18/05/2020 17:07 GMT+7

Chừng nào mới có vắcxin ngừa COVID-19?

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Bà bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và đổi mới Pháp đánh giá phải 18 tháng nữa mới có vắcxin. Tuy nhiên, 3 dự án của Anh, Mỹ và Trung Quốc - Canada có thể sản xuất vắcxin sớm hơn.

Chừng nào mới có vắcxin ngừa COVID-19? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và đổi mới Frédérique Vidal cho rằng 18 tháng nữa mới có vắcxin - Ảnh: EUROPE 1

Diễn tiến độ thử nghiệm lâm sàng hiện thời cho thấy trong trường hợp sớm nhất, vắcxin ngừa COVID-19 không thể sẵn sàng sử dụng trước 18 tháng nữa, tức trước mùa thu năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Nghiên cứu và đổi mới Pháp Frédérique Vidal đưa ra dự báo nêu trên hôm 16-5 (giờ địa phương) với tư cách khách mời của Đài phát thanh Europe 1 (Pháp).

Tối thiểu phải 18 tháng nữa

Bà Bộ trưởng Frédérique Vidal giải thích: "Nghiên cứu vắcxin thường mất nhiều năm. Các phòng thí nghiệm và các nhà nghiên cứu đã nói với chúng tôi rằng quá trình tăng tốc trong thử nghiệm lâm sàng hiện nay mang lại hi vọng sẽ có vắcxin trong vòng 18 tháng nữa".

Bà cảnh báo: "Thật vô lý khi nghĩ rằng chúng ta có thể tiến nhanh hơn, trừ phi chấp nhận gây nguy hiểm cho an toàn sức khỏe và điều này không thể được".

Hôm 13-5, ông Paul Hudson - tổng giám đốc Tập đoàn dược phẩm Sanofi (Pháp) - trả lời Hãng tin Bloomberg rằng Sanofi sẽ ưu tiên dành vắcxin ngừa COVID-19 cho Mỹ trước tiên.

Nhận định về vấn đề gây tranh cãi này, bà Frédérique Vidal cho biết bà vui mừng khi cuối cùng ông Paul Hudson phải rút lại lời phát biểu nêu trên.

Bà minh định: "Không thể chấp nhận được khi chúng ta đang trong đại dịch toàn cầu mà lại dành vắcxin cho nước này thay vì nước khác chỉ vì lý do tài chính. Pháp đang nghiên cứu vắcxin để cung cấp cho người dân. Vắcxin phải là tài sản của thế giới".

Dự báo của bà Frédérique Vidal về vắcxin phòng COVID-19 lại khác với phát biểu đầy lạc quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Hôm 15-5, ông Trump mong muốn tin rằng vắcxin ngừa COVID-19 sẽ có trước cuối năm nay hoặc có thể sớm hơn do các nhà nghiên cứu đã đạt được nhiều thành quả nhanh hơn.

Chừng nào mới có vắcxin ngừa COVID-19? - Ảnh 2.

Nhà khoa học nổi tiếng Anthony Fauci tin rằng đầu năm tới sẽ có sẵn sàng hàng trăm triệu liều vắcxin - Ảnh: freeportnewsnetwork.com

Ba dự án nhiều hứa hẹn

Báo Journal de Montréal (Canada) ghi nhận với đà phát triển nhảy vọt trong nghiên cứu, vắcxin đầu tiên ngừa COVID-19 có thể bắt đầu được sản xuất hàng loạt vào đầu năm 2021, tức khoảng 7 tháng nữa.

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện có 8 loại "ứng viên vắcxin" được thử nghiệm trên người và 110 loại ứng viên vắcxin đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng.

Trong 8 loại vắcxin thử nghiệm ở người có ba dự án nhiều hứa hẹn.

1. Đại học Oxford: Tháng 9 có thể có vắcxin

Đại học Oxford (Anh) đã thử nghiệm vắcxin với số lượng lớn người tình nguyện và khỉ.

Dự kiến nếu vắcxin đạt hiệu quả, Đại học Oxford sẽ bắt đầu sản xuất vài triệu liều vào tháng 9 tới, chủ yếu ưu tiên dành cho nhân viên y tế.

TS Emilio Emini - giám đốc chương trình vắcxin của Quỹ Bill và Melinda Gates - nhận xét: "Chương trình thử nghiệm lâm sàng của họ diễn tiến rất nhanh".

Sau khi thử nghiệm trên khỉ thành công, Đại học Oxford đã tiến hành giai đoạn 1 và giai đoạn 2  thử nghiệm lâm sàng trên hơn 6.000 người tình nguyện.

Nếu kết quả thành công, thử nghiệm giai đoạn 3 quy mô lớn sẽ được khởi động vào tháng 6-2020.

Chừng nào mới có vắcxin ngừa COVID-19? - Ảnh 3.

Đại học Oxford thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 nơi người tình nguyện - Ảnh: AP

2. Thử nghiệm vắcxin Ad5-nCoV ở Canada

Công ty CanSino Biologics ở Thiên Tân (Trung Quốc) liên kết với một viện quân y Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 với vắcxin Ad5-nCoV (theo công nghệ Canada) trên những người tình nguyện Canada.

Trung tuần tháng 5-2020, Ủy ban nghiên cứu quốc gia Canada đã ký thỏa thuận với CanSino Biologics để thử nghiệm giai đoạn 2 và giai đoạn 3 ở Đại học Dalhousie tại tỉnh Nova Scotia (Canada) vào tháng 6-2020.

Nếu vắcxin hiệu quả, một số lượng hạn chế vắcxin có thể được sử dụng vào cuối năm nay để dành cho nhân viên y tế Canada.

Khâu sản xuất vắcxin sẽ được tiến hành ở Canada. Về lâu dài, Canada hi vọng có bằng sáng chế sản xuất vắcxin từ Trung Quốc.

3. Moderna dự kiến sản xuất 1 tỉ liều vào năm 2021

Tại Mỹ, Công ty công nghệ sinh học Moderna ở bang Massachusetts sắp thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 vắcxin ngừa COVID-19 trên 600 bệnh nhân.

Trong thông báo ngày 18-5, Moderna cho biết từ giữa tháng 3 vừa qua, các chuyên gia đã tiến hành cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên với vắcxin mang tên mRNA-1273 và đã cho thấy "nhiều hứa hẹn". 

Trong nghiên cứu giai đoạn 1, người tham gia được tiêm vắcxin 3 lần với liều lượng khác nhau. Kết quả cho thấy mức độ tăng liều lượng dẫn tới việc tăng chất kháng nguyên, tức là khả năng tạo ra một phản ứng miễn dịch trong cơ thể. 

Vắcxin này cũng được xác định là an toàn và có khả năng dung nạp tốt. Công ty dự kiến đưa mRNA-1273 vào thử nghiệm giai đoạn hai từ tháng 7 tới.

Nếu kế hoạch như dự kiến, Moderna có thể sản xuất 1 tỉ liều vắcxin vào năm 2021.

Trả lời kênh truyền hình ABC vào cuối tháng 4-2020, TS Anthony Fauci - giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) của Mỹ - tin rằng đầu năm tới sẽ có sẵn sàng hàng trăm triệu liều vắcxin COVID-19.

Ông ghi nhận: "Có thể làm được nếu mọi việc diễn ra tốt đẹp như dự kiến".

Phát biểu lạc quan của Tổng thống Donald Trump hôm 15-5 về vắcxin ngừa COVID-19 sẽ có trước cuối năm nay có thể dựa trên nhận định nêu trên của TS Anthony Fauci.

Thậm chí ông Fauci còn đưa ra đề nghị hết sức táo bạo là cứ sản xuất vắcxin ngay trước khi giai đoạn thử nghiệm trên người hoàn thành.

Báo Journal de Montréal nhấn mạnh rằng dự báo về thời gian có vắcxin đầu tiên không có gì bảo đảm chắc ăn vì cơ chế hoạt động của COVID-19 rất khó hiểu.

WHO cũng đã cảnh báo COVID-19 có thể không bao giờ biến mất và chúng ta cần phải học cách sống chung với nó.

Nhà virus học ở Vũ Hán bác tin đồn bỏ trốn khỏi Trung Quốc Nhà virus học ở Vũ Hán bác tin đồn bỏ trốn khỏi Trung Quốc

TTO - Nhà virus học Trung Quốc Thạch Chính Lệ, nhân vật trung tâm của tranh cãi về các giả thuyết nguồn gốc virus corona chủng mới, đăng bài nghiên cứu mới về các chủng virus corona trên loài dơi đã biến đổi như thế nào để có thể truyền sang người.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: COVID văxin Corona
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp