Phiên giao dịch chứng khoán tại Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Chưa đầy 3 tháng, các nhà đầu tư ôm cổ phiếu "họ FLC" đã hứng tới 2 cú sốc lớn liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch CTCP Tập đoàn FLC. Không chỉ các mã thuộc "họ FLC" bị bán tháo với giá sàn, không có người mua, nhiều cổ phiếu khác cũng bị vạ lây.
"Tôi bắt dao rồi, nổi da gà, hai hôm liền chưa có tin chính thức là ông Quyết bị bắt nên mua vào, cả trăm triệu coi như cháy rồi. Sợ hãi thật sự", anh H. (nhà đầu tư) không khỏi bàng hoàng khi chiều tối 29-3 hay tin ông Trịnh Văn Quyết (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC) vừa bị bắt tạm giam để điều tra hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Kẻ tháo chạy, người rủ rê mua
Trong khi thị trường chứng khoán hồi phục với sắc xanh rực rỡ ở phiên 29-3, thì nhà đầu tư lại tiếp tục chứng kiến hàng loạt cổ phiếu liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết chìm trong "chảo lửa", bị bán tháo và lao dốc mạnh. Riêng mã FLC bị rớt xuống giá sàn 12.650 đồng/cổ phiếu, tương đương giảm hơn 13% giá trị chỉ trong vòng hai phiên, âm xấp xỉ 44% kể từ khi lập đỉnh 22.550 đồng/cổ phiếu vào đầu tháng 1 mới đây.
Cả mã ROS cũng lâm vào cảnh tương tự, khi bị "lau sàn" ở giá 8.160 đồng/cổ phiếu (-13% sau hai phiên). Mã này từng được tung hô như "ngôi sao sáng" khi leo lên mốc 16.000 đồng/cổ phiếu vào hồi đầu năm nay. Ở thời đỉnh cao 4 năm trước, ROS từng đạt giá 214.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng chú ý, trong lúc nhiều nhà đầu tư muốn bán tháo cổ phiếu "họ FLC" bằng mọi cách, thì có những người lại chờ cơ hội mua vào hoặc đi rủ rê người khác gom hàng nhưng bản thân thì... làm ngược lại.
"Trong lúc mọi người sợ hãi thì mình nên tham lam. Chờ mã FLC rớt xuống dưới mệnh giá (10.000 đồng/cổ phiếu - PV) thì tôi sẽ cân nhắc lên tàu", anh Thắng, nhà đầu tư, nói, đồng thời cho biết đang nắm trong tay nhiều cổ phiếu đầu cơ thuộc nhóm bất động sản.
Trong phiên 29-3, chỉ tính riêng hai mã FLC và ROS đã có tổng cộng hơn 188 triệu cổ phiếu bị chất bán giá sàn, với giá trị tương đương hơn 1.280 tỉ đồng. Ở phiên kế trước (28-3), tổng số lượng cổ phiếu dư bán sàn ở các mã "họ FLC" lên hơn 178 triệu cổ phiếu.
Sự sụt giảm của "họ FLC" trong phiên 28-3 khiến nhiều mã khác bị "vạ lây", đặc biệt là các cổ phiếu có tính chất đầu cơ bị nhà đầu tư bán mạnh, kể cả cổ phiếu của những ngân hàng là "chủ nợ" của Tập đoàn FLC cũng bị rớt giá do lo ngại phải ôm nợ xấu.
Tuy vậy, sang phiên 29-3 tình huống đã đảo chiều, các mã ngân hàng trên đã lấy lại phong độ và đổi màu từ đỏ sang xanh. Chỉ số VN-Index từ việc bị giảm hơn 15 điểm ở phiên 28-3, cũng đã lội ngược dòng tăng gần 15 điểm khi chốt phiên 29-3 lên mốc 1.497,76 điểm. Diễn biến đảo chiều trên cũng khiến nhiều nhà đầu tư hụt hẫng vì trót bán vào phiên "đỏ lửa".
Ngày 29-3, thị trường chứng khoán đã hồi phục sau phiên đỏ sàn do có tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết - Ảnh: Q.ĐỊNH
Uy tín của ban lãnh đạo ảnh hưởng giá cổ phiếu
Dù sở hữu vốn hóa thị trường không lớn, nhưng 7 mã chứng khoán nằm trong hệ sinh thái FLC và liên quan đến tỉ phú Trịnh Văn Quyết gồm FLC (Tập đoàn FLC), ROS (Xây dựng FLC Faros), HAI (Nông dược H.A.I), AMD (Đầu tư và khoáng sản FLC Stone), KLF (Đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu CFS), ART (Chứng khoán BOS) và GAB (Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC) được nhiều nhà đầu tư quan tâm và có thanh khoản cao.
Chỉ riêng năm ngoái, tổng giá trị khớp lệnh của cổ phiếu "họ FLC" đã đạt gần 147.000 tỉ đồng (2,4% toàn thị trường), chỉ xếp sau HPG (Tập đoàn Hòa Phát), VPB (VPBank), TCB (Techcombank), STB (Sacombank) và SSI (Chứng khoán SSI). Vì vậy, những thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết cũng khiến nhiều nhà đầu tư chú ý.
Bám sát diễn biến thị trường, ông Huỳnh Anh Tuấn - tổng giám đốc Chứng khoán Đông Á - lý giải việc cổ phiếu "họ FLC" bị rớt xuống giá sàn là điều dễ hiểu khi thông tin tiêu cực liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết bị phát tán.
Trong bối cảnh đó, ngoài những người đang nắm giữ các mã "họ FLC" thì những nhà đầu tư nhận định cổ phiếu của mình cũng mang dáng dấp đầu cơ, nhóm bất động sản, cũng bị ảnh hưởng tâm lý, nên kích hoạt lệnh bán.
"Gần đây thị trường dùng dằng quanh mốc 1.500 điểm, cộng thêm tin tiêu cực loan ra, nhà đầu tư F0 chưa đủ năng lực, kinh nghiệm đánh giá và đo lường mức tác động, đã thoát hàng, đôi khi bán ra cả những cổ phiếu không liên quan", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, trên thương trường, uy tín người lãnh đạo tác động không nhỏ đến doanh nghiệp. "Những lãnh đạo doanh nghiệp uy tín thường không bán chui cổ phiếu, hay tránh scandal. Một phần lợi nhuận của công ty có được cũng nhờ người lãnh đạo, bởi đôi khi đối tác chưa cần xem báo cáo tài chính mà biết đó là người lãnh đạo uy tín thì sẽ chọn hợp tác.
Do vậy, ngoài yếu tố lợi nhuận, ngành nghề, thì tầm nhìn chiến lược và độ uy tín của ban lãnh đạo cũng cấu thành giá cổ phiếu. Nếu một doanh nghiệp có lợi nhuận tăng đều qua các năm, hoạt động trong nghề nhiều tiềm năng, đồng thời ban lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược tốt, mà hiện tại giá cổ phiếu chưa tăng thì nay mai cũng sẽ tăng, vì tính bền vững.
Trên sàn chứng khoán có hàng ngàn doanh nghiệp niêm yết, cổ phiếu tốt, lợi nhuận bền vững, nhà đầu tư nên cân nhắc trước khi lao vào cổ phiếu đầu cơ", ông Tuấn chia sẻ quan điểm.
Tối 29-3, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có thông cáo khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh và cẩn trọng trong các quyết định đầu tư.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
"Họ FLC" kinh doanh ra sao?
Trước khi bị lao dốc do các thông tin liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn FLC, nhiều mã cổ phiếu "họ FLC" từng được đẩy lên mức giá cao. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của những doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái này lại không khả quan, thể hiện việc sử dụng đồng vốn kém hiệu quả.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất, lũy kế cả năm 2021, Tập đoàn FLC đạt doanh thu hơn 6.770 tỉ đồng, lãi ròng sau thuế gần 84 tỉ đồng, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm trước. Như vậy, so với kế hoạch đặt ra, doanh nghiệp chỉ thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Dù không đạt được chỉ tiêu đề ra cho năm 2021, nhưng năm 2022 doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu gần 27.000 tỉ đồng và lãi 2.100 tỉ đồng.
Dựa vào báo cáo tài chính có thể thấy doanh nghiệp này gánh khoản nợ phải trả hơn 24.000 tỉ đồng, trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn hơn 6.200 tỉ đồng. Về khả năng trả lãi nợ vay, FLC đang rơi vào trạng thái báo động rủi ro vì hệ số EBIT/lãi vay nằm mức 1,1 lần. Tương đương thu nhập chỉ gấp 1,1 số lãi vay công ty phải thanh toán hiện tại.
Nếu rơi vào mức thấp hơn 1 lần, doanh nghiệp sẽ không tạo ra đủ thu nhập để trả các chi phí lãi vay, gặp rủi ro lớn về tài chính. Đo lường hiệu quả sử dụng vốn, ROE của Tập đoàn FLC chỉ nằm mức 1,64%, thấp hơn rất nhiều so với nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành.
Về biên lợi nhuận ròng, trừ Chứng khoán BOS (ART) đạt mức hơn 36%, các doanh nghiệp còn lại trong hệ sinh thái FLC chỉ dao động từ 0,5-3,8%. Riêng Tập đoàn FLC có biên lãi ròng 1,2%, tức chỉ kiếm được 1,2 đồng lợi nhuận trên 100 đồng doanh thu.
Liên tục đỏ, rồi xanh đã gây áp lực không nhỏ lên thị trường chứng khoán - Ảnh: Q.ĐỊNH
"Ông Quyết không đủ tầm ảnh hưởng đến thị trường"
TS Lê Đạt Chí - giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam hơn hai thập kỷ - nhận định như vậy về tác động của "sự kiện ông Quyết" tới thị trường chứng khoán.
Ông Chí cho rằng việc ông Quyết bị bắt sẽ ảnh hưởng cục bộ đến các cổ phiếu "họ FLC" trong dài hạn, có thể tác động đến thị trường trong vài phiên, nhưng không đủ tầm để khiến toàn thị trường lao dốc trong dài hạn, mà có yếu tố tích cực là góp phần làm tăng tính minh bạch cho thị trường chứng khoán, chuyển hướng dòng tiền đầu cơ sang đầu tư những cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng tốt.
Việc thị trường chứng khoán có biến động giảm mạnh vào đầu tuần này bởi nhiều thông tin, bao gồm việc các tổ chức tín dụng được yêu cầu phải siết chặt vốn vào lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như kinh doanh bất động sản, nhà đầu tư lo ngại về việc gia tăng lạm phát.
Thông tin tiêu cực liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết có thể trùng hợp gây nên tác động kép, chứ bản thân ông Quyết không đủ tầm ảnh hưởng để tác động đến toàn bộ thị trường, đặc biệt khi cổ phiếu "họ FLC" có thị giá thấp và vốn hóa chiếm tỉ lệ không đáng kể trên thị trường.
Theo ông Chí, đối với những nhà đầu tư kỳ cựu, cổ phiếu FLC, ROS đã bị liệt vào danh sách đen, vì có nhiều vết nhớp trong quá khứ khiến không ít nhà đầu tư bị thua lỗ nặng (mã ROS hiện neo mốc 8.160 đồng/cổ phiếu, nhưng ở thời hoàng kim (2017) được đẩy lên 214.000 đồng/cổ phiếu).
Kể cả các công ty chứng khoán cũng không màng đưa ra đánh giá, khuyến nghị liên quan đến các cổ phiếu này, trong khi nhiều lúc cổ phiếu của một doanh nghiệp tốt được hàng chục công ty chứng khoán khuyến nghị cùng lúc.
Vì vậy, những nhà đầu tư bị "sập bẫy", đổ tiền mua các cổ phiếu đầu cơ đa số là mới gia nhập thị trường, số lượng vốn không quá lớn, tiếp cận thông tin qua các nhóm trên mạng xã hội, tin vào lời đường mật lãi cao nên nhảy vào.
"Nhiều người kỳ cựu trên thị trường vẫn nhảy vô mua cổ phiếu đầu cơ... cho vui. Thấy giá rẻ nên quăng vào vài chục triệu, vài trăm triệu - khoảng 10% trên tổng danh mục, để cá cược. Họ nghĩ cổ phiếu này có "đội lái" tạo câu chuyện, mông má đằng sau nên khả năng tăng giá cao.
Biết có rủi ro nhưng họ xác định nếu ông "thổi giá" thì tôi cũng nhảy vô lướt sóng, chơi vài ngày lời rồi bán, ai cũng nghĩ mình khôn hơn người khác cho đến khi cổ phiếu bị rớt giá và mất thanh khoản không bán được. Khoản thua lỗ chính là học phí đắt giá trên thị trường chứng khoán", TS Lê Đạt Chí nói.
Bên cạnh đó, ông Chí cũng cho biết dù nhà đầu tư nhận thấy các cổ phiếu đầu cơ có thanh khoản tốt, sang tay hàng chục triệu cổ phiếu mỗi phiên, nhưng không có nghĩa những người mua bán này là nhà đầu tư thực thụ, mà không loại trừ trường hợp đó là các giao dịch của "đội lái" để tạo nên sự hấp dẫn.
Nhà đầu tư cần cảnh giác trước những cổ phiếu từng khiến nhiều người sập bẫy và thua lỗ, vì người tiếp theo có thể là mình. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có quy mô tài sản lớn, nhưng thực chất tài sản mơ hồ - nằm ngoài tầm kiểm soát, đơn vị kiểm toán không với tới.
Vì sao ông Trịnh Văn Quyết bị bắt?
Ông Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vì hành vi thao túng thị trường chứng khoán trong vụ bán "chui" 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1.
Chiều qua 29-3, trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an - cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán. Trước đó, ông Quyết đã bị cơ quan điều tra ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh một tháng từ ngày 26-3 để phục vụ điều tra.
Ông Trịnh Văn Quyết - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần FLC - Ảnh: T.HUYỀN
Thao túng thị trường chứng khoán
Theo ông Xô, C01 đã tiến hành điều tra, xác minh với ông Trịnh Văn Quyết và các cá nhân thuộc Công ty CP Tập đoàn FLC, Công ty CP chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "thao túng thị trường chứng khoán", "che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" ngày 10-1, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hành vi của ông Trịnh Văn Quyết đã đủ yếu tố cấu thành tội "thao túng thị trường chứng khoán", quy định tại điều 211 Bộ luật hình sự.
Sau nhiều ngày cổ phiếu FLC được "đánh lên" với giá rất cao, ngày 10-1, ông Quyết đã bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC nhưng không báo cáo, không công bố thông tin trước khi thực hiện giao dịch. Đáng chú ý, chỉ trong một phiên giao dịch, có tới gần 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, trong khi trước đó mỗi ngày cổ phiếu FLC chỉ giao dịch khối lượng trung bình 15 - 40 triệu cổ phiếu. Cũng trong phiên này, nhiều nhà đầu tư vừa mới "đua lệnh" mua cổ phiếu FLC giá trần vào buổi sáng, đến chiều bị giảm sàn.
Ngay sau đó, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có quyết định phong tỏa tài khoản chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết nhằm ngăn ngừa, ngăn chặn các hành vi tiếp theo không đúng quy định. Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng có văn bản chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hủy bỏ giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC ngày 10-1 của ông Trịnh Văn Quyết, nhiều nhà đầu tư được hoàn tiền đã mua.
Ngày 18-1, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Trịnh Văn Quyết 1,5 tỉ đồng, mức cao nhất theo quy định. Đồng thời chủ tịch Tập đoàn FLC cũng bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán 5 tháng.
Ông Quyết "bay" hơn 450 tỉ chỉ sau 2 phiên
Trong cảnh cổ phiếu "họ FLC" lao dốc, mất thanh khoản bởi những thông tin liên quan đến mình thì tài sản của ông Trịnh Văn Quyết cũng bị sụt giảm mạnh xuống còn hơn 4.440 tỉ đồng, rơi khỏi top 40 người giàu bậc nhất sàn chứng khoán.
Với vai trò chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn FLC, ông Quyết hiện đang là cổ đông lớn nhất sở hữu 215,4 triệu cổ phiếu FLC (30,34% vốn), xấp xỉ 2.725 tỉ đồng theo thị giá (chốt phiên 29-3). Như vậy trải qua hai phiên đầu tuần, khối tài sản trên của vị lãnh đạo này đã "bốc hơi" hơn 420 tỉ đồng. Sở hữu trực tiếp gần 3,2 triệu cổ phiếu ART, tương đương 31 tỉ đồng (thị giá 29-3), tài sản của vị tỉ phú cũng tạm thời sụt giảm thêm hơn 5,4 tỉ đồng sau hai phiên.
Vì đã từ chức chủ tịch hội đồng quản trị tại Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros và không còn là cổ đông lớn và người nội bộ, nên các giao dịch của ông Quyết không còn thuộc diện phải công bố thông tin ra đại chúng. Dù vậy, giả sử trong trường hợp ông Quyết vẫn giữ nguyên tỉ lệ sở hữu 23,7 triệu cổ phiếu ROS (4,17% vốn, như báo cáo cuối năm 2020) thì khoản tài sản này ước tính đạt hơn 193 tỉ đồng theo thị giá (29-3), "bốc hơi" hơn 30 tỉ đồng sau hai phiên.
Bên cạnh đó, ông Quyết cũng có một khoản đầu tư lớn là tại Công ty đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC (GAB), tuy nhiên vì mã này ít giao dịch nên không bị ảnh hưởng nhiều bởi các đợt khủng hoảng trên. Hiện GAB đang neo ở giá 196.000 đồng/cổ phiếu. Ông Quyết hiện nắm hơn 7,6 triệu cổ phiếu GAB (51,1% vốn), tương đương hơn 1.495 tỉ đồng theo thị giá.
Như vậy tổng giá trị cổ phiếu mà vị chủ tịch Tập đoàn FLC đang nắm giữ ở các công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán hiện đạt khoảng 4.444 tỉ đồng (rớt hơn 455 tỉ đồng sau hai phiên 28 và 29-3).
"Kịch bản" thao túng giá của ông Quyết
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, hành vi sai phạm thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết bị xác định được thực hiện từ đầu tháng 12-2021 kéo dài đến phiên giao dịch ngày 10-1-2022 - phiên mà chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu. Ông Quyết đã vẽ ra một "kịch bản" khá tinh vi, chỉ đạo nhiều người cùng tham gia "thổi giá" cổ phiếu của chính tập đoàn mình nắm giữ lên một mức cao ngất ngưởng để "lùa gà" nhiều nhà đầu tư rồi bán chui số cổ phiếu ông mua rẻ với mục đích hưởng lợi bất chính.
Bị can Trịnh Văn Quyết cùng với một lãnh đạo của Tập đoàn FLC đã chỉ đạo nhiều người thân trong gia đình và một số người khác điều hành nhân viên Công ty CP chứng khoán BOS và các công ty con sử dụng khoảng 20 tài khoản chứng khoán của 11 tổ chức để thực hiện việc "làm giá". Những cá nhân này thông đồng với nhau liên tục mua bán chứng khoán FLC với tần suất lớn nhằm tạo ra cung cầu giả để đẩy giá lên cao.
Trịnh Văn Quyết cùng những người giúp sức đã tham gia 28/28 phiên giao dịch, số lượng đặt mua chiếm 12% và số lượng đặt bán chiếm 7% tổng khối lượng thị trường. Hành vi tạo cung cầu giả của nhóm Trịnh Văn Quyết đã đẩy giá cổ phiếu FLC từ hơn 14.000 đồng/cổ phiếu ngày 1-12-2021 liên tục tăng, thậm chí tăng trần nhiều phiên và phiên tăng trần cao nhất là 24.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu FLC đã được nhóm của bị can Quyết làm ảo thuật tăng khoảng 64%.
Tổng số tiền bị can Trịnh Văn Quyết thu về sau khi bán chui cổ phiếu là gần 1.700 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền hơn 530 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận