31/07/2013 16:30 GMT+7

Chúng ta có lỗi nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thừa nhận như vậy tại hội nghị nêu lên ý kiến của nhân dân với Đảng, Nhà nước về các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam hiện nay do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức sáng 31-7.

Hội nghị có sự góp mặt của nhiều chuyên gia, nhà giáo dục có uy tín.

Ea9GPjkY.jpgPhóng to
Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

Mục đích của hội nghị là thu thập các ý kiến tâm huyết, có giá trị để gửi đến Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng sắp tới (bàn về chuyên đề đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục VN).

Học hết phổ thông để làm gì?

Đó là câu hỏi của GS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - dành cho nhiều học sinh. “Câu trả lời của tất cả các em là để thi vào một trường đại học nào đó. Vì sao vậy, vì chương trình THPT hiện chỉ có một, và chỉ có một mục đích là vào đại học mà thôi. Theo tôi, đây là lệch lạc lớn nhất của mục tiêu đào tạo trong phổ thông” - GS Cương nói.

hEVcoYXy.jpgPhóng to
GS Văn Như Cương - hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - Ảnh: Việt Dũng

Ông cho rằng chương trình hiện tại có hai phương hướng lệch lạc. Một là quá chú trọng phần kiến thức văn hóa nói chung. Bắt trẻ con học những thứ mà sau khi tốt nghiệp không bao giờ chúng gặp phải trong cuộc sống hay nghề nghiệp. “Tôi cho rằng những kiến thức toán học như số phức, tích phân, các phương trình lượng giác, các bài toán hình học không gian rối rắm… hoàn toàn không phải là kiến thức phổ thông. Không biết những kiến thức đó sẽ làm chết ai khi mà người ta làm nghề báo chí, viết văn, kinh tế, ngân hàng, y tế, luật sư, lãnh đạo… Hai là các môn học làm người không được chú trọng. Những quy tắc đơn giản trong giao tiếp, ứng xử với cộng đồng, thái độ đối với môi trường, thiên nhiên, những điều ác cần tránh, điều thiện nên làm… đều không được dạy dỗ một cách hệ thống” - GS Cương quả quyết.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN, vấn đề là phải thay đổi tư duy toàn xã hội, để có một nền giáo dục hướng đến giá trị “học để tự tin, học để có kiến thức, học để sống chứ không phải học để có bằng cấp như hiện nay”.

65nKJkmZ.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ VN - phát hiểu tại hội nghị - Ảnh: Việt Dũng

GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng muốn có nền giáo dục phát triển lành mạnh, đúng hướng thì phải có một môi trường xã hội lành mạnh. Những tiêu cực xã hội như tình trạng mua quan bán chức ảnh hưởng rất lớn đến mục tiêu học hành của học sinh.

"Tôi thấy đang thiếu những giải pháp để làm cho tâm người thầy sáng hơn. Cần đặt yêu cầu lớn nhất là nhà trường là môi trường không có tham nhũng, môi trường giáo dục là môi trường ít tiêu cực nhất. Cơ chế tuyển dụng phải làm như thế nào để cơ quan tuyển dụng tuyển được những người làm việc mà trình độ tương xứng với bằng cấp. Học không phải là để lấy tấm bằng làm đồ trang sức” - GS Châu bày tỏ.

Chỉ học những gì cần thiết

Phát biểu tại hội nghị, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng bây giờ không phải là lúc chúng ta nói chung chung, nhấn mạnh phải thế này thế khác, vì nghị quyết đã nói cả rồi, bây giờ là lúc đổi mới tư duy bằng cách xác định mục tiêu từng cấp học, xem nó đang khiếm khuyết cái gì để sửa ngay vào đó.

“Ví dụ, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao thì cái đầu tiên phải có nhân cách của con người VN, sau đó là trình độ chuyên môn. Vậy nhân cách hình thành từ đâu? Bậc tiểu học là thời gian hình thành nhân cách, từ đó chi phối toàn bộ quá trình phát triển sau này. Nếu chúng ta xác định mục tiêu của các cấp học là số lượng, bằng cấp và nặng về lý thuyết thì chúng ta cứ giữ đào tạo như hiện nay, việc gì phải đổi mới” - bà Doan nói.

Phó chủ tịch nước xác định: "Chúng ta cần phải thay đổi sản phẩm giáo dục. Hiện nay sinh viên ra trường không làm được việc, phải đào tạo lại rất tốn kém. Tôi thống nhất với nhiều ý kiến là xuất phát từ mục tiêu đào tạo của mỗi cấp học để có phương pháp, chương trình cho hợp lý. Nếu giảng dạy mà cứ đọc chép, độc thoại, không có phòng thí nghiệm, không có các cuộc đi thực tế… thì sẽ tạo ra sản phẩm như hiện nay".

“Phải bắt đầu từ người thầy. Tôi thấy hiện nay ngay cả ở trường đại học vẫn có những thầy không biết sử dụng vi tính. Trình độ người thầy như thế thì không thể đổi mới được. Trong các trường dạy nghề hiện nay, thử hỏi có bao nhiêu trường được trang bị hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế để nghề ra nghề, trường ra trường, lớp ra lớp. Mình có cái gì thì mình dạy cho người học cái đó hay là nghiên cứu xem người học cần gì để mình dạy cái đó để có đầu tư trang bị thiết bị, kỹ thuật. Chúng ta có lỗi rất nhiều trong nội dung, chương trình đào tạo” - Phó chủ tịch nước nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp