02/03/2015 11:05 GMT+7

​Chúng ta đang thiếu hụt về văn hóa giao tiếp

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TT - Cộng đồng mạng đang có nhiều phản ứng trái chiều xung quanh việc GS Vũ Khiêu “ôm hôn và tặng câu đối” cho hoa hậu VN 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên.

Theo ông Nguyễn An Chất, văn hóa giao tiếp trong cộng đồng của người Việt đang bị thiếu hụt nghiêm trọng - Ảnh: Phương Minh

Có người ủng hộ vì cho đó là cảm xúc ôm - hôn ông cháu thông thường, có người lại cho rằng người Việt không có hành xử lạ lùng như vậy.

Có nhiều nguyên nhân tạo thành kết quả này, nhưng nguyên nhân chính vẫn là ở câu chuyện quản lý, tổ chức và đặt người dân ở đâu trong hoạt động/câu chuyện/sự việc đó
Ông NGUYỄN AN CHẤT

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng người Việt chúng ta đang rất thiếu văn hóa ứng xử xã giao. Ông Chất nói:

- Tình cảm là một đặc trưng của con người, không chỉ VN mà cả thế giới đều như vậy. Nếu không có tình cảm, cuộc sống của con người rất vô vị. Nhưng thể hiện tình cảm như thế nào, ở đâu, với ai... mỗi vùng miền, dân tộc lại có ứng xử khác nhau.

Chẳng hạn việc thể hiện tình cảm trìu mến, đầm ấm với cháu bé sẽ khác với tình cảm lứa đôi, hay thể hiện tình cảm với người mới gặp như thế nào để gây được thiện cảm tùy theo truyền thống mỗi nơi, mỗi dân tộc, ở VN ta thì từ xưa đã hình thành tương đối rõ nét.

Tuy nhiên, qua thời gian có thể có những thay đổi, như thế kỷ trước, khi đôi nam nữ hôn nhau ngoài đường sẽ là việc gì đó rất ghê gớm, thế nhưng dịp lễ tình nhân vừa qua thì người ta đã tổ chức cả một cuộc thi hôn. Đó là một sự thay đổi lớn.

Song ở Hà Nội tổ chức như vậy thì được, nhưng nếu ở một vùng quê nào đó mà lại tổ chức thi hôn thì là vấn đề lớn ngay. Mỗi câu chuyện, hành động cần ứng xử ở vị trí và con người phù hợp.

* Thưa ông, xin bắt đầu câu chuyện bằng một việc đang gây xôn xao dư luận là GS Vũ Khiêu “thơm” hoa hậu Kỳ Duyên gần đây. Nhiều ý kiến tỏ ra phản đối hành động này và cho rằng người Việt không ứng xử như vậy. Theo ông, hành động này có lỗi ứng xử?

- GS Khiêu năm nay đã 100 tuổi, cảm xúc của cụ ấy với một cô hoa hậu là cảm xúc tự nhiên, có thể là của ông với cháu. Có thể cảm xúc của cụ ấy như vậy và cụ rất thoải mái, tuy nhiên nếu dừng lại ở hành động ôm hôn thì nó chỉ là một góc nhỏ của câu chuyện, mà sự khác thường là hai câu đối có ẩn ý.

Khi hoa hậu đến thăm cụ, có thể cô ấy cũng thể hiện sự lễ độ, không xô bồ, nhưng khi cụ đáp lại bằng hai câu đối thì giới nghiên cứu tâm lý học chúng tôi cho là nó hơi khác thường.

Có thể cụ đã 100 tuổi, đã có những biến chuyển về mặt tâm lý, nếu cụ chỉ ôm gọn vào lòng hoặc áp má, hôn vào má, trán (trừ hôn môi) cháu gái thì hoàn toàn bình thường, nhưng việc hôn “tình cảm” và tặng hai câu đối thì xã hội có thể hiểu khác đi về hành động của cụ.

Ở góc độ một người nghiên cứu tâm lý, tôi cho đây là cảm xúc nhất thời của GS và cô Kỳ Duyên chứ không hàm ý xấu.

* Thưa ông, có ý kiến cho rằng văn hóa ứng xử của một số người Việt hiện đang tỏ ra bất thường, có người đi dự lễ hội thì đánh nhau, cướp hoa, đi chùa thì cầm cả nắm hương dù chùa đã có hướng dẫn không cắm hương thêm nữa... Theo ông, có vấn đề gì với văn hóa ứng xử của người Việt hay không?

- Giao tiếp của người Việt thì từng vùng miền có kỹ năng và tập quán khác nhau. Có nơi giao tiếp với nhau rất tự nhiên, có nơi giao tiếp rất ý tứ, nhưng giao tiếp trong cộng đồng hiện nay dường như thiếu hụt nghiêm trọng những kỹ năng ấy.

Trong khi kỹ năng giao tiếp có thể quyết định sự thành hay bại của công việc mình đang hướng tới và đem lại nhiều lợi ích, hoặc đem lại những hậu quả xấu về sau. Nhưng sự thiếu hụt về kỹ năng giao tiếp đang thể hiện thông qua việc giao tiếp không được chừng mực như trước đây.

Trước là luật bất thành văn, nhưng những mực thước trong ứng xử, giao tiếp đã được truyền từ đời này sang đời khác, còn hiện nay các kỹ năng ấy được trộn lẫn vào nhau và đôi khi việc trộn đã tạo ra độ vênh nhất định, thể hiện bằng những hành vi không đẹp. Người ta rất dễ đánh nhau, cãi nhau, chửi tục... sau những va chạm nhỏ.

* Theo ông, sự thiếu hụt này đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hay chưa, khi mà các lễ hội truyền thống, lễ đền chùa miếu mạo là những nơi tôn nghiêm nhất đã không còn tôn nghiêm như truyền thống và mong đợi của người dân?

- Những thiếu hụt văn hóa ứng xử đôi khi chỉ thể hiện bằng những câu nói cộc lốc hay hành động vô duyên, làm tổn thương người đối thoại hoặc đối diện. Điều này cũng không diễn ra chỉ ở một nơi, một giới mà xuất hiện ở mọi nơi, mọi giới.

Gốc gác của vấn đề cũng là cách giáo dục dạy chữ trước khi dạy làm người, trong khi lẽ ra phải tuân theo truyền thống là dạy làm người trước khi dạy chữ, “tiên học lễ, hậu học văn”, biết chữ chưa chắc đã biết làm người, bên cạnh dạy chữ phải dạy làm người, dạy ứng xử ở từng vị trí công tác, dạy nghề nghiệp...

Ngay như các quan chức cũng phải biết ứng xử thế nào với dân, công chức là công bộc của dân, đối với dân phải kính trọng lễ phép như Bác Hồ đã dạy, nhưng thật ra các quan chức như vậy còn ít lắm. Có nhiều người cho rằng mình làm quan ở vị trí này vị trí khác thì mình có quyền, nhưng thật ra quan chức đang làm việc ở cơ quan chức năng phục vụ cuộc sống người dân, là công bộc của dân.

Những thiếu hụt về ứng xử mà trong đó có ứng xử ở lễ hội, theo tôi, còn bắt nguồn từ cơ quan quản lý nhà nước.

Bản thân người dự lễ hội thiếu kỹ năng ứng xử, nhưng chúng ta, kể cả báo chí, còn hay đổ lỗi cho người dân mà không nhìn nhận nếu người quản lý biết nhìn xa trông rộng, lường trước những vụ việc có thể xảy ra để có phương án phòng trước những vụ việc phức tạp thì vụ việc đó đã không diễn ra.

Kiểu như người quản lý có tâm nhưng phải kèm theo có tầm, còn nếu đã không có tâm và cũng không có tầm thì sẽ rất khó.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp