VN-Index giằng co lên xanh xuống đỏ liên tục trong phiên sáng 20-1 - Ảnh: BÔNG MAI
Ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch sáng nay, nhiều nhà đầu tư phản ánh lại gặp khó trong việc đặt lệnh giao dịch cổ phiếu. Theo đó xuất hiện tình trạng nhà đầu tư không thể đặt lệnh giao dịch chính xác vì xuất hiện lỗi hiển thị trên bảng giá chứng khoán.
Tình trạng lệnh đi nhỏ giọt, ì ạch, "nghẽn lệnh" liên tục xảy ra, nhà đầu tư thậm chí không thể khớp lệnh mua ngay tại mức giá của bên bán và ngược lại. "Có tiền mà không mua được, tức", anh Tâm (nhà đầu tư) chia sẻ.
Phiên giao dịch sáng nay diễn biến khá giằng co, VN-Index dùng dằng, liên tục đảo chiều lên xanh xuống đỏ.
Nhiều cổ phiếu lớn bị nhà đầu tư bán ra mạnh như Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR), Vincom Retail (VRE), Đầu tư và Phát triển công nghiệp (BCM), Sabeco (SAB), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Tập đoàn Bảo Việt (BVH)...
Song song đó cổ phiếu của nhiều ngân hàng lớn cũng bị rớt giá như Eximbank (EIB), MBBank (MBB), VPBank (VPB), Vietinbank (CTG)...
Đối lập, một số cổ phiếu có vốn hóa lớn của các doanh nghiệp "đình đám" vẫn hút dòng tiền mạnh, điển hình như Vingroup (VIC), Vietcombank (VCB), Novaland (NVL), Vinhomes (VHM), PetroVietnam Gas (GAS), Vinamilk (VNM), Vietjet Air (VJC), Petrolimex (PLX)...
Nhiều nhà đầu tư khá hồi hộp và thận trọng chờ xem diễn biến mới đưa ra quyết định. Bởi phiên hôm qua thị trường chứng kiến VN-Index có lúc giảm hơn 75 điểm, số điểm giảm nhiều nhất trong lịch sử chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở phiên giảm mạnh lịch sử, trong đó tổng giá trị giao dịch lên hơn 1,1 tỉ USD, thì theo thống kê của FiinTrade nhà đầu tư cá nhân là bên duy nhất bán ròng, trong khi đó cả nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước đều mua ròng.
Định giá mức P/E (hệ số thị giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của chỉ số VN-Index thấp hơn rất nhiều so với các thị trường khác - Nguồn: Yuanta
Sau phiên giảm lịch sử trên, Công ty chứng khoán Yuanta tính toán mức P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của chỉ số VN-Index (đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam) chỉ nằm ở mức 18,9x, tức nằm trong top thị trường có mức định giá thấp nhất thế giới và trong khu vực, chỉ cao hơn mức định giá của chỉ số HangSeng (Hong Kong) và Shanghai (Trung Quốc).
Yuanta kỳ vọng chỉ số VN-Index vẫn có thể vượt mức kháng cự mạnh 1.200 điểm trong năm 2021.
"Thị trường chứng khoán có thể nhanh chóng hồi phục sau phiên giảm "siêu" mạnh, nhưng xu hướng ngắn hạn đã tiêu cực hơn cho nên các nhà đầu tư cần quản trị rủi ro cho danh mục ngắn hạn, đặc biệt cần cơ cấu danh mục ngắn hạn theo hướng giảm dần để đưa tỉ trọng cổ phiếu về mức cân bằng", Yuanta khuyến nghị.
Công ty chứng khoán SSI cho biết mục tiêu dài hạn trên chỉ số VN-Index nằm gần 1.380 điểm. Trường hợp chỉ số tiếp tục quán tính giảm vào đầu phiên 20-1 sẽ tạo ra cơ hội mua vào cổ phiếu ở vùng giá tốt.
Trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, hàng trăm cổ phiếu giảm giá thì vẫn xuất hiện một số "ngôi sao sáng", không những không bị rớt giá mà còn tăng khá tốt, giúp nhà đầu tư tăng thêm giá trị tài sản.
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index giảm nhẹ 0,64 điểm (-0,06%) xuống 1.130,36 điểm. Thanh khoản sàn HOSE đạt hơn 14.833 tỉ đồng.
Lực cầu bắt đáy khá tốt giúp rổ VN30 vươn lên sắc xanh khi tăng 3,24 điểm (+0,29%) lên 1.110,56 điểm. Một nửa số thành viên trong rổ có cổ phiếu tăng giá.
Diễn biến của sàn HNX và rổ HNX30 có phần đối lập. Trong khi sàn HNX tăng 3,97 điểm (+1.77%) lên 227,99 điểm, thì rổ HNX30 lại bị rớt 5,21 điểm (-1,47%) xuống 349,18 điểm.
Nhân lúc thị trường suy giảm, khối ngoại tiếp tục gia tăng mua ròng gần 293 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận