'Gặp nhiều bất tiện trong sinh hoạt nhưng bù lại có nhiều thời gian bên con cái' - anh Trần Văn Hùng nói - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
'Chúng tôi chỉ mong TP nhanh chóng khống chế được dịch để cuộc sống trở lại bình thường. Biết làm gì khác hơn trong bối cảnh này ngoài chấp hành chủ trương chống dịch của TP' - anh Hiếu, một lái xe đang thuê nhà ở quận Hải Châu, nói.
Mong nhanh qua cơn bĩ cực
Bữa trưa ở dãy trọ trên đường Lương Nhữ Học của đôi vợ chồng Văn Hiếu - Thu Nguyệt (tên được đổi theo yêu cầu) không nhiều tiếng cười. Mâm cơm dọn ra dưới nhà mái tôn nóng hầm hập chậm rãi như quên mất khái niệm thời gian. Món chính hôm nay rất tươi là nửa con gà luộc, cá kho. Ngoài ra còn có rau xanh và canh cải được trình bày bắt mắt.
'Đều là đồ tiếp tế từ Phú Ninh gửi ra cả, chứ mọi khi cũng không ăn nhiều vậy đâu. Ba em gửi gạo ra xe hàng, em lên bến xe lấy mất ba chục ngàn nhưng cái này ăn được cả tháng' - chị Nguyệt quay mặt về phía bao tải gạo đang đặt gần kệ bếp.
Cùng quê Quảng Nam, vợ chồng anh Hiếu quen nhau khi cùng làm chung ngành du lịch tại TP sông Hàn. Chị là lễ tân của một khách sạn 3 sao trên đường Hoàng Diệu, còn anh Hiếu là lái xe công nghệ.
Đợt dịch đầu tiên kéo dài đến mãi cuối tháng 6 vừa qua, khách sạn nơi chị Nguyệt làm việc mới mở cửa lại nhờ hàng loạt chương trình kích cầu du lịch của TP. Tưng bừng được ít lâu thì nào ngờ dịch bùng phát lại. Tính ra từ tết đến nay, chị Nguyệt mới đi làm được chừng hơn 20 ngày.
Anh Hiếu cũng chẳng khá hơn. Anh vay tiền mua xe 7 chỗ để chạy xe công nghệ, thu hồi vốn chưa được bao nhiêu thì 'họa từ trời rơi xuống' khiến ngành du lịch TP nguội lạnh. Nghề lái xe công nghệ ở TP du lịch chủ yếu có đồng ra đồng vô nhờ khách du lịch thập phương.
Trước giãn cách xã hội, cả hai tính dọn đồ về quê trốn dịch nhưng có nhóm chuyên gia nước ngoài làm trong khu công nghiệp thuê sáng đưa chiều đón vì TP cấm taxi.
'Chúng tôi cố bám trụ TP chờ ngày bình yên trở lại để làm ăn. Chỉ trông cho mọi người cùng chung tay chống dịch để TP qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai' - anh Hiếu chép miệng.
Người mua và người bán ở chợ Tam Tòa, quận Thanh Khê, Đà Nẵng đeo khẩu trang bảo vệ, thực hiện giãn cách - Ảnh: HỮU KHÁ
Thêm rau, bớt thịt
Gặp một năm 'kinh tế buồn', số tiền hỗ trợ thất nghiệp của vợ cạn dần, chất lượng bữa ăn của vợ chồng cũng giảm dần theo. Mọi sinh hoạt của đôi vợ chồng trẻ được tiết kiệm tối đa, nhất là khi những ngày giãn cách vừa qua chợ tăng giá vì dịch.
Bữa tươi trong tủ lạnh đến chủ yếu là hàng hóa tiếp tế từ cha mẹ ở quê gửi ra. Ngoài hai lượt ra ngoài đưa đón nhóm nhân viên người nước ngoài kia, mọi sinh hoạt của hai vợ chồng hằng ngày gói gọn trong căn phòng trọ rộng chưa đầy hai chục mét vuông.
'Thêm rau, bớt thịt, tận dụng tối đa hàng chi viện' đó là khẩu hiệu trong mùa dịch của vợ chồng anh Đoàn Ngọc Quý ở khu chung cư 11 tầng thuộc quận Cẩm Lệ. Anh Quý là nhân viên một đơn vị sự nghiệp, còn chị Nga là giáo viên tại một trung tâm Anh ngữ.
Chi tiêu của cả bốn thành viên trong gia đình chủ yếu đến từ lớp dạy kèm tại gia của chị Nga, mùa dịch thì nghỉ dạy. Thành ra cơ cấu bữa ăn trong mùa dịch của cả gia đình đều được tính toán cho hợp lý, hướng về hai con nhỏ. Thay vì trước đây ra siêu thị mua hàng mỗi ngày, đợt dịch này chị Nga chọn đi chợ sớm để vừa lựa được đồ tươi ngon, vừa giảm nguy cơ 'mang bệnh về nhà'.
'Đến trưa nay (ngày 12-8) phiếu đi chợ vẫn chưa đến, khu chung cư tôi chẳng thấy ai phàn nàn. Ai cũng thông cảm vì phường xã trăm công ngàn việc chống dịch. Quan trọng hơn là bối cảnh dịch giã thế này ai cũng trong tư thế 'phòng thủ' hết. Từ chi tiêu cho đến mua sắm, có khi cả tuần họ mới đi chợ một lần vì mọi người đều cố tiết kiệm để thích nghi' - anh Quý phân tích.
Bữa cơm theo tinh thần 'thêm rau, bớt thịt' của vợ chồng anh Quý - chị Nga - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
'Những hẹn hò từ nay khép lại'
Trước khi xin phép bước vào gia đình anh Trần Văn Hùng, ở đường Tôn Đản (Q.Cẩm Lệ), chúng tôi đã rửa tay bằng nước sát khuẩn và cẩn thận đeo khẩu trang. Tiếp chuyện với chúng tôi, các thành viên trong gia đình anh cũng mang khẩu trang không sót người nào.
Từ hồi dịch bùng phát lại ở Đà Nẵng đến nay, nhà anh Hùng với ba thế hệ dường như không có người lạ bước vào, nhằm hạn chế tối đa nguy cơ mầm bệnh xâm nhập. Ngoài thời gian ra vào sớm hôm của vợ anh, chị Trần Thị Lợi (công tác tại Trạm y tế phường Hòa An), hầu hết ngôi nhà hai tầng của anh đều cửa đóng then cài. Chỉ sang dãy hàng quán đang đóng cửa, anh Hùng nói:
'Là dân gốc ở đây, tôi chưa bao giờ thấy người ta quyết tâm như vậy. Anh coi, tuyến đường này kinh doanh sầm uất có bao giờ ngủ đâu mà bây giờ nhiều cửa hàng tạp hóa cũng khóa trái để hạn chế giao tiếp. Mới 7h tối mà không gian đã im phăng phắc'.
Là giáo viên một trường cao đẳng, việc giảng dạy hằng ngày của anh Hùng cũng thay đổi hẳn nhờ công nghệ. Mỗi ngày hai buổi anh 'lên lớp' qua ứng dụng Google Classroom với mấy chục sinh viên, chủ yếu là để các em 'khỏi quên mặt chữ' vì nhà trường đang vào giai đoạn mùa thi.
Làm việc ở nhà, anh Hùng có nhiều thì giờ chăm sóc hai con. Để phụ vợ an tâm tham gia chống dịch, anh Hùng cũng trổ tài vào bếp nấu vài món ngon cho hai con nhỏ đang ở tuổi 'kén cá lựa canh'. Những thói quen cố hữu thường ngày giờ đây phải tìm cách thích ứng mới.
Anh Hùng nói bình thường sau giờ lên lớp anh lại kéo sang nhà bạn làm 'vài ve'. Nhưng từ lúc 'những hẹn hò từ nay khép lại', giờ gặp nhau cố định chuyển sang... nhậu online để chấp hành quy định phòng dịch của TP mà vẫn 'không mất tình bằng hữu'.
Cùng trên tuyến đường này, nhà ông Trần Văn Hào cũng trong trạng thái 'phong thành' nghiêm ngặt. Tiếp chuyện với chúng tôi qua điện thoại, ông Hào cho biết những nhu cầu trong gia đình đều được tiết giảm tối thiểu để hạn chế ra ngoài, chung tay cùng TP trong giai đoạn quyết định thành bại chống dịch.
'Mình có mấy ông bạn già chiều nào cũng giao lưu cờ tướng nhưng từ hồi TP phát hiện ca nhiễm cộng đồng, mấy ổng trốn tiệt. Mình chịu khó bớt giao lưu giai đoạn này là đã đóng góp cùng TP chống dịch' - ông Hào nói.
Không như 'tem phiếu' xưa
Từng sống qua thời kỳ 'tem phiếu', ký ức của bà Mai Thị Hồng (P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu) lại hiện về khi tổ trưởng đến nhà phát phiếu đi chợ. Bà Hồng nói so với thời kỳ trước đây thì lần nhận phiếu này nhẹ nhàng hơn bởi đời sống phát triển, chẳng ai phải tranh nhau con cá, mớ rau như ngày trước.
Hơn nữa bây giờ ngoài có nhiều kênh lựa chọn như siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì hầu như tủ lạnh nhà ai cũng đầy ắp thịt thà.
'Sắp nhỏ nhà tôi tò mò hỏi chuyện tem phiếu, ngăn sông cấm chợ ngày xưa. Tôi giải thích lúc trước là vì sai lầm trong việc xây dựng kinh tế, còn bây chừ chủ trương đưa ra ai cũng đồng tình vì mục tiêu hướng về đại cuộc' - bà Hồng kể.
Người dân vui vẻ với phiếu đi chợ
Bảo vệ chợ Hòa Khánh, Đà Nẵng, kiểm tra phiếu đi chợ của người dân trước khi cho vào chợ - Ảnh: TẤN LỰC
Hôm qua 12-8, người dân Đà Nẵng chính thức đi chợ theo phiếu ngày chẵn ngày lẻ nhằm quyết liệt chống dịch. Ghi nhận chung là ít thấy người dân nào phiền hà, mà tỏ ra vui vẻ khi đi chợ theo phiếu!
Mỗi hộ gia đình được phát 5 thẻ vào chợ, dùng cho 15 ngày, bình quân 3 ngày đi chợ 1 lần. Thẻ màu hồng dùng đi chợ ngày chẵn, màu xanh da trời dùng cho ngày lẻ và đều có đóng dấu của UBND phường. Phiếu vào chợ có giá trị sử dụng 1 lần/chợ bất kỳ ở Đà Nẵng.
Sáng sớm 12-8, tại 2 chợ Thuận Thành, Tam Tòa (P.Tam Thuận, Q.Thanh Khê), lực lượng chức năng gồm tổ dân phố, ban quản lý chợ có mặt kiểm soát, thu lại thẻ khi người dân vào chợ và lưu giữ thẻ theo ngày để điều tra dịch tễ khi cần thiết.
Tại đây, người dân xuất trình thẻ được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay trước khi vào chợ. Việc kiểm soát người ra vào chợ rất nghiêm túc, người dân đồng thuận và vui vẻ.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, một người đi chợ, nói: 'Tôi thấy việc phân chia tần suất đi chợ 3 ngày 1 lần ở thời điểm dịch bệnh bùng phát như thế này rất nên làm. Ngày nào cũng đi chợ tất nhiên sẽ được con cá, miếng thịt, bó rau tươi, nhưng trong tình cảnh bệnh dịch này thì ráng chịu khó một xíu.
Khi tôi bước vào chợ được đội kiểm soát hướng dẫn, đo thân nhiệt rất chu đáo, vui vẻ. Có khác so với ngày thường là mua nhiều rau thịt hơn để trữ ăn đủ trong vòng 3 ngày'.
Chợ Thanh Bình (P.Thanh Bình, Q.Hải Châu) chỉ mở một cổng chính đi vào và một lối đi ra, một tổ kiểm soát được lập trước cổng chợ. Tất cả người đi chợ tỏ ra vui vẻ với việc kiểm soát phiếu, đo thân nhiệt, sát khuẩn, đeo khẩu trang, mặt nạ.
Một cán bộ phường Thanh Bình cho biết sau khi có chủ trương của TP, ngay trong đêm 11-8, thẻ đi chợ đã được tổ dân phố phát đến từng hộ dân trong phường.
'Mình thực hiện nghiêm túc cũng là cách để bảo vệ sức khỏe cho bà con. Sáng nay nhiều người đi chợ quên mang thẻ đã vui vẻ quay trở về nhà lấy. Tinh thần là cả chính quyền và người dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh' - vị này nói.
Chợ Đống Đa (Q.Hải Châu) có quy mô lớn và rất đông người dân đến mua sắm, vì vậy UBND P.Thuận Phước và ban quản lý chợ đã tăng cường lực lượng kiểm soát, bố trí các chốt kiểm soát, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt tại các lối vào chợ. Đồng thời liên tục phát loa đề nghị tiểu thương, bà con đi chợ chấp hành nghiêm túc giãn cách để tự bảo vệ mình.
Ông Võ Đình Công - chủ tịch UBND P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, nơi có nhiều chợ hải sản và cảng cá lớn nhất miền Trung - cho biết việc triển khai chủ trương đi chợ 3 ngày 1 lần được nhiều người dân đồng thuận rất cao. Chính quyền địa phương đã tăng cường lực lượng gấp nhiều lần, có mặt từ 3-4h sáng và tổ chức kiểm soát rất nghiêm ngặt.
'Dù kiểm soát nghiêm, ai có phiếu mới vào được chợ nhưng quan điểm là tạo điều kiện thuận lợi nhất, không gây khó cho người dân. Tại cảng cá và các bến cá có hàng ngàn người mua bán, chúng tôi túc trực lực lượng rất đông để hỗ trợ bà con, kiểm soát người ra vào, giải tỏa nhanh hải sản khi các tàu cá cập bến' - ông Công nói.
HỮU KHÁ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận