Thị trường chứng khoán mở cửa phiên đầu tiên của tháng 10 khá tích cực với sắc xanh bao phủ. Lực mua chủ động áp đảo kèm thanh khoản tốt hơn đã giúp VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm trong sáng nay.
Thị trường chứng khoán bớt đà hưng phấn
Không chỉ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản đều có khối lượng giao dịch ấn tượng. Toàn thị trường có tới hơn 500 mã tăng điểm. Hết phiên sáng, chỉ số có thêm gần 14 điểm.
Tuy nhiên sang đến phiên chiều, thị trường bớt đà hưng phấn. Áp lực bán tăng dần ở một số cổ phiếu, nhất là ở nhóm ngân hàng.
Trong top 10 cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số, góp mặt tới 7 "gương mặt" ngân hàng, điển hình như: CTG của Vietinbank (-1,2%), VPB của VPBank (-1%), LPB của LPBank (-0,7%), HDB của HDBank (-0,7%), MBB của MBBank (-0,19%), NAB của Nam Á Bank (-0,9%).
Trong khi đó, nhóm chứng khoán có sự đồng thuận cao hơn với mức tăng cả ngành gần 1% trong phiên hôm nay.
Ngoài SSI (-0,36%), MBS (-0,94%) thì còn có ORS (+6,82%), VND (+1,31), BSI (+4,63%), CTS (+0,25%), VDS (+1,79%), BVS (+0,23%)…
Thống kê tại thời điểm đóng cửa, có 6 trên tổng số 22 nhóm ngành giảm điểm. Toàn thị trường có 450 mã tăng giá đối trọng với 275 mã giảm giá.
Với thanh khoản cả ba sàn hơn 25.000 tỉ đồng, thị trường lại chứng kiến một phiên giao dịch tỉ USD hiếm hoi nhiều tháng gần đây.
Điểm tích cực khác, khối ngoại cũng trở lại mua ròng trong phiên VN-Index chạm 1.300, với giá trị ròng hơn 400 tỉ đồng.
Dù kết phiên thị trường vẫn giữ được sắc xanh khi tăng hơn 4 điểm. Nhưng việc tiếp tục "rớt" khỏi vùng 1.300 trong thời gian quá ngắn ngủi không khỏi khiến nhà đầu tư hụt hẫng.
Kịch bản này lặp lại gần giống phiên 27-9, khi VN-Index cũng chỉ chạm 1.300 điểm thời gian ít ỏi trước áp lực bán tăng mạnh.
5 lần làm khó
Trong vòng 30 tháng trở lại đây, VN-Index đã có vài lần chạm mốc 1.300. Còn nếu tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, vùng kháng cự mạnh này đã 5 lần làm khó chỉ số. Mỗi lần ở ngưỡng này, áp lực bán lại xuất hiện.
Nói với Tuổi Trẻ Online, bà Trần Thị Khánh Hiền - giám đốc khối phân tích Chứng khoán MB (MBS) - cho biết mốc 1.300 vẫn là ngưỡng cản mạnh.
Nhiều lần khi tiếp cận vùng này, VN-Index giảm mạnh hàng chục điểm, áp lực chốt lời gia tăng.
Theo bà Hiền, tỉ lệ nhà đầu tư tổ chức không nhiều, còn số lượng nhà đầu tư cá nhân áp đảo nên thị trường dễ biến động.
Mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư cá nhân sẽ mang tính ngắn hạn hơn dẫn đến sự biến động của thị trường. Do vậy về lâu dài vẫn cần sự thay đổi về bản chất, cấu trúc của thị trường để hướng tới sự phát triển bền vững hơn.
Với dòng vốn ngoại, bà Hiền cho biết họ đã rút ra khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam tương đối mạnh suốt cả năm vừa qua với nhiều lý do. Trong đó chênh lệch lãi suất chỉ là một yếu tố.
Do vậy Fed hạ lãi suất, chưa có nhiều kỳ vọng về dòng vốn ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam mạnh mẽ ngay thời điểm này, mà chỉ nên hy vọng đà bán tháo giảm bớt và khối lượng mua ròng sẽ dần cải thiện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận