08/09/2015 09:21 GMT+7

Chung tay xây dựng “Thành phố đáng sống”: khát vọng vươn lên

PGS VŨ MINH KHƯƠNG, (ĐHQG Singapore)
PGS VŨ MINH KHƯƠNG, (ĐHQG Singapore)

TT - Sau ba thập kỷ đổi mới, TP.HCM đã đạt những thành quả phát triển khá ấn tượng, nhưng nỗ lực phát triển của TP còn thấp xa so với tiềm năng của chính mình.

Phác thảo 3D tầng 1 metro ga Bến Thành, cổng đi từ chợ Bến Thành vào Đồ họa: Đ.A.Kiệt
Phác thảo 3D tầng 1 metro ga Bến Thành, cổng đi từ chợ Bến Thành vào - Đồ họa: Đ.A.Kiệt

Khoảng cách giữa tiềm năng và kết quả đạt được của TP.HCM dường như đang ngày một rộng ra trước nhịp độ thay đổi nhanh chóng theo xu thế hội nhập và tiến bộ công nghệ. Nếu không có những chuyển biến sâu sắc về nhận thức, thiết chế và hành động, TP.HCM không chỉ phát triển thấp xa tiềm năng của mình trong những thập kỷ tới mà còn đứng trước nguy cơ là địa phương đầu tiên trong cả nước rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Ước mong sao TP.HCM xứng đáng với tên gọi Hồ Chí Minh, sẽ là nơi tiên phong phất lên ngọn cờ kiêu hãnh của dân tộc để người Việt Nam, dù ở đâu, ai ai cũng thấy trỗi dậy niềm tin mãnh liệt và ý thức sâu sắc về trách nhiệm xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước mình

 

Mô hình ASIAN

Ngày hôm qua khi đất nước còn chìm ngập trong tư duy bao cấp và não trạng trì trệ, lãnh đạo TP.HCM quả cảm cởi trói và xé rào đổi mới đã đem lại những thành tựu phát triển đặc sắc cho TP.HCM và cả nước.

Ngày hôm nay, khi mà cơ chế quản lý đã khá thoáng và tư duy đổi mới của lãnh đạo đất nước cùng các bộ ngành và các tỉnh đều đã tiến triển, thì cởi trói - xé rào không còn là giải pháp đột phá, thậm chí có thể làm chậm lại công cuộc phát triển.

Với mức độ hội nhập sâu hiện nay của Việt Nam vào nền kinh tế khu vực và thế giới, cơ hội và thách thức trong tăng tốc phát triển đều rất lớn. TP.HCM cần là địa phương tiên phong của cả nước trong nỗ lực kiến tạo phồn vinh và bắt kịp các chuẩn mực toàn cầu.

Lòng quả cảm xé rào của hôm qua cần được tiếp nối bằng ý chí phục hưng, thể hiện ở khát vọng khai sáng - vươn lên, năng lực học hỏi và nỗ lực khơi dậy những giá trị thiêng liêng thuộc về con người - trọng hiền tài, nhân văn và dân chủ.

Trên cơ sở kinh nghiệm thành công của các nước tạo nên kỳ tích phát triển châu Á, nỗ lực cải cách ở cấp độ thành phố cũng như ở cấp độ quốc gia có thể tổng kết thành năm hướng chiến lược theo mô hình ASIAN như sau:

- A (Aim) là xác lập mục tiêu cao. Mục tiêu này phải là tổng hòa của khát vọng dân tộc, nỗi lo về sự tụt hậu và ý thức trách nhiệm với tương lai. Trong xác lập mục tiêu, TP.HCM cần xác định được khoảng cách của mình với các thành phố lớn ở châu Á, đặc biệt là Singapore, để tham khảo và vạch ra lộ trình bắt kịp.

- S (Strategy) là chiến lược được hoạch định cho mục tiêu bắt kịp. Chiến lược này cần thấy hết cơ hội và thách thức trên cục diện toàn cầu để khai thác tối đa sức mạnh nội tại của thành phố. Trong hoạch định chiến lược, cần hết sức chú trọng khả năng kiến tạo giá trị từ cả hai kênh hiệu quả và hiệu lực.

- I (Implementation) là nỗ lực tổ chức thực hiện. Nó đòi hỏi sự phối thuộc cao giữa các ban ngành TP. Việc phối thuộc này cần do một cơ quan trực tiếp chịu trách nhiệm dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo TP. Bộ phận này cần tập trung những cán bộ ưu tú nhất của TP. Nỗ lực thực hiện cần khai thác tối đa công nghệ thông tin để đem lại hiệu quả và hiệu lực cao nhất cho mọi chính sách và sáng kiến.

- A (Acquisition of knowledge) là nỗ lực tiếp thu kiến thức, học hỏi, tự khai sáng. Nỗ lực này coi trọng việc tham khảo các bài học thành công của các nước và các thành phố bạn cũng như tổng kết từ trải nghiệm và thử nghiệm của chính thành phố.

- N (Nurturing of human capital formation) là nuôi dưỡng phát triển nguồn lực con người. Nỗ lực này chú trọng đầu tư vào giáo dục và năng lực nghiên cứu - sáng tạo, phát hiện - thu hút - sử dụng người tài, và tạo điều kiện để người người không ngừng học hỏi và vươn lên suốt đời.

Ông Vũ Minh Khương - Ảnh: Thanh Đạm
Ông Vũ Minh Khương - Ảnh: Thanh Đạm

Những giải pháp ưu tiên

1. Xây dựng tầm nhìn của TP cho đến năm 2045 khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập. Với tầm nhìn này, tập hợp chuyên gia cùng đại diện doanh nghiệp và người dân hoạch định chiến lược cho thập kỷ tới, 2015 - 2025.

Đây là thập kỷ phát triển đặc biệt quan trọng, đặt nền móng quyết định triển vọng phát triển của TP trong các thập kỷ tiếp theo.

Trong nỗ lực này, TP nên tham khảo kinh nghiệm Singapore trong tổ chức hội thảo thường niên về tầm nhìn, đổi mới và phát triển.

Hội thảo này quy tụ lãnh đạo và chuyên gia cả nước bàn về những nội dung mới mà TP cần nắm bắt và thấu hiểu để phối hợp tốt hơn với cả nước trong thúc đẩy không ngừng công cuộc cải cách và phát triển.

Trong tất cả các nỗ lực này, với sự hỗ trợ phân tích của các chuyên gia quốc tế, TP cần thông suốt với trung ương về ba điểm: (i) tầm quan trọng chiến lược của các TP lớn trong thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh quốc gia, do đó đầu tư vào TP.HCM là đầu tư cho cả nước; (ii) đánh giá cán bộ cần chủ yếu dựa vào hiệu quả công việc chứ không phải vào quy trình xa rời thực tế; và (iii) lấy TP làm nơi thử nghiệm chính sách nhằm vượt bẫy thu nhập trung bình.

Cần kiên quyết loại bỏ chính sách đang làm TP rơi vào nguy cơ này vì việc gì xảy ra với TP hôm nay sẽ xảy ra với các địa phương khác trong tương lai không xa.

2. Mở một trang web nắm bắt ý kiến của người dân và doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Góp ý hoặc phàn nàn xác đáng của người dân và doanh nghiệp (chẳng hạn như về nắp cống bị mất, hố nước không có rào che chắn hay cán bộ sách nhiễu) đều cần được ưu tiên giải quyết nhanh chóng, thông báo rộng rãi và lưu vào hồ sơ điện tử.

Trang web này định kỳ lấy đánh giá tín nhiệm của người dân và doanh nghiệp về chất lượng công tác của các ban ngành và quận huyện cũng như hiệu lực thực hiện các chính sách của Nhà nước.

3. Khởi động ngay lộ trình phát triển TP thông minh. Trong đó, TP cần đi đầu trong xây dựng chính quyền điện tử, khuyến khích việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực, giúp hình thành các trung tâm định kỳ đánh giá độ hài lòng của người tiêu dùng về chất lượng phục vụ trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống, từ điện - nước đến siêu thị - khách sạn.

Dân số tăng nhanh, tăng trưởng chậm lại

TP.HCM đang có nguy cơ là TP đầu tiên rơi vào bẫy thu nhập trung bình so với các địa phương khác của VN. Bẫy thu nhập trung bình là tình thế một quốc gia hay một thành phố mất đi động lực tăng trưởng có từ nguồn lao động rẻ dồi dào.

Khi đó, đòi hỏi tăng lương của người lao động không thể đáp ứng được do những hạn chế và rào cản hầu như không thể vượt qua mà doanh nghiệp vấp phải trong nỗ lực tăng năng suất lao động.

Ở quy mô một thành phố, nổi bật trong các hạn chế và rào cản này là: điều kiện hạ tầng yếu kém (tắc nghẽn giao thông, chất lượng môi trường sống thấp); hệ thống cơ chế chính sách thiếu hiệu lực thúc đẩy sáng tạo (trong bối cảnh này đầu cơ có lợi hơn đầu tư, làm ăn gian dối có lợi hơn thành tâm dốc lực, phe nhóm chụp giật có lợi hơn chụm đầu hợp tác); và việc coi nhẹ đầu tư vào nguồn lực con người làm yếu đi vai trò động lực then chốt của nó trong thúc đẩy công cuộc phát triển.

Kết quả là thành phố tăng trưởng chậm lại trong khi dân số tiếp tục tăng nhanh về cơ học. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho giai đoạn từ 2005-2013 cho thấy rằng tỉ trọng đóng góp của thành phố trong nền kinh tế cả nước giảm từ 24,3% xuống còn 17% về sản xuất công nghiệp và từ 28% xuống 25% về thương mại - dịch vụ, trong khi tăng từ 7,6% lên 8,7% về dân số.

PGS VŨ MINH KHƯƠNG, (ĐHQG Singapore)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp