
- Chúng tôi phải thực hiện điều tra, lấy phiếu xin ý kiến của người dân, chính quyền địa phương đầy đủ để biết có bao nhiêu hộ bị ảnh hưởng và người dân có đồng ý với những giải pháp mà nhà đầu tư đưa ra hay không.
* Trong báo cáo đánh giá tác động môi trường sắp tới, Viện Tài nguyên và môi trường sẽ làm lại toàn bộ hay chỉ làm hoàn chỉnh lại bản báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đó?
- Bản báo cáo đánh giá tác động môi trường sắp tới chúng tôi phải làm mới lại toàn bộ với những quan điểm và nhận định tôi vừa nêu ra. Đặc biệt trong bản báo cáo lần này chúng tôi cũng sẽ đề cập đến việc xây dựng thủy điện có làm ảnh hưởng đến những tiêu chí mà VQG Cát Tiên đang trình hồ sơ xin UNESCO công nhận là khu di sản thiên nhiên thế giới hay không. Ngoài ra chúng tôi cũng đánh giá luôn việc khu vực Bàu Sấu có ảnh hưởng hay không khi thủy điện Đồng Nai 6, 6A được xây dựng.
* Liệu có hoàn toàn khách quan hay không khi chủ đầu tư lại cũng là người bỏ tiền ra thuê đơn vị đi khảo sát để lập báo cáo tác động môi trường?
- Viện Tài nguyên và môi trường của chúng tôi thuộc ĐHQG TP.HCM - một đơn vị của Nhà nước, do đó chúng tôi đứng về phía người dân, Nhà nước và kể cả doanh nghiệp để bảo vệ cái nào đúng nhất.
* Nghĩa là nếu sau khi khảo sát, đánh giá, nhận thấy hai dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A tác động xấu rất lớn đến hệ sinh thái, môi trường, đời sống người dân, văn hóa, xã hội..., lúc ấy ông sẽ đưa ra kiến nghị nên dừng hai dự án này lại?
- Dĩ nhiên, nếu sau khi đánh giá thấy hai dự án ảnh hưởng xấu đến môi trường, chúng tôi sẽ kiến nghị không nên cho tiếp tục triển khai hai dự án này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận