TTO - 30 năm ngồi ở một góc Bưu điện TP.HCM, ông Dương Văn Ngộ, 89 tuổi, người viết thư thuê cuối cùng ở bưu điện này, đã trở thành chứng nhân của những cánh thư đi khắp thế giới.
8h sáng, người đàn ông dáng vóc gầy guộc, tóc bạc phơ bước lên từng bậc tam cấp tiến vào trong bưu điện. Bỏ chiếc cặp trên bàn, kéo chiếc ghế gỗ phai phết thời gian, ông Ngộ ngồi xuống và bắt đầu công việc của mình.
Tròn 30 năm ông gắn bó với những cánh thư...
Anh hướng dẫn viên tên An cúi đầu chào ông ngay lối vào bưu điện, rồi quay lại nói với những du khách đến từ Pháp. Sau đó, tất cả ghé lại chiếc bàn cũ ấy.
Clémence, du khách Pháp, cùng những người bạn của mình nhờ An hỏi vì sao ông gắn bó với công việc này lâu đến vậy.
An chưa kịp nói gì thì ông Ngộ "xả" luôn một tràng tiếng Pháp. Cả nhóm trố mắt bởi ông nói như thể một người Pháp chính hiệu. Cuộc trò chuyện dài ra, kéo quá khứ trở về nơi góc nhỏ ông Ngộ ngồi.
Rời khỏi công việc nhưng ông không rời được ngôi nhà thứ 2 của mình, ông xin một chỗ ngồi ở bưu điện thành phố viết thư thuê cùng 6 người khác.
"Tôi nghĩ đây là cuộc sống của mình, chỉ có cái chết mới giúp tôi thôi nghĩ về nó", ông Ngộ tâm sự.
Có lẽ, tình yêu dành cho những bức thư nuôi dưỡng tâm hồn ông thật đẹp. Sài Gòn trôi qua bằng sự ồn náo ngoài kia. Nhưng với ông Ngộ, tất cả được sắp xếp liền mạch bằng một trí nhớ tuyệt vời và thư tín là cách ông chứng minh cho những đổi thay.
"Khi tôi bắt đầu công việc này, mỗi ngày 7 người ngồi cũng không dịch hết thư người ta nhờ dịch. Càng về sau càng ít dần bởi người ta dùng thư điện tử, giờ có ở Mỹ, ở Úc... vẫn nói chuyện và nhìn thấy nhau mỗi ngày, mỗi giờ. Công nghệ chạy nhanh hơn cả cái đồng hồ trước bưu điện", ông Ngộ nói.
Ngồi cùng ông từ sáng đến tận trưa, ngoài những đoàn du khách ghé đến trò chuyện, chụp hình và xin ông viết vài dòng lên tấm bưu thiếp làm kỷ niệm. Vẫn còn hơn chục người đến nhờ ông chuyển ngữ vài dòng thư.
Tôi chợt giật mình, nhẩm đếm và hỏi ông "30 năm qua bác viết cả chục nghìn bức thư cho người khác rồi". Đưa tay vuốt mái tóc bạc phơ, ông nhìn xa xăm một lúc rồi nói "Phải cả chục triệu chứ chục nghìn thì quá ít".
Nghề viết thư thuê cho ông Ngộ một tài sản rất lớn, đó là những cảm xúc dạt dào và thầm kín nơi đáy tim người gửi. Họ muốn chuyển đến người thương yêu của mình và ông Ngộ không cho phép mình diễn đạt không tròn ý. Có lẽ vì điều ấy mà trên bàn lúc nào cũng có hai cuốn từ điển Anh - Việt và Pháp - Việt.
Ông nói kiến thức bao la, ngôn ngữ cơ bản và chuyên ngành ông có thể thông thạo. Nhưng từ ngữ để thể hiện hết cảm xúc thì vẫn phải trau dồi mỗi ngày. Riêng với những văn bản pháp lý, phải dịch thật chuẩn.
Tiếng bước chân gõ nhẹ xuống sàn bưu điện cổ kính, những cánh thư được đưa qua cửa tiếp nhận, từ đó tỏa đi khắp năm châu, tất cả bí mật được giấu kín phía sau bì thư. Thường đó là những văn bản "làm ăn" hơn là thư tình cảm gửi cho nhau.
Nhưng có những dấu yêu ông muốn quên mà chẳng thể. Đó là những câu chuyện tình yêu xuyên biên giới, chuyện những người con thất lạc tìm được cội nguồn, hoặc tình mẫu tử.
Và thư đến, ông lại chuyển ngữ từ tiếng Anh, tiếng Pháp sang tiếng Việt hoặc ngược lại để gửi đi.
Đâu đó trong ông, tuổi tác không xóa đi sự tuệ mẫn và dĩ nhiên chẳng thể khiến ông quên những dòng thư ngập tràn yêu thương dù kỳ thực ông chẳng muốn nhớ.
"Những năm 90 của thế kỷ trước, có những bức thư tình từ Pháp gửi về Việt Nam lời lẽ rất hay. Như một anh chàng người Pháp viết rằng trời vào đông băng giá lạnh lẽo và đông cứng mọi thứ, nhưng chẳng thể đóng kín tâm hồn anh ấy khỏi nỗi nhớ về cô gái Việt Nam vừa mới gặp, anh ta mong được cô chấp nhận hò hẹn.
Tất cả những bức thư họ gửi cho nhau trong rất nhiều năm ông Ngộ là người dịch. Kể cả trước ngày cô gái lấy chồng…
"Bức thư chia xa đẫm nước mắt khiến tôi cũng buồn theo vì chẳng đành lòng, tôi dịch mà tự thấy đau cho họ. Nghề này có những nỗi buồn khó nói lắm. Còn nhiều chuyện nữa, có kể cả tháng cũng không hết", ông Ngộ tâm tình.
"Thế bây giờ có thư tình nào người ta viết cho nhau nhờ bác không?", tôi hỏi. "Có nhưng ít", ông nói. Dù gì người ta nhận một bức thư tay cảm xúc cũng sẽ khác với thư điện tử rất nhiều.
"Thường chỉ là những tấm bưu thiếp với vài dòng yêu thương", ông Ngộ trầm tư.
Có lẽ, trong lòng ông Ngộ hiểu rõ cả một trời thương nhớ cũ rồi sẽ dần lùi đi nhường chỗ cho thư tín điện tử. Những yêu thương xuyên biên giới mà người gửi đi mỗi ngày vẫn tới lui bưu điện chờ hồi âm và vỡ òa khi đối phương hồi tín rồi sẽ thành hoài niệm, chẳng ai kể, chẳng mấy người nhớ đến.
Nói đến bưu điện thành phố, người ta sẽ phải nhắc đến ông Ngộ, ông nổi tiếng khắp năm châu. Nhiều du khách nước ngoài tìm đến đây ngoài chiêm ngưỡng nét đẹp kiến trúc còn muốn nghe câu chuyện thành phố này từ chính ông.
Bà Nguyễn Thị Thu Vân - giám đốc Bưu điện TP.HCM - tâm sự: "Bác Ngộ là một phần của bưu điện, bác đã dành cả cuộc đời cho nghề, những câu chuyện của bác kể cho du khách thật sự có ý nghĩa rất lớn.
Gần như du khách nào đến bưu điện thăm quan cũng tìm đến bác Ngộ. Nay sức khỏe bác đã yếu đi nhiều, nhưng chúng tôi không biết kiếm ai có thể ngồi thay vị trí ấy của bác được. Chỉ mong mỏi bác khỏe để còn ngồi đó".
Bà Vân kể thêm "những lần bưu điện tiếp đoàn khách ngoại giao, bác Ngộ đều có thể nói chuyện được bởi rất giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp".
Nỗi lòng của bà Vân cũng chính là lo lắng của nhiều người. Những ngày trái gió, ông mệt không thể đến được, góc bưu điện bỗng chưng hửng, trống trải. Những nhân viên bưu điện lại mong ngóng ông.
Kiến trúc cổ kính này vẫn hòa giọng ông với những bài văn tiếng Pháp mà ông nói đã thuộc từ thời học Trường Petrus Ký (nay là Trường THPT Lê Hồng Phong).
Ông chỉ cần ngồi đó, lấy kính lúp soi từng chữ trên cuốn tiểu thuyết Mùa hè Petrus Ký của nhà văn Lê Văn Nghĩa đọc rồi cười vang khi nhớ về thuở thiếu thời của mình, hay kể về bưu điện này xuyên qua thời gian và những thăng trầm đã là điều tuyệt vời với nhiều người.
Thành phố này ngày càng giàu lên với những khối bê tông chọc trời, nhưng có lẽ sẽ "nghèo" đi một phần nào đó nếu một ngày vắng bóng ông.
Buổi chiều, ông thong thả bước ra khỏi bưu điện, ngồi lên chiếc xe đạp, chầm chậm rẽ vào đường Lê Duẩn về hướng Thị Nghè, bóng ông đổ xuống đường như lưu dấu bên những hàng cây cổ thụ.
Thành phố ồn náo này còn có những người như ông là một điều may mắn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận